Nhật Bản: Đồng yen suy yếu không còn là “miếng bánh ngon”

05:30' - 27/04/2022
BNEWS Sự sụt giảm của đồng yen là hệ quả của nhiều yếu tố, song không rõ các cơ quan quản lý tiền tệ của Nhật Bản sẽ làm gì để giải quyết vấn đề đó.

Đồng yen Nhật Bản dường như đang “rơi tự do” khi để mất đến 10% giá trị và chạm mức thấp nhất của 20 năm trong năm nay. Sự sụt giảm này là hệ quả của nhiều yếu tố, song không rõ các cơ quan quản lý tiền tệ của Nhật Bản có thể làm gì để giải quyết vấn đề đó.

* Hai lý do khiến đồng yen Nhật Bản suy giảm

Trong những năm gần đây, giới chức Nhật Bản đã duy trì chính sách tiền tệ lỏng. Điều này đặt ra câu hỏi về việc liệu họ có thật sự mong muốn ngăn chặn đà sụt giảm của đồng yen hay không, bởi xu hướng suy yếu của đồng nội tệ đang mang về những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế “xứ hoa anh đào”, trái ngược với kịch bản khi đồng tiền này trồi sụt.

Sự suy giảm đã khiến đồng yen trở thành đồng tiền chủ chốt bị mất giá nhiều nhất trong năm nay (tính theo tỷ giá so với USD). Đồng tiền Nhật Bản đã phá ngưỡng 129 yen đổi  1 USD trong tuần trước, trước khi trở về mức 128 yen/USD. Vài tuần trước, đã có những lo ngại rằng mốc 130 yen/USD sẽ bị sớm chinh phục và thậm chí, các nhà phân tích ngoại hối còn đưa ra kịch bản 135 yen/USD trong tương lai gần.

Có một số nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của đồng yen. Đầu tiên là xu hướng giá hàng hóa tăng cao. Khi Nhật Bản chi tiêu nhiều hơn cho những hàng hóa cần thiết để thúc đẩy kinh tế, nước này sẽ sử dụng đồng USD để trả cho những mặt hàng nhập khẩu đó. Khi nhập khẩu vượt xuất khẩu về giá trị, nhu cầu sử dụng USD tăng cao sẽ làm giảm giá trị của đồng yen.

Nhật Bản đã từng chứng kiến thâm hụt tài khoản vãng lai trước đó và sự mất cân bằng gần đây được cho là hậu quả của các hiện tượng mang tính tạm thời như đại dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị ở Ukraine. Những thâm hụt trong lịch sử thường diễn ra trong thời gian ngắn. Lần cuối cùng Nhật Bản chứng kiến thâm hụt kéo dài trong vòng một năm là vào năm 1980.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, hầu hết các nhà quan sát tin rằng Nhật Bản đang trải qua một sự thay đổi về cơ cấu trong nền kinh tế do biến động nhân khẩu học và việc đưa các mạng lưới sản xuất ra nước ngoài. Điều này khiến thâm hụt tài khoản vãng lai hàng năm trở thành vấn đề thường xuyên và việc dòng tiền chảy ra đều đặn chính là biểu tượng của sự tiêu hao kinh tế, cũng là dấu hiệu của một vấn đề cơ bản.

Nguyên nhân thứ hai là các chính sách tiền tệ lỏng của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), được thể hiện rõ nhất ở mức lãi suất cực thấp. Nhật Bản đã cố gắng thúc đẩy lạm phát trong nhiều thập kỷ vì môi trường giá không đổi làm giảm chi tiêu, phá hoại sự đổi mới và dẫn đến trì trệ kinh tế.

Các cơ quan quản lý tiền tệ đã cố gắng đưa lạm phát lên mức 2% để khuyến khích chi tiêu và tăng trưởng lành mạnh. Tuy nhiên, bất chấp việc áp dụng các chính sách chưa từng có và không chính thống, lạm phát hiện vẫn ở dưới mức mục tiêu đó.

Mặc dù vậy, ở những nơi khác, lạm phát lại đang đạt mức cao nhất trong nhiều năm. Để chống lại xu hướng đó, các cơ quan quản lý tiền tệ ở Mỹ, Liên minh châu Âu và Anh đã tăng lãi suất.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm lãi suất cơ bản vào tháng tới, cùng quyết định sẽ làm chậm lại kế hoạch mua các tài sản để hỗ trợ nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch.

Điều này khiến khoảng cách về lãi suất ngày càng được nới rộng. Kết quả là các tài sản được hỗ trợ bằng đồng USD, euro và bảng Anh sẽ trở nên hấp dẫn hơn so với đồng yen trong mắt giới đầu tư.

* Điều không mong muốn

Thông thường, các quan chức Nhật Bản ưa chuộng xu hướng đồng yen suy yếu vì điều này sẽ giúp các công ty nội địa kiếm được lợi nhuận cao hơn. Hàng hóa có tính cạnh tranh cao hơn ở thị trường nước ngoài và các công ty vẫn kiếm được nhiều tiền hơn khi hóa đơn thanh toán được lập bằng đồng USD.

Nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào hoạt động sản xuất ở nước ngoài. Điều này khiến giới đầu tư phải suy nghĩ lại về triển vọng của việc đồng yen suy yếu.

Tệ hơn, giá nhập khẩu cao hơn sẽ gây phương hại cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Khi chi phí đầu vào cho sản xuất trong nước đắt hơn, lợi nhuận sẽ giảm. Ví dụ rõ ràng nhất là việc tăng hóa đơn tiền điện. Công ty Điện lực Tokyo sẽ tăng giá tiền điện cho một hộ gia đình điển hình lên 8.505 yen, trong khi Tokyo Gas sẽ tăng giá lên 5.784 yen, tương đương các mức tăng 25% và 24%.

Điều này khiến giới chức Nhật Bản lo ngại. Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki gọi tốc độ sụt giảm của đồng yen là "không mong muốn" và cho biết Bộ đang "theo dõi tình hình rất sát sao”.

Trong khi đó, Thống đốc BoJ, Haruhiko Kuroda, cũng nói rằng việc đồng yen giảm giá mạnh sẽ có “tác động tiêu cực”.

* Chưa thể thống nhất

Mặc dù vậy trên thực tế, các đánh giá là chưa thống nhất. Trong khi các quan chức tài chính muốn sự ổn định và các đường cong phẳng hơn trên thị trường tỷ giá hối đoái, Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki lại nhấn mạnh đến tốc độ giảm của đồng yen hơn là thực tế đồng tiền này đang suy giảm.

Ngược lại, Thống đốc Kuroda khẳng định đồng yen yếu là tốt cho Nhật Bản. Thống đốc tin rằng áp lực lạm phát chỉ là tạm thời và ông từ chối từ bỏ chính sách lãi suất thấp.

Các nhà quan sát cho rằng sự hoài nghi của thị trường đối với chính sách của Nhật Bản là điều dễ hiểu, bởi cách duy nhất mà thị trường tiền tệ có thể bị tác động là thông qua sự can thiệp phối hợp của các nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, xu hướng chênh lệch lãi suất đang phản ánh những điều kiện khác nhau giữa những nền kinh tế này.

Ở Nhật Bản, mặc dù giá cả đang tăng nhưng lạm phát ở Nhật Bản hiện không cao như Mỹ hoặc châu Âu. Như một quan chức tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lưu ý, giá trị của đồng yen được xác định bởi các nguyên tắc cơ bản của thị trường, với tốc độ tăng trưởng và các mức giá khác nhau.

Khi niềm tin rằng giá trị của đồng yen là hệ quả của các nguyên tắc cơ bản thống trị, điều đó có nghĩa là Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ không có hành động phối hợp nào. Ngay cả một tuyên bố chung của Nhật Bản và Mỹ cũng là không đủ để thay đổi điều đó, và các nhà đầu tư biết điều này. Do đó, những cuộc thảo luận về việc ngăn chặn đà giảm của đồng yen trở nên thưa dần.

Hiện nay, các chính trị gia Nhật Bản chỉ còn cách hy vọng rằng lạm phát sẽ chỉ là tạm thời và các tác động sẽ được kiềm chế, ít nhất là cho đến sau cuộc bầu cử vào mùa Hè. Nhưng những thay đổi cấu trúc trong nền kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục và nhu cầu thích ứng sẽ ngày càng gia tăng.

Lối suy nghĩ cũ sẽ phải thay đổi và ý tưởng rằng đồng yen yếu là câu trả lời cho các điểm yếu kinh tế của Nhật Bản có thể mang đến một thảm họa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục