Nhật Bản lần đầu tiên đề cập đến chiến lược toàn diện thúc đẩy chuyển đổi số

10:09' - 15/12/2022
BNEWS Ngày 14/12, Chính phủ Nhật Bản đã lần đầu tiên đề cập đến một chiến lược toàn diện để thúc đẩy chuyển đổi số nhằm để giải quyết các vấn đề mất cân bằng phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tại cuộc họp Nội các diễn ra vào ngày 14/12, Chính phủ Nhật Bản đã lần đầu tiên đề cập đến một chiến lược toàn diện để thúc đẩy chuyển đổi số nhằm để giải quyết các vấn đề mất cân bằng phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Đây là lần đầu tiên một chiến lược toàn diện để thực hiện khái niệm này mới được đưa ra cho giai đoạn đầu tiên là 5 năm tới kể từ khi ra mắt vào tháng 6/2022.

Theo đó, ba mục tiêu chính để hướng tới cụ thể hóa khái niệm này từ nay đến năm 2027 bao gồm: Tăng số lượng người di chuyển từ Vùng thủ đô đến khu vực nông thôn lên 10.000 người/năm; tăng khoảng 1.000 công ty khởi nghiệp ở khu vực nông thôn; tăng số lượng chính quyền địa phương ứng dụng kỹ thuật số vào các giải pháp giảm tỷ lệ sinh để thu hút giới trẻ lên 300 đơn vị.

Việc đặt ra các mục tiêu trên chủ yếu nhằm giải quyết sự phát triển mất cân bằng giữa các khu đô thị lớn và các địa phương khác của Nhật Bản, đặc biệt là sự tập trung của các công ty lớn và nguồn nhân lực trẻ tại Vùng thủ đô (gồm có thủ đô Tokyo và ba tỉnh lân cận là Chiba, Kanagawa và Saitama). Chủ trương của chiến lược toàn diện là thúc đẩy phát triển số hóa giúp gia tăng cơ hội làm việc từ xa theo phương châm “thay đổi chỗ ở nhưng không thay đổi công việc”.

Ngoài ra, hàng loạt các chính sách ưu đãi sẽ được triển khai để tạo điều kiện tối đa cho các công ty khởi nghiệp ở khu vực nông thôn, bao gồm thu hút nguồn nhân lực đa dạng, mang lại nhiều cơ hội kinh doanh hơn tại những vùng sâu, vùng xa của Nhật Bản.

Tháng 6/2022, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố những nội dung cơ bản của sáng kiến “Quốc gia, thành thị, nông thôn kỹ thuật số”, nhằm đối phó hiệu quả với tình trạng già hóa dân số, tỷ lệ sinh giảm, tập trung quá đông tại khu đô thị và thiếu hụt nguồn lực phát triển ở khu vực nông thôn. Với mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư chuyển đổi số của cả khu vực nhà nước và tư nhân, khái niệm này được định vị là một chiến lược tăng trưởng quan trọng và là một trong những trụ cột để thúc đẩy một xã hội kỹ thuật số ở Nhật Bản./.

  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục