Nhật Bản đối diện với thách thức lớn về an ninh lương thực

05:30' - 18/08/2022
BNEWS Là một quốc gia phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu, Nhật Bản đang phải đối diện với bài toán nan giải để đảm bảo an ninh lương thực trong thời gian tới.

Tờ Sankei (Nhật Bản) cho biết, giá lương thực trên thế giới vốn vẫn đang theo chiều hướng gia tăng do tác động của dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, lại đang phải đối diện khả năng tăng mạnh hơn trước nguy cơ đứt gãy nguồn cung vì tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Là một quốc gia phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu với tỷ lệ tự cung ứng trong năm tài khóa 2021 chỉ là 38% (tính theo lượng calo), Nhật Bản đang phải đối diện với bài toán nan giải để đảm bảo an ninh lương thực trong thời gian tới.

Theo ông Hiroshi Moriyama, cựu Bộ trưởng Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản, bối cảnh hiện nay gần giống với tình hình khan hiếm khẩu trang trong giai đoạn đầu dịch bệnh COVID-19 xâm nhập vào Nhật Bản. Khi đó, nước này phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất khẩu trang.

Do đó, vấn đề cấp bách đặt ra là phải tăng sản lượng lượng thực trong nước càng nhiều càng tốt và nâng cao tỷ lệ tự chủ về nguồn cung nguyên liệu thô. Hay nói cách khác là chính phủ phải coi an ninh lương thực là chiến lược quốc gia.

Tháng 2/2022, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã thành lập Ủy ban về An ninh lương thực và sau nhiều lần thảo luận, đến tháng Năm, đảng này đã đề xuất một dự thảo về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Dự thảo đề cập đến các giải pháp như đa dạng hóa nguồn phân bón nhập khẩu và nỗ lực giảm giá phân bón dùng trong nông nghiệp.

Vấn đề quan trọng nhất là ngân sách để thực hiện thì lại chưa rõ ràng. Từ trước đến nay, ngân sách liên quan đến nông nghiệp được sử dụng từ hai nguồn là ngân sách thường xuyên được Chính phủ phân bổ cho Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp và ngân sách theo chương trình hành động của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Chính vì thế, mọi quyết sách đều khó triển khai nếu không có một ngân sách riêng để đảm bảo cho an ninh lương thực.

Ngoài ra, Luật cơ bản về Lương thực, Nông nghiệp và Nông thôn trong 20 năm qua kể từ khi ban hành cũng cần phải được sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Bởi vì về bản chất, luật này được xây dựng trên cơ sở là nguồn thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài được duy trì ổn định.

Nhưng bối cảnh hiện nay, cơ sở này không còn giá trị do nhiều quốc gia buộc phải áp đặt giải pháp hạn chế xuất khẩu ngũ cốc vì lo ngại xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu.

Theo Giáo sư Nobuhiro Suzuki, chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp Đại học Tokyo, tiền đề của an ninh lương thực là đa dạng hóa nguồn cung và thiết lập hệ thống thu mua lương thực ổn định đang đứng trước nhiều thách thức.

Người nông dân Nhật Bản đang phụ thuộc phần lớn vào lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi từ bên ngoài nên gặp rất nhiều khó khăn để sản xuất. 

Việc chính phủ hỗ trợ giá phân bón cho người nông dân chỉ là giải pháp tình thế mà trên thực tế phải hỗ trợ toàn diện cho người nông dân. Ví dụ, giá gạo trung bình tại Nhật Bản trong những năm gần đây đã giảm xuống 9.000 yen (67 USD) với mỗi 60 kg, trong khi họ phải bán với giá 12.000 yen với mỗi 60 kg mới có lãi.

Nghĩa là chính phủ phải bù đắp khoản chênh lệch 3.000 yen, tương đương với khoảng 350 tỷ yen cho khoảng 7 triệu tấn gạo được sản xuất trong nước.

Bộ Tài chính từng bác đề xuất tăng ngân sách phân bổ cho ngành nông nghiệp và ấn định mức trần chỉ là 2.200 tỷ yen, mức khiêm tốn so với ngân sách 5.000 tỷ yen cho chi tiêu quốc phòng.

Vấn đề đặt ra là một quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực nói chung như Nhật Bản nếu bị áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, mạng lưới thương mại khi đó bị phong tỏa thì có lẽ người dân Nhật Bản sẽ chết đói trước khi bước vào chiến tranh.

Theo ông Kazuhito Yamashita, Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu Canon, theo ước tính sản lượng gạo năm nay của Nhật Bản do Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp công bố sẽ chỉ đạt 6,75 triệu tấn. Tức là nếu không tính phần lương thực nhập khẩu thì số lượng này chỉ đảm bảo được cho một nửa dân số Nhật Bản. 

Nếu tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản leo thang, các tuyến đường biển sẽ bị ảnh hưởng, người nông dân không đủ dầu để vận hành các máy móc nông nghiệp, không đủ phân bón, thuốc trừ sâu để sản xuất thì sản lượng lương thực trên cùng một diện tích đất canh tác sẽ giảm sâu hơn. Đó là khởi đầu của một cuộc khủng hoảng lương thực đối với Nhật Bản.

Việc cố gắng nhập khẩu giá thực phẩm rẻ từ nước ngoài còn làm mất tính cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất trong nước, không thể bảo vệ được ngành nông nghiệp và thu nhập của người nông dân Nhật Bản.

Do đó, cần phải tư duy rằng, ngăn chặn tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp và mở rộng quỹ đất nông nghiệp sẽ là một trong những giải pháp để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Bên cạnh việc tăng diện tích đất nông nghiệp và năng suất canh tác, chiến lược đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cũng phải chú trọng đến khâu dự trữ lương thực. Bởi vì ngay cả khi xảy ra tình huống khẩn cấp như xung đột quân sự, lương thực và năng lượng cũng là một phần vô cùng quan trọng của khâu hậu cần, bên cạnh tầm quan trọng của vũ khí trang bị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục