Nhật Bản có thể tiến tới một cuộc đại cải cách chính sách nông nghiệp?
Tại phiên tranh luận với lãnh đạo các đảng ngày 21/5, Thủ tướng Nhật Bản đã tuyên bố sẽ kiềm chế giá gạo ở mức 3.000 yen (20,97 USD)/gói 5kg. Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh người dân bất mãn trước tình trạng giá cả leo thang kéo dài. Chính sách nông nghiệp vốn hạn chế sản xuất và kiểm soát nhập khẩu gạo đã gây áp lực lên chi tiêu sinh hoạt của người dân. Ngay cả gạo dự trữ - niềm hy vọng cuối cùng - cũng khó đến tay người tiêu dùng. Thủ tướng Ishiba đặt mục tiêu tháo gỡ tình hình bằng cách hợp tác với tân Bộ trưởng Nông- Lâm-Ngư nghiệp Shinjiro Koizumi nhưng thách thức là không nhỏ.
Tại buổi tranh luận, Thủ tướng Ishiba phát biểu rằng giá gạo nên ở mức “trong khoảng 3.000 yen/5kg không thể lên đến 4.000 yen/5kg như hiện nay”. Việc chính phủ công khai mức giá mục tiêu cho mặt hàng gạo – vốn do thị trường quyết định – là điều cực kỳ hiếm gặp. Khi ông Yuichiro Tamaki, Chủ tịch đảng Dân chủ Quốc dân hỏi liệu Thủ tướng có chịu trách nhiệm nếu không thể thực hiện lời hứa, ông Ishiba khẳng định: “Tôi sẽ phải chịu trách nhiệm”.Kết quả một cuộc khảo sát từ ngày 5-11/5 cho thấy, giá gạo bán lẻ trung bình trên phạm vi toàn quốc tại Nhật Bản đối với túi 5kg đã tăng 54 yen (tương đương 1,3%) so với tuần trước, đạt mức 4.268 yen/túi. Mức giá này tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, thời điểm gạo có giá 2.108 yen/túi.
Việc giảm giá gạo tại Nhật Bản là không hề dễ dàng. Từ những năm 1970, khi thói quen ăn uống trở nên đa dạng và nhu cầu gạo giảm, chính phủ đã triển khai chính sách “giảm diện tích trồng lúa” nhằm duy trì giá. Dù chính sách này bị bãi bỏ năm 2018, chính phủ vẫn duy trì hỗ trợ chuyển đổi cây trồng để kiểm soát sản lượng. Hầu hết các chính sách đều nhằm duy trì giá gạo cao, nên không có nhiều biện pháp để kéo giá xuống.
Một phương án giảm giá là tăng nhập khẩu. Nhật Bản hiện áp dụng hạn ngạch nhập khẩu gạo không thuế trong phạm vi không ảnh hưởng đến thị trường nội địa. Nếu vượt hạn ngạch, mức thuế rất cao, tương đương với 341 yen/kg, sẽ được áp dụng.
Gạo ngoại nhập khẩu thường rẻ hơn so với gạo Nhật, nên một số doanh nghiệp đã bắt đầu tăng cường nhập khẩu bất chấp thuế cao. Tuy nhiên, việc giảm mạnh thuế hay mở rộng hạn ngạch sẽ gây tổn thất lớn cho nông dân trong nước. Nếu nông dân bỏ nghề, nền tảng cung ứng nội địa sẽ suy yếu và cuộc sống người dân có thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến động giá lương thực toàn cầu.
Việc tung gạo dự trữ – một trong số ít giải pháp hiện có – cũng chưa mang lại hiệu quả rõ rệt. Liên minh Hợp tác xã Nông nghiệp Toàn quốc, đơn vị trúng thầu 90% lượng gạo dự trữ, mới chỉ cung cấp ra thị trường 40% số lượng đã mua. Hệ thống phân phối đang bị tắc nghẽn rõ rệt khiến cho gạo rẻ chưa thể đến tay người tiêu dùng.
Thủ tướng Ishiba đã chỉ thị cho tân Bộ trưởng Nông -Lâm -Ngư nghiệp Koizumi xem xét việc bán gạo dự trữ theo hình thức hợp đồng chỉ định. Tuy nhiên, nếu muốn chuyển trực tiếp đến các nhà bán lẻ, sẽ phát sinh vấn đề về vận chuyển. Hơn nữa, nhiều cửa hàng không có thiết bị xay xát, nên không thể xử lý gạo thô từ kho dự trữ. Một phương án khác là kiểm soát giá bằng mệnh lệnh hành chính, nhưng điều này có thể bóp méo cơ chế thị trường. Chi phí sản xuất và phân phối sẽ tăng, kéo theo gánh nặng tài chính khổng lồ cho nhà nước.
Chính sách nông nghiệp của Nhật Bản lâu nay do các nghị sĩ thuộc “Nhóm nông nghiệp” của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và Bộ Nông-Lâm- Ngư nghiệp điều phối chặt chẽ. Trong cấu trúc cứng nhắc đó, quyền lợi của người tiêu dùng thường bị xem nhẹ.Nếu không dừng việc hạn chế sản xuất gạo kéo dài hàng chục năm qua, giá sẽ không thể giảm. Vì thế, giới chuyên gia nhận định rằng, Nhật Bản cần tiến hành cải cách toàn diện chính sách nông nghiệp với thách thức là làm sao cân bằng với việc đảm bảo sinh kế bền vững cho nông dân.
Trong cuộc họp báo tối 21/5, ông Koizumi cho biết: “Về việc hỗ trợ trực tiếp người trồng lúa, tôi muốn điều tra thực tế tại địa phương, kiểm chứng và thúc đẩy thảo luận sâu sắc hơn”.
Liên minh châu Âu (EU) đã chuyển từ chính sách kiểm soát giá thông qua điều chỉnh sản lượng sang hỗ trợ thu nhập trực tiếp cho nông dân. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, do chính sách này sử dụng tiền thuế của người dân nên cần sự đồng thuận của người dân. Ngoài ra, việc thiết kế hệ thống hỗ trợ – ai được nhận và nhận bao nhiêu – cũng đòi hỏi những quyết định khó khăn.
Với tình trạng già hóa nông dân và thiếu người kế nghiệp ngày càng trầm trọng, Nhật Bản cần tối ưu hóa sử dụng đất nông nghiệp và thúc đẩy áp dụng giống cây trồng có năng suất cao. Ngoài ra, Nhật Bản cũng cần rà soát các quy định để nông dân có năng lực được phát huy tốt hơn. Nhật Bản có thể tiến tới một cuộc đại cải cách chính sách nông nghiệp thời hậu chiến hay không sẽ phụ thuộc vào năng lực và quyết tâm của Thủ tướng Ishiba và tân Bộ trưởng Nông- Lâm -Ngư nghiệp Koizumi.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích - Dự báo
Hợp tác khoáng sản chiến lược định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu
06:30'
Theo Tạp chí The Strategist (Australia), Ấn Độ và Australia đang đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản thiết yếu, một động thái chiến lược nhằm củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu.
-
Phân tích - Dự báo
Cải cách thuế: Một công đôi việc
05:30'
Từ ngày 1/7, Malaysia đã triển khai Thuế Bán hàng và Dịch vụ (SST) được sửa đổi và mở rộng theo khuôn khổ kinh tế Madani.
-
Phân tích - Dự báo
Đồng euro mạnh – Bài cuối: EU có hấp thụ được gánh nặng tỷ giá?
06:30' - 16/07/2025
Đồng euro mạnh lên đang làm trầm trọng thêm tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ.
-
Phân tích - Dự báo
Đồng euro mạnh – Bài 1: Niềm tin của thị trường đặt cược vào châu Âu
05:30' - 16/07/2025
Đồng euro hiện là lựa chọn thay thế gần nhất với đồng USD để trở thành một đồng tiền dự trữ toàn cầu.
-
Phân tích - Dự báo
Kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng vượt kỳ vọng trong quý II/2025
15:12' - 15/07/2025
Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 5,2% trong quý II/2025, vượt nhẹ so với mức dự báo 5,1% theo khảo sát của Reuters và trên ngưỡng mục tiêu tăng trưởng cả năm 5% mà Chính phủ Trung Quốc đề ra.
-
Phân tích - Dự báo
Vai trò của các khu phát triển kinh tế trong cải cách, mở cửa của Trung Quốc
09:27' - 15/07/2025
Ngày nay, mạng lưới các khu phát triển kinh tế trong cải cách, mở cửa của Trung Quốc đã mở rộng lên 232 khu, trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của Trung Quốc.
-
Phân tích - Dự báo
Mỹ áp thuế 36%, kinh tế Campuchia trước ngã rẽ chiến lược
06:30' - 15/07/2025
Bộ Kinh tế Campuchia cho biết, việc Mỹ áp thuế quan ở mức 36% sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa Campuchia tại thị trường chủ chốt Mỹ.
-
Phân tích - Dự báo
Đòn thuế quan từ Mỹ và những thiệt hại với kinh tế châu Âu
05:30' - 15/07/2025
Nền kinh tế châu Âu tiếp tục phải đối mặt với mối đe dọa mới, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 12/7 tuyên bố sẽ áp thuế 30% đối với hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU).
-
Phân tích - Dự báo
Lối thoát cho Mỹ trong cuộc đua tài nguyên hiếm với Trung Quốc
16:23' - 14/07/2025
Một hướng đi khác cho Mỹ để đối phó với tình trạng thiếu đất hiếm – đó là tái chế, một ý tưởng không mới nhưng đang được “hồi sinh”.