Nhật Bản muốn đạt mục tiêu thặng dư ngân sách cơ bản

21:10' - 11/06/2024
BNEWS Nhật Bản có kế hoạch bám sát mục tiêu đạt được thặng dư ngân sách cơ bản trong năm tài chính tiếp theo, theo dự thảo hướng dẫn chính sách hàng năm về lập kế hoạch ngân sách.
Dự thảo cho biết chính phủ cũng sẽ tiếp tục cố gắng giảm tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội.

Theo dự báo của chính phủ vào tháng 1/2024, thặng dư ngân sách cơ bản cho nền kinh tế lớn thứ tư thế giới có thể “xuất hiện” trong năm tài chính 2025 với giả định kinh tế tăng trưởng mạnh và nỗ lực cắt giảm chi tiêu vẫn tiếp tục.

Cán cân ngân sách cơ bản của Nhật Bản - không bao gồm chi phí bán trái phiếu mới và chi phí trả nợ - đã bị thâm hụt trong hầu hết thời kỳ hậu chiến, ngoại trừ thời kỳ bong bóng tài sản từ năm 1986 đến năm 1991.

 
Kết quả là Nhật Bản hiện có khoản nợ công cao nhất nhóm các nước công nghiệp phát triển với quy mô cao hơn gấp đôi nền kinh tế. Lần đầu tiên họ đặt mục tiêu thặng dư ngân sách cơ bản vào đầu những năm 2000 nhưng thời hạn mục tiêu đã bị đẩy lùi nhiều lần.

Dự thảo nêu rõ: “Nhật Bản hiện phải đối mặt với những cơ hội chưa từng có để thoát khỏi tình trạng giảm phát hoàn toàn và đạt được tăng trưởng. Chúng ta cần phải tiến về phía trước để đạt được cả sự hồi phục kinh tế và sức khỏe tài chính”.

Tuy nhiên, dự thảo cho biết mục tiêu thặng dư ngân sách cơ bản không có nghĩa là chính phủ có thể bị tước bỏ các lựa chọn chính sách quan trọng trong một số trường hợp kinh tế nhất định.

Dự thảo cũng nhấn mạnh sự cần thiết của chính phủ phải hợp tác chặt chẽ với ngân hàng trung ương và hướng dẫn chính sách một cách “linh hoạt” để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững nhờ nhu cầu từ khu vực tư nhân.

Dự thảo cho rằng: "Chính sách tiền tệ đã bước vào một giai đoạn mới", đồng thời lưu ý rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã chấm dứt 8 năm lãi suất âm vào tháng 3/2024.

Dự thảo của chính phủ sẽ được trình lên các nhà lập pháp đảng cầm quyền để thảo luận trước khi hoàn thiện tại cuộc họp nội các vào ngày 21/6.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục