Nhật Bản nghiên cứu giải quyết chênh lệch lương tối thiểu giữa nông thôn và thành thị

20:59' - 07/03/2019
BNEWS Nhật Bản đang xem xét áp dụng thống nhất một mức lương tối thiểu theo giờ đối với từng lĩnh vực để giải quyết sự chênh lệch về lương giữa nông thôn và thành thị.
Nhật Bản đang xem xét điều chỉnh sự chênh lệch về lương giữa nông thôn và thành thị. Ảnh minh họa: TTXVN

Bộ Y tế, Lao động và An sinh xã hội Nhật Bản ngày 7/3 cho biết đang xem xét áp dụng thống nhất một mức lương tối thiểu theo giờ đối với từng lĩnh vực để giải quyết sự chênh lệch về lương giữa nông thôn và thành thị có thể dẫn đến tình trạng người lao động tập trung ở các thành phố lớn.

Bộ trên có kế hoạch thành lập một nhóm chuyên gia để nghiên cứu vấn đề này vào tháng 4, với mục đích áp dụng hệ thống lương mới sớm nhất trong mùa Hè tới.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản quyết định nới lỏng các hạn chế về tiếp nhận người lao động nước ngoài từ tháng 4 tới để giải quyết tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng do dân số già đi và tỉ lệ sinh giảm. Tuy nhiên vẫn có quan ngại rằng lao động nước ngoài có thể tập trung nhiều ở các thành phố lớn, nơi mức lương thường cao hơn so với các đô thị nhỏ.

Hiện tại, mức lương tối thiểu theo giờ ở Nhật Bản do chính quyền từng tỉnh quyết định xét tình hình kinh tế địa phương. Mức lương này được xem xét lại hằng năm tài chính. Trong năm tài chính hiện tại kết thúc vào 31/3, mức lương tối thiểu theo giờ trung bình toàn quốc là 874 yên (8USD), trong đó thủ đô Tokyo ở mức cao nhất với 985 yen và tỉnh Kagoshima ở Tây Nam Nhật Bản ở mức thấp nhất với 762 yên.

Một số ý kiến chỉ trích cho rằng các vùng nông thôn có thể tiếp tục gặp khó khăn về tình trạng thiếu lao động nếu chênh lệch lương tối thiểu giữa nông thôn và thành thị không được giải quyết thỏa đáng.

Hệ thống lương tối thiểu mới có thể bao gồm 14 lĩnh vực được dự kiến sẽ có một làn sóng công nhân nước ngoài theo chế độ thị thực mới, trong đó có các lĩnh vực xây dựng và điều dưỡng.

Luật kiểm soát nhập cư sửa đổi được Quốc hội Nhật Bản thông qua hồi tháng 12 vừa qua để tạo ra 2 loại thị thực cấp cho "lao động có tay nghề cụ thể" áp dụng đối với các công nhân nước ngoài độ tuổi từ 18 trở lên.

Loại thị thực thứ nhất có hiệu lực 5 năm, theo đó ứng cử viên cần vượt qua các bài kiểm tra về chuyên môn và tiếng Nhật. Những người đã qua chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản trong hơn 3 năm có thể được chấp thuận không cần qua các bài kiểm tra. Tuy nhiên những người được cấp thị thực không được mang theo gia đình sang Nhật Bản.

Loại thị thực thứ 2 đặt ra yêu cầu cao hơn, trong đó ứng viên phải trải qua một bài kiểm tra tay nghề ở mức cao. Tuy nhiên người lao động được mang theo gia đình và số lần gia hạn thị thực không giới hạn, mở ra khả năng được định cư vĩnh viễn tại Nhật Bản.

Bằng việc tạo ra các loại thị thực mới này, Nhật Bản sẽ chính thức mở cửa cho lao động nước ngoài lần đầu tiên. Trước đây, Nhật Bản chỉ cấp thị thực lao động cho những người có trình độ và kinh nghiệm chuyên môn như bác sĩ, luật sư và giáo viên.

Chính phủ Nhật Bản ước tính nước này sẽ tiếp nhận tới 345.000 lao động nước ngoài trong 5 năm tới./.

Xem thêm:

>>Lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 1/1/2019

>>Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2019

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục