Nhật Bản: Những dự báo xung quanh chính sách tiền tệ trong tương lai của BoJ

21:25' - 13/06/2022
BNEWS Quyết định về việc ai sẽ là Thống đốc tiếp theo của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể sẽ tập trung vào hai nhà lãnh đạo có cách tiếp cận chính sách khác nhau.

Quyết định về việc ai sẽ là Thống đốc tiếp theo của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể sẽ tập trung vào hai nhà lãnh đạo có cách tiếp cận chính sách khác nhau và điều đó có thể ảnh hưởng đến thời điểm BoJ rút khỏi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng hiện tại.

Các ông Hiroshi Nakaso và Masayoshi Amamiya- cựu Phó thống đốc BoJ và Phó thống đốc BoJ đương nhiệm – đều có chuyên môn sâu về các vấn đề của ngân hàng trung ương, điều này khiến cả hai trở thành một lựa chọn đáng tin cậy trong việc đưa ra lối thoát trong tương lai để BoJ thoát khỏi chính sách lãi suất cực thấp hiện tại, dù điều đó có thể xa vời.

Theo 5 nhà hoạch định chính sách từng làm việc với cả ông Hiroshi Nakaso và Masayoshi Amamiya- vốn từ lâu đã được đồn đoán là những người đi đầu trong "cuộc đua" vào vị trí lãnh đạo BoJ, cả hai người có thể sẽ không vội vàng thắt chặt chính sách tiền tệ do nền kinh tế còn quá mong manh của Nhật Bản và nhu cầu duy trì nguồn tài chính chi trả cho khoản nợ công khổng lồ của nước này.

Tuy nhiên, cả hai vẫn có quan điểm khác nhau về việc khi nào BoJ sẽ rút khỏi chương trình mua tài sản quy mô lớn, lãi suất ngắn hạn âm khiến Nhật Bản trở nên lạc lõng trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu đang đua nhau tăng lãi suất.

Nobuyasu Atago, cựu quan chức BoJ, hiện là nhà kinh tế trưởng tại Ichiyoshi Securities, cho biết: “Ông Nakaso cho rằng các ngân hàng trung ương không nên can thiệp quá sâu vào thị trường, trong khi ông Amamiya tỏ ra linh hoạt hơn.

Sự khác biệt chính nằm ở quan điểm của họ về việc các ngân hàng trung ương nên mở rộng ranh giới của chính sách tiền tệ đến mức nào”.

Công cuộc lựa chọn người kế nhiệm thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda, người sẽ mãn nhiệm vào tháng 4/2023, có thể sẽ được Thủ tướng Fumio Kishida thúc đẩy sau cuộc bầu cử thượng viện vào tháng Bảy tới.

Một chiến thắng của đảng cầm quyền sẽ củng cố quyền lực của ông Kishida và cho phép ông tạo ra sự khác biệt các chính sách của mình với chương trình kích thích kinh tế "Abenomics" của cựu thủ tướng Shinzo Abe.

Trong khi đó, ôngng Nakaso cho rằng Abenomics là phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ và nhiều lần cảnh báo về cái giá của việc nới lỏng tiền tệ kéo dài. Ông Nakaso hiện là chủ tịch của Viện nghiên cứu Daiwa, một tổ chức tư vấn tư nhân.

Ngược lại, ông Amamiya- "cánh tay phải" của ông Kuroda- đã luôn nói về sự cần thiết phải giữ lãi suất ở mức cực thấp để thúc đẩy tăng trưởng, ngay cả khi điều đó có nghĩa là làm giảm lợi nhuận của các tổ chức tài chính và làm giảm tính thanh khoản của thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục