Nhật Bản lo ngại thuế quan Mỹ tác động tiêu cực tới xuất khẩu nông sản

15:11' - 18/04/2025
BNEWS Chính sách thuế đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo đuổi khiến giới chức Nhật Bản lo ngại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực mở rộng xuất khẩu nông sản và thực phẩm sang thị trường Mỹ.
Chính sách áp thuế đối ứng mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo đuổi khiến giới chức Nhật Bản lo ngại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực mở rộng xuất khẩu nông sản và thực phẩm sang thị trường Mỹ.

Năm ngoái, Nhật Bản đạt mức xuất khẩu kỷ lục 1.500 tỷ yen (10,5 tỷ USD) đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và thực phẩm. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ tăng 17,8% so với năm trước, đạt 242,9 tỷ yen, vượt qua cả Trung Quốc và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) – hai thị trường xuất khẩu truyền thống hàng đầu của Nhật Bản.

 
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu quan trọng của Nhật Bản, với các sản phẩm như trà xanh, thịt bò, gạo, sò điệp và đồ uống có cồn – đặc biệt là rượu sake – ngày càng được ưa chuộng nhờ sự phát triển của ẩm thực Nhật tại đây.

Một đại diện của hãng rượu Hakkaisan, có trụ sở tại tỉnh Niigata, cho biết công ty này đang mở rộng hoạt động ra nước ngoài sau khi nghề nấu rượu sake truyền thống của Nhật được  Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể. Hakkaisan hiện đã ký thỏa thuận hợp tác quảng bá với câu lạc bộ bóng chày Los Angeles Dodgers – nơi có ngôi sao Nhật Bản Shohei Ohtani thi đấu – để quảng bá sản phẩm tại sân vận động của đội bóng này.

Dù cũng đang quan tâm đến thị trường châu Âu, nhưng Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hakkaisan. Công ty cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực mở rộng tại Mỹ, song cũng phải cân nhắc đa dạng hóa điểm đến xuất khẩu nếu hoạt động kinh doanh tại đây gặp khó khăn.

Trong khi đó, hãng Ito En đang đẩy mạnh tiêu thụ trà xanh tại Mỹ nhờ xu hướng ưa chuộng ẩm thực Nhật Bản và nhận thức về sức khỏe gia tăng. Trước đây, trà xanh không bị áp thuế nhập khẩu, nhưng hiện nay Ito En có thể buộc phải tăng giá bán. Một đại diện của công ty bày tỏ lo ngại về khả năng người tiêu dùng sẽ giảm quan tâm, và cho biết công ty đang “xem xét xây dựng hệ thống cung ứng linh hoạt, bao gồm cả khả năng sản xuất ngay tại Mỹ”.

Ông Kazuhito Yamashita – chuyên gia cao cấp tại Viện Chiến lược Toàn cầu Canon – cho rằng hàng hóa Nhật Bản cần được tiếp thị theo hướng “không thể thay thế”. Hiện nhiều mặt hàng của Nhật Bản đang bị áp thuế cơ sở 10% theo diện áp dụng chung cho tất cả quốc gia, trong khi phần thuế mang tính “đáp trả” riêng theo từng nước hiện đang bị đình chỉ.

Tuy nhiên, ông Yamashita cảnh báo nếu biện pháp hoãn thuế bị gỡ bỏ, một số sản phẩm Nhật Bản có thể bị bất lợi hơn so với hàng hóa từ các quốc gia khác. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi chặt chẽ những cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và các đối tác khác.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đã có "tiến bộ lớn" khi ông bất ngờ tham gia vào các cuộc đàm phán sơ bộ hôm 16/4 với phái đoàn thương mại Nhật Bản tại Washington, liên quan đến hàng loạt biện pháp thuế quan mà ông đã áp đặt lên hàng nhập khẩu toàn cầu.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội, Tổng thống Trump cho hay ông cảm thấy "rất vinh dự" khi vừa gặp phái đoàn thương mại Nhật Bản và đã đạt được "tiến bộ lớn". Tuy nhiên, ông không cung cấp chi tiết về cuộc thảo luận.

Đối thoại với ông Trump hôm thứ Tư là Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Ryosei Akazawa, một người thân tín của Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer cũng tham gia cùng đại diện các bộ ngành liên quan của Nhật Bản.

Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm, ông Akazawa cung cấp ít chi tiết cụ thể nhưng cho biết các bên đã đồng ý tổ chức cuộc gặp thứ hai vào cuối tháng này. Tổng thống Trump cũng nói việc đạt được thỏa thuận với Nhật Bản là "ưu tiên hàng đầu".

Ông Akazawa nói thêm rằng tỷ giá hối đoái không nằm trong nội dung cuộc đàm phán. Đây vốn là vấn đề mà chính quyền Tổng thống Trump cho rằng bị Nhật Bản và các nước khác thao túng để giành lợi thế thương mại. Phía Tokyo đã phủ nhận việc thao túng hạ giá đồng yen.

Về phần mình, Bộ trưởng Bessent bày tỏ hy vọng đạt được thỏa thuận bao gồm thuế quan, hàng rào phi thuế quan và tỷ giá hối đoái với các nước, mặc dù Nhật Bản đã vận động để tách vấn đề tỷ giá riêng.

Nhật Bản hy vọng các cam kết mở rộng đầu tư vào Mỹ sẽ giúp thuyết phục Washington rằng hai quốc gia có thể đạt được kết quả "cùng thắng" mà không cần thuế quan. Khả năng Nhật Bản đầu tư vào dự án khí đốt hàng tỷ USD ở Alaska cũng có thể được đưa vào đàm phán.

Tổng thống Trump từ lâu đã phàn nàn về thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản, cho rằng doanh nghiệp Mỹ bị "lừa gạt". Nhật Bản đã bị áp thuế 24% lên hàng xuất khẩu sang Mỹ, dù mức thuế này đã được tạm dừng 90 ngày. Tuy nhiên, mức thuế cơ bản 10% và thuế 25% đối với ô tô – một mặt hàng trụ cột của kinh tế Nhật Bản - vẫn còn hiệu lực.

Chuyên gia Tobias Harris thuộc công ty tư vấn rủi ro chính trị Japan Foresight nhận định rằng có vẻ chính quyền Tổng thống Trump thực sự muốn một thỏa thuận nhanh chóng. Điều này có thể đồng nghĩa đó sẽ là một thỏa thuận ít thực chất hơn. Ông cũng cho rằng nếu Mỹ bắt đầu đưa ra yêu cầu về nông nghiệp và quy định về ô tô, vấn đề sẽ trở nên gây tranh cãi hơn và khó có thể hoàn tất nhanh chóng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục