Nhật Bản nỗ lực tái thiết đất nước sau 5 năm thảm họa động đất sóng thần

10:32' - 09/03/2016
BNEWS Sau 5 năm kể từ thời điểm Nhật Bản chứng kiếm thảm họa sóng thần, người dân các vùng bị thảm họa đã nỗ lực không ngừng để hồi sinh quê hương.
Nhật Bản nỗ lực tái thiết đất nước 5 năm sau thảm họa động đất/ sóng thần. Ảnh: TTXVN

Vượt lên trên những ký ức đau thương, người dân ở những vùng bị thảm họa, cùng với sự hỗ trợ trong và ngoài nước, đã từng bước khôi phục lại cuộc sống.

Theo thống kê của Chính phủ Nhật Bản, khoảng 80% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của thảm họa sóng thần 2011 đã hoạt động trở lại. Tính đến cuối tháng 3/2015, tại tỉnh Miyaghi đã có tới 80% doanh nghiệp khôi phục hoạt động, tỷ lệ này đạt mức 75% tại tỉnh Iwate tính đến ngày 1/8/2015.

Để hỗ trợ quá trình hồi phục của các doanh nghiệp nhỏ ở vùng bị sóng thần, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết thành từng liên doanh. Theo chương trình hỗ trợ này, bốn công ty đóng tàu tại Kesenuma tỉnh Miyaghi đã lập một công ty mới với tên gọi là Mirai Ships INC vào tháng 5/2015.

Mirai Ships INC đã chi tổng cộng 10,5 tỷ yen để mở xưởng đóng tàu mới. Họ quan niệm “phải duy trì ngành công nghiệp đóng tàu của Kesenuma bằng mọi giá cho dù mỗi một doanh nghiệp trong liên doanh của chúng tôi không còn giữ được tên riêng của mình”.

Tương tự câu chuyện của Mirai Ships INC, bốn công ty chế biến thủy sản lớn hàng đầu tại Otsuchi, tỉnh Iwate, gồm Hara Sengyoten, Urata Shoten, Nakashoku và Shozushima Fishery đã quyết tâm xây dựng lại cơ nghiệp.

Với quan điểm “Otsuchi không thể thiếu ngành thủy sản”, bốn doanh nghiệp đã liên kết với nhau kêu gọi cả nước hỗ trợ họ hồi phục lại ngành kinh tế quan trọng của địa phương này. “Tachiagare – Domannaka” là tên gọi của liên doanh do bốn người đứng đầu doanh nghiệp trên lập nên vào tháng 8/2011.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết tính đến tháng 11/2015, có 9.157 doanh nghiệp tham gia chương trình hỗ trợ của chính phủ và doanh số của vùng Đông Bắc đã trở lại mức trước thảm họa.

Tại thành phố Miyako, tỉnh Iwate, chương trình phục hồi với ba cột trụ chính gồm ổn định cuộc sống cho người dân, tái thiết kinh tế và tái thiết các cộng đồng an toàn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Tính đến ngày 1/1/2016, tổng cộng có 3.501 ngôi nhà tại Miyako đã được sửa chữa và xây mới trên tổng số 4.478 ngôi nhà bị phá hủy trong sóng thần, đạt tỷ lệ 78,2%. Theo số liệu chính thức của Miyako, đến ngày 31/10/2015, toàn bộ 19 cảng cá của Miyako đã hoạt động bình thường, chợ cá Miyako đã được mở cửa trở lại, sản lượng tảo biển đã đạt mức 70% so với trước khi xảy ra sóng thần.

Tại Fukushima, nơi đã xảy ra vụ rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện Fukushima số 1, sau thảm họa sóng thần, 87,1% người tiêu dùng cho biết họ ưu tiên mua thực phẩm sản xuất tại địa phương. Điều này chứng tỏ người dân Fukushima tin tưởng vào hệ thống kiểm tra chất lượng tại khu vực này cũng như các nỗ lực làm sạch khu vực sau thảm họa phóng xạ

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả trên, người dân tại vùng bị sóng thần thừa nhận họ vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn trên chặng đường phục hồi.

Thử thách đầu tiên là thiếu nhân lực trầm trọng. Số người già chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng lao động tại các khu vực bị sóng thần. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ không thể tuyển đủ lao động. Tại tỉnh Miyaghi, dân số đã giảm tới 37% so với thời điểm trước khi xảy ra thảm họa.

Bên cạnh đó, tiến độ xây dựng hệ thống đê chắn biển cao 14,7m dọc đang bị trì hoãn. Theo kế hoạch, hệ thống đê này sẽ chạy dọc theo khoảng 20% đường bờ biển ba tỉnh Đông Bắc với kinh phí khoảng 1.000 tỷ yen. Đến nay, chỉ mới có 12km trên tổng số 400km đê chắn biển được hoàn thành.

Nguyên nhân của việc chậm tiến độ do nhiều yếu tố như thiếu nhân lực, nguyên vật liệu, kinh phí và các cuộc thảo luận giữa người dân với chính quyền địa phương vẫn chưa đạt được thống nhất.

Chương trình di dân lên các vùng cao hơn và xây dựng các khu định cư vẫn chưa hoàn thành. Có ý kiến cho rằng việc tiến hành song song kế hoạch tái thiết tại vùng Đông Bắc với kế hoạch chuẩn bị cho Olimpic 2020 đã khiến cho kinh phí xây dựng tăng cao. Nhiều người dân tỏ ra bất bình khi họ vẫn phải tiếp tục sống trong những ngôi nhà tạm chật hẹp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục