Nhật Bản là đối tác du lịch lớn thứ ba của Hà Nội

15:56' - 29/03/2019
BNEWS Nhật Bản là đối tác lớn thứ ba về du lịch đến Hà Nội với trên 303.000 lượt khách trong năm 2018.

Nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch Hà Nội tại Nhật Bản, ngày 29/3, UBND Tp Hà Nội tổ chức hội nghị trao đổi hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, tại Hà Nội, Nhật Bản luôn giữ vị thế là quốc gia hàng đầu trong đầu tư trực tiếp FDI với trên 10 tỷ USD, chiếm 25,5% tổng giá trị thu hút FDI của Hà Nội.

Các dự án từ nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Thủ đô. Cụ thể là các dự án như: Tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, cầu Nhật Tân, cảng hàng không quốc tế Nội Bài, các khu công nghiệp sản xuất tập trung như khu công nghiệp Thăng Long, khu đô thị thành phố thông minh. Bên cạnh đó, Nhật Bản là đối tác lớn thứ ba về du lịch đến Hà Nội với trên 303.000 lượt khách trong năm 2018.

Nói về hợp tác giữa Nhật Bản và thành phố Hà Nội, ông Umeda đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, năm ngoái, thành phố Hà Nội đứng vị trí số 1 với vai trò là điểm thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài ở Việt Nam. Quang cảnh phố phường ở Hà Nội cũng có những thay đổi lớn.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền bày tỏ, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư nhiều dự án đang hoạt động, sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao trên địa bàn. Du lịch đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, nhất là khách du lịch quốc tế. Nhờ vậy, Hà Nội đã đạt đích trước 2 năm về chỉ tiêu thu hút khách du lịch quốc tế so với kế hoạch thành phố đề ra.

Ông Hironobu Kitagawa, đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản thông tin, trong top 10 dự án đầu tư vào Việt Nam năm 2018 có dự án thành phố thông minh là dự án đầu tư lớn nhất của Nhật Bản, chiếm 23% trên tổng số vốn đầu tư mới. Số dự án về lưu thông bán lẻ tăng 33% so với năm trước.

Ngành bất động sản có số vốn đầu tư lớn nhất; số vốn cấp phép của ngành chế tạo tăng mạnh, gấp 3,6 lần so với năm trước; vốn cấp phép tập trung vào các dự án lớn ở Bắc Bộ với hơn 80%; tỉ lệ doanh nghiệp trả lời có lãi khi ước tính lợi nhuận kinh doanh năm 2018 là 65,3%. Môi trường đầu tư Việt Nam cũng có nhiều lợi thế như quy mô và tính tăng trưởng của thị trường cao, tình hình chính trị - xã hội ổn định, chi phí nhân công rẻ…

Bên cạnh đó, vẫn còn một số rủi ro về môi trường đầu tư như: hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, chế độ và thủ tục thuế phức tạp, khó khăn khi mua nguyên liệu, linh phụ kiện tại nước sở tại, khó khăn về quản lý chất lượng...

Để giải quyết những khó khăn này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Doãn Toản cho hay, thành phố Hà Nội cam kết tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ, kiên định với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ. Thành phố sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu các đề nghị và đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ Hội nghị cũng diễn ra tọa đàm trao đổi, thảo luận với các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư, hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội và Lễ ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp của Nhật Bản với các cơ quan, doanh nghiệp của thành phố Hà Nội trong các lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.

Các biên bản ghi nhớ là cơ sở để hai bên triển khai các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực, cụ thể hoá các nội dung đã ký kết, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, mở ra các cơ hội hợp tác mới giữa hai bên./.

>> Netland chính thức khai trương văn phòng tại Nhật Bản

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục