Nhật Bản cân nhắc tăng lương tối thiểu cho người lao động

10:41' - 29/06/2022
BNEWS Hiện nay, mức lương tối thiểu bình quân trên toàn quốc ở Nhật Bản là khoảng 930 yen/giờ. Trong tài khóa 2021, mức lương tối thiểu bình quân đã tăng thêm 28 yen, tương đương 3,1%.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tổ công tác của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đang tiến hành thảo luận về việc nâng lương tối thiểu theo giờ cho người lao động trong tài khóa 2022, kết thúc vào cuối tháng 3/2023.

 

Với sự tham gia của đại diện của các nghiệp đoàn và lãnh đạo doanh nghiệp, tổ công tác này sẽ đưa ra đề xuất về mức lương tối thiểu ở mỗi tỉnh, thành.

Hiện nay, mức lương tối thiểu bình quân trên toàn quốc ở Nhật Bản là khoảng 930 yen/giờ. Trong tài khóa 2021, mức lương tối thiểu bình quân đã tăng thêm 28 yen, tương đương 3,1%.

Các đại diện nghiệp đoàn đang kêu gọi nâng lương tối thiểu trong bối cảnh người lao động đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi giá cả hàng hóa leo thang.

Mặc dù vậy, theo đài truyền hình NHK, một tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp nhỏ đề xuất việc tăng lương cần dựa trên cơ sở dữ liệu kinh tế trong bối cảnh các doanh nghiệp đã bị tác động nặng nề bởi dịch COVID-19 và vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo dự kiến, tổ công tác sẽ đưa ra đề xuất về mức lương tối thiểu vào tháng tới.

Trong những tháng gần đây, giá cả thực phẩm, nhiên liệu và nhiều hàng hóa đã tăng cao ở Nhật Bản, chủ yếu do ảnh hưởng của việc đồng yen mất giá, cuộc xung đột ở Ukraine, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung và sự gián đoạn của một số chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC), trong tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của nước này tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 9 liên tiếp chỉ số này tăng.

Đáng chú ý, trong tháng 5, giá thực phẩm, không bao gồm các loại dễ hỏng, tăng 2,7%, cao nhất trong 7 năm qua. Trong khi đó, giá năng lượng cũng tăng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá dầu hỏa tăng 25,1%, còn giá xăng tăng 13,1% ngay cả khi chính phủ đã thực hiện chương trình trợ giá để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia Yoshiki Shinke của Viện Nghiên cứu Đời sống Dai-ichi, nói: “Giá năng lượng có thể được kiềm chế bởi chương trình trợ giá của chính phủ, nhưng giá thực phẩm sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tới”.

Điều đáng lo ngại là nếu lạm phát tiếp tục tăng trong khi tiền lương và lãi suất không tăng hoặc tăng chậm, điều đó có thể sẽ khiến người dân phải thắt chặt chi tiêu, từ đó có thể ảnh hưởng tiêu cực tới chi tiêu dùng cá nhân – một trong hai trụ cột tăng trưởng chính của kinh tế Nhật Bản.

Chuyên gia Shinke nói: “Tình hình khá xấu đối với người tiêu dùng bởi vì lạm phát đang tăng ở tốc độ cao hơn so với tốc độ tăng của tiền lương”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục