Nhật Bản giải quyết vấn đề rác thải nhựa như thế nào?

10:18' - 02/08/2019
BNEWS Từ các hộp nhựa nhiều ngăn đựng thực phẩm chế biến sẵn đến bao ni lông dùng để bọc chuối, Nhật Bản là một trong những quốc gia tiêu thụ đồ nhựa bình quân đầu người hàng đầu thế giới.

Trong bối cảnh mối lo ngại về tác hại nghiêm trọng của đồ nhựa dùng một lần cũng như chất thải nhựa đang lan rộng trên toàn cầu, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra luật mới để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đối với môi trường.

*Từ nỗ lực của chính phủ

Theo nhật báo Yomiuri, tại cuộc họp của các bên tham gia Công ước Basel hồi tháng 5/2019, các thành viên đã nhất trí bổ sung rác thải nhựa bẩn, có chứa các tạp chất như thực phẩm và đồ uống vào danh sách các sản phẩm bị điều tiết bởi các quy định cấm nhập khẩu và xuất khẩu giữa các thành viên.

Tại Nhật Bản, mỗi năm có khoảng 9 triệu tấn rác nhựa được thải ra. Ảnh minh họa: TTXVN

Đây là đề xuất do nhiều nước, trong đó có Nhật Bản và Na Uy đưa ra. Lệnh cấm mới dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2021. 

Công ước Basel là một hiệp ước quy định về hoạt động xuất nhập khẩu rác thải nguy hại, với sự tham gia của 186 quốc gia và khu vực cùng với Liên minh châu Âu (EU). Đây là một lệnh cấm quốc tế và toàn diện đầu tiên liên quan tới rác thải nhựa.

Ở khu vực Đông Nam Á, rác thải nhựa nhập khẩu từ các nước khác đã theo dòng chảy đổ ra đại dương và gây ra tác động tiêu cực tới môi trường biển. Việc thông qua lệnh cấm mới này thể hiện sự lo lắng của toàn thế giới về vấn đề rác thải nhựa hiện nay.

Tại Nhật Bản, mỗi năm có khoảng 9 triệu tấn rác nhựa được thải ra, trong đó khoảng 1 triệu tấn thu gom từ các hộ gia đình như nguyên liệu có thể tái chế ; 1 triệu tấn rác nhựa bẩn phải xử lý; 7 triệu tấn rác nhựa công nghiệp, bao gồm rác thải nhựa từ các nhà máy, văn phòng và các cửa hàng bán lẻ. Rác thải công nghiệp được xử lý bằng cách tái chế, đốt, chôn lấp hoặc xuất khẩu sang các nước khác.

Trước năm 2017, mỗi năm, Nhật Bản xuất khẩu 1,4-1,5 triệu tấn rác nhựa sang các nước khác để tái chế, trong đó năm 2016 là 1,5 triệu tấn và năm 2017 khoảng 1,43 triệu tấn. Tuy nhiên, số rác nhựa này bao gồm cả các rác thải nhựa bẩn và không thể tái chế.

Trung Quốc, nước đã tiếp nhận phần lớn rác thải nhựa mà Nhật Bản xuất khẩu ra nước ngoài, về nguyên tắc đã cấm nhập khẩu loại rác này vào cuối năm 2017 với lý do gây ô nhiễm môi trường. Kết quả là Nhật Bản phải tăng cường xuất khẩu rác thải nhựa sang các nước khác như Malaysia và Thái Lan.

Tuy nhiên, theo quy định mới, khi Nhật Bản xuất khẩu rác thải nhựa bẩn, nước này cần phải có sự chấp thuận của các nước tiếp nhận trước khi tiến hành xuất khẩu và bản thân các nước tiếp nhận cũng phải có các cơ sở xử lý rác thải nhựa với công suất tương đương hoặc lớn hơn so với các cơ sở xử lý rác thải đang hoạt động ở Nhật Bản. Điều này khiến cho hoạt động xuất khẩu rác thải nhựa của Nhật Bản trở nên bất khả thi. 

Câu hỏi đặt ra là liệu Nhật Bản có thể chuẩn bị để xử lý toàn bộ rác thải nhựa ở trong nước? Sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa, rác thải nhựa không thể xử lý ở Nhật Bản vẫn còn lưu giữ ở nước này. Trong khuôn viên các cơ sở xử lý, lượng rác thải nhựa vượt quá năng lực xử lý của các cơ sở này đang chất đống. 

Để giải quyết vấn đề này, theo hãng tin Jiji Press, Bộ Môi trường Nhật Bản dự kiến sẽ yêu cầu các địa phương tiếp nhận và xử lý rác thải nhựa công nghiệp. Nguyên nhân là do các lò đốt rác ở một số địa phương vẫn còn chưa hoạt động hết công suất do dân số giảm và nhận thức của người dân về vấn đề tái chế rác nhựa gia tăng.

Theo hệ thống quản lý rác thải hiện hành ở Nhật Bản, các địa phương thu gom và xử lý rác thải nhựa của các hộ gia đình, trong khi các doanh nghiệp tái chế được các tỉnh cấp phép sẽ xử lý rác thải nhựa công nghiệp. Theo đề xuất trên, các địa phương tiếp nhận và xử lý rác thải nhựa sẽ chuyển chi phí đốt rác sang các doanh nghiệp tạo ra rác thải nhựa đó. 

Tuy nhiên, về lâu dài, theo nhật báo Yomiuri, để thúc đẩy việc xử lý rác thải nhựa, cần phải xây dựng thêm các cơ sở xử lý rác thải và nâng cấp máy móc, thiết bị. Bộ Môi trường đang cân nhắc tăng trợ cấp cho các nhà máy xử lý rác thải nhựa và nới lỏng các quy định về xây dựng các cơ sở xử lý rác thải.

*Đến thay đổi ý thức của người dân

Theo Liên hợp quốc, Nhật Bản là quốc gia tiêu thụ chất thải nhựa tính theo đầu người cao thứ hai thế giới, sau Mỹ. Trong năm 2018, Chính phủ nước này đề xuất một số chính sách với mục tiêu đến năm 2030 giảm 25% lượng chất thải nhựa từ mức khoảng 9,4 triệu tấn/năm hiện nay, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp tính phí túi ni lông - một biện pháp đã được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới. 

Người dân Nhật Bản phân loại rác theo danh mục cụ thể. Ảnh: tofugu.com

Ông Kentaro Doi, quan chức phụ trách Chiến lược chất thải nhựa thuộc Bộ Môi trường Nhật Bản, cho biết biện pháp trên nhằm giúp người tiêu dùng cân nhắc về việc có thực sự cần thiết phải sử dụng túi ni lông hay không.

Dù vậy, các quan chức chính phủ thừa nhận Nhật Bản đã bắt đầu hành động khá muộn sau khi nhiều quốc gia đã yêu cầu doanh nghiệp tính phí sử dụng túi ni lông và thậm chí nhiều quốc gia đã cấm sử dụng hoàn toàn. 

Cho đến nay, các đề xuất vẫn còn chưa đề cập đến những biện pháp cụ thể trong việc hạn chế các loại sản phẩm nhựa dùng một lần, chẳng hạn như ống hút hoặc cốc nhựa. Trong khi chính quyền trung ương hành động chậm chạp, các chính quyền địa phương và doanh nghiệp ở Nhật Bản đã có những bước đi tiên phong.

Thị trấn Kamikatsu nằm gần thành phố du lịch nổi tiếng Kyoto đã đặt mục tiêu không rác thải nhựa vào năm 2020, trong khi Kyoto từ lâu đã yêu cầu các nhà bán lẻ lớn tính phí túi ni lông. “Người khổng lồ” thương mại bán lẻ Aeon, kể từ tháng 11/2013 đã áp dụng tính phí túi ni lông tại tất cả 1.631 siêu thị lớn thuộc tập đoàn này. 

Bà Haruko Kanamaru, Giám đốc phụ trách mảng trách nhiệm xã hội của Aeon, cho hay hầu hết khách hàng đều hiểu mục đích của việc này và mang theo túi của họ và nếu họ quên thì sẵn sàng trả thêm một vài yen cho một chiếc túi ni lông. Khách hàng có thể trả 5 yen (1.040 VND) để nhận một chiếc túi ni lông có khả năng phân hủy sinh học.

Bà Kanamaru cho biết công ty ước tính chính sách này đã giúp tiết kiệm 270 triệu túi ni lông trong năm 2017, mặc dù khách hàng vẫn có thể sử dụng túi ni lông nhỏ hơn để đựng trái cây, rau quả và các mặt hàng lạnh miễn phí.

Theo bà Kanamaru, khoảng 80% khách hàng hiện nay mang theo túi của họ hoặc từ chối mua túi ni lông đựng đồ. Tuy nhiên, bà Kanamaru cũng cho hay không phải tất cả khách hàng đều đồng tình với chính sách tính phí túi ni lông, một số khách hàng rời đi hoặc nói rằng họ sẽ mua sắm ở nơi khác. Vì vậy, đã đến lúc Chính phủ nên áp dụng biện pháp này đối với tất cả các doanh nghiệp.

Các nhà hoạt động môi trường cho rằng, trở ngại lớn đối với biện pháp trên chính là hiệp hội đại diện cho các cửa hàng tiện ích trên khắp các thành phố lớn của Nhật Bản.

Khi chính quyền thành phố Tokyo muốn ban hành chính sách tính phí túi ni lông trên toàn thành phố, hiệp hội trên đã phản đối mạnh mẽ ý định này và kế hoạch đã bị hủy bỏ, theo Kenji Ishihara, một nhà vận động của Greenpeace Japan.  

Mặc dù ca ngợi quyết định của Chính phủ Nhật Bản đưa ra hồi tháng Hai về việc cấm sử dụng ống hút và dao nhựa tại các căng-tin trong các cơ quan chính phủ, ông Ishihara cho rằng các chính sách về chất thải nhựa của Nhật Bản vẫn còn tụt hậu so với các quốc gia khác.

Tổ chức môi trường Greenpeace và các tổ chức phi chính phủ về môi trường khác bày tỏ mong muốn Nhật Bản đưa ra những cam kết mạnh dạn hơn để đạt được mục tiêu giảm 50% lượng chất thải nhựa vào năm 2030./.

Xem thêm:

>>Hành động để chống rác thải nhựa: Bài 1 - Thúc đẩy chuyển dịch sang kinh tế xanh

>>Hành động để chống rác thải nhựa - Bài 2: Hệ thống phân phối hướng tới tiêu dùng xanh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục