Nhật Bản sống chung an toàn với COVID-19 - Bài 1: Chìa khóa kiềm chế dịch

17:36' - 20/10/2021
BNEWS Ngay từ khi dịch COVID-19 mới bùng phát, Nhật Bản đã xác định sống chung an toàn với dịch bệnh và không áp dụng biện pháp phong tỏa cứng.

Với hơn 29% dân số là người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) và phương tiện giao thông chủ yếu là tàu điện và xe buýt, Nhật Bản là một môi trường lý tưởng cho sự lây lan của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, ngay từ khi dịch COVID-19 mới bùng phát, Nhật Bản đã xác định sống chung an toàn với dịch bệnh và không áp dụng biện pháp phong tỏa cứng.

Cho đến nay, quốc gia Đông Bắc Á này đã khống chế hiệu quả 5 làn sóng lây nhiễm, với tỷ lệ tử vong khá thấp. Đâu là bí quyết giúp Nhật Bản vượt qua các đợt dịch nguy hiểm này mà không cần phong tỏa?

“Đất nước Mặt trời mọc” làm gì để thích ứng với dịch bệnh trong tương lai? Câu trả lời sẽ có trong chùm 2 bài viết của phóng viên TTXVN tại Nhật Bản: "Nhật Bản sống chung an toàn với COVID-19".

Bài 1: Chìa khóa kiềm chế dịch

Kể từ khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 16/1/2020 đến nay, Nhật Bản đã trải qua 5 làn sóng lây nhiễm, trong đó làn sóng thứ năm là dữ dội nhất. Tuy nhiên, nước này đều khống chế hiệu quá các làn sóng lây nhiễm đó.

Đáng chú ý, theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ ca mắc COVID-19 trên tổng dân số Nhật Bản chỉ bằng 30% của Mỹ và 25% của Anh. Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong trên tổng số ca mắc COVID-19 ở Nhật Bản chỉ là 1%, thấp hơn rất nhiều so với con số 1,6% của Mỹ và Anh.

Trong làn sóng lây nhiễm thứ năm xảy ra vào mùa Hè năm nay, số ca nhiễm mới ở Nhật Bản đã liên tục tăng, từ 864 ca vào ngày 21/6 lên mức đỉnh 25.892 ca ngày 20/8. Kết quả là ngày 8/7, chính phủ nước này đã lần thứ tư phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo ngay trước thềm lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020.

Sau đó, Chính phủ Nhật Bản phải liên tục mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp ra các tỉnh Chiba, Kanagawa, Saitama và Osaka vào ngày 30/7; Ibaraki, Tochigi, Gunma, Shizuoka, Kyoto, Hyogo và Fukuoka vào ngày 17/8; và Hokkaido, Miyagi, Gifu, Aichi, Mie, Shiga, Okayama và Hiroshima vào ngày 25/8.

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là sau khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vào đầu tháng 10, số ca mắc mới ở Nhật Bản liên tục dưới 1.000 ca/ngày cho dù nước này mới tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo. Gần đây nhất, ngày 19/10, nước này chỉ ghi nhận thêm 372 ca nhiễm mới, trong đó thủ đô Tokyo - nơi chiếm tới gần 22% trong tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc – chỉ có 36 ca.

Đây là ngày thứ 18 liên tiếp số ca mắc mới ở Nhật Bản ở dưới ngưỡng 1.000 ca/ngày và là ngày thứ 11 liên tiếp, số ca mắc mới ở Tokyo – một trong những thành phố đông dân nhất thế giới -  ở dưới ngưỡng 100 ca/ngày.

Việc Nhật Bản lần lượt khống chế được 5 làn sóng lây nhiễm, đặc biệt là làn sóng thứ năm, khiến không ít người ngạc nhiên, vì khác với nhiều quốc gia trên thế giới, nước này không áp dụng các biện pháp quyết liệt để phòng dịch như phong tỏa khu vực hay phong tỏa toàn quốc.

Biện pháp quyết liệt nhất mà Nhật Bản áp dụng cho đến nay là ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, ngay cả khi ban bố tình trạng khẩn cấp, hầu hết các hoạt động kinh tế-xã hội vẫn diễn ra bình thường.

Ở các khu vực ban bố tình trạng khẩn cấp, chính quyền kêu gọi người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc cần thiết sau 20h, và yêu cầu các cơ sở kinh doanh ăn uống như nhà hàng và quán bar đóng cửa vào lúc 20h hằng ngày.

Số lượng người được phép tham dự các sự kiện thể thao, giải trí đông người cũng bị giới hạn ở mức 50% sức chứa của địa điểm tổ chức nhưng tối đa không quá 5.000 người.

Vậy điều gì đã giúp Nhật Bản khống chế hiệu quả các làn sóng lây nhiễm đó? Theo các chuyên gia, nhân tố đầu tiên nhưng quan trọng nhất dẫn tới sự thành công của Nhật Bản là ý thức phòng dịch của toàn xã hội.

Mặc dù Nhật Bản không có quy định nào bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang và cũng không có hình phạt nào đối với những người không làm như vậy, nhưng đa số người dân nước này đều thực hiện biện pháp đó, đồng thời thực hiện triệt để nguyên tắc 3C gồm: tránh không gian khép kín (Closed space), tránh những nơi đông người (Crowded place), tránh tiếp xúc gần (Close-contact setting).

Tất cả công sở, văn phòng công ty, nhà hàng, khách sạn và cơ sở kinh doanh khác đều bố trí các lọ cồn sát khuẩn và máy đo thân nhiệt ở cửa ra vào để nhân viên, khách hàng và những người tới giao dịch sát khuẩn và kiểm tra thân nhiệt trước khi vào.

Các nhà hàng đều bố trí vách ngăn giữa các khách hàng với nhau và đề nghị khách hàng hạn chế nói chuyện trong khi ăn. Các siêu thị đều lắp tấm mica hoặc kính chắn để ngăn cách giữa nhân viên và khách hàng.

Các khách sạn đều khử khuẩn trong phòng trước khi đón khách mới, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt ở nhà ăn như lắp vách ngăn giữa các khách hàng, khách hàng phải xịt cồn khử khuẩn và đo thân nhiệt trước khi vào ăn, đeo găng tay sử dụng một lần khi lấy đồ ăn và hạn chế nói chuyện khi đang ăn…

Một nhân tố quan trọng khác giúp Nhật Bản thành công trong việc dập tắt các đợt bùng phát của dịch bệnh là phản ứng linh hoạt của giới chức nước này.

Ngay sau khi phát hiện ca mắc đầu tiên, Chính phủ Nhật Bản đã đưa dịch COVID-19 vào danh sách các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo Luật Đặc biệt về phòng chống dịch cúm và các bệnh truyền nhiễm năm 2013, với mục đích cho phép giới chức y tế đối phó hiệu quả hơn với dịch bệnh nguy hiểm này.

Với quyết định này, chính phủ có thể thực hiện các biện pháp khẩn cấp gồm: Yêu cầu những người nhiễm bệnh phải nhập viện hoặc cưỡng bức nhập viện nếu họ không tuân thủ; Cấm những người nhiễm bệnh tới nơi làm việc; Sử dụng ngân sách nhà nước để thanh toán các chi phí y tế cho những đối tượng bị buộc phải nhập viện.

Tiếp đó, vào giữa tháng 3/2020, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua Luật sửa đổi Luật Đặc biệt về phòng chống dịch cúm và các bệnh truyền nhiễm năm 2013, trong đó cho phép thủ tướng ban bố tình trạng khẩn cấp khi cần. Điều này đã gỡ bỏ nhiều rào cản đang “bó chân, bó tay” giới chức Nhật Bản.

Bên cạnh đó, ngay từ tháng 5/2020, Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi người dân thay đổi lối sống để sống chung an toàn với đại dịch.

Trong văn bản “các chính sách  cơ bản về kiểm soát dịch COVID-19 sửa đổi” công bố ngày 25/5/2020 khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp lần thứ nhất, Chính phủ Nhật Bản đã khẳng định cần “thiết lập phong cách sống mới để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong toàn xã hội và nền kinh tế và thúc giục các doanh nghiệp thực hiện các hướng dẫn về phòng dịch đã được xây dựng cho từng ngành”.

Mặt khác, các cơ quan chức năng Nhật Bản cũng ban hành bộ tiêu chí cảnh báo gồm 4 cấp về mức độ lây lan của dịch bệnh, trong đó các tiêu chí quan trọng là tỷ lệ số ca nhiễm/100.000 dân và tỷ lệ sử dụng giường bệnh dành cho các bệnh nhân COVID-19 nguy kịch, và các biện pháp phòng dịch tương ứng với từng cấp độ, trong đó biện pháp quyết liệt nhất là ban bố tình trạng khẩn cấp. Bộ tiêu chí này được áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Cho đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã 4 lần ban bố tình trạng khẩn cấp, trong đó tình trạng khẩn cấp lần thứ tư có hiệu lực từ ngày 8/7 tới ngày 30/9/2021, với phạm vi áp dụng bao trùm 21 trong tổng số 47 tỉnh, thành ở nước này. Việc áp dụng tình trạng khẩn cấp đã góp phần không nhỏ vào việc hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Một nhân tố quan trọng khác là đẩy nhanh chương trình tiêm chủng, đặc biệt trong làn sóng lây nhiễm thứ năm. Nhật Bản bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân vào tháng 2/2021.

Trong giai đoạn đầu, Nhật Bản chủ yếu tập trung tiêm cho các nhân viên y tế và người cao tuổi nhưng tốc độ tiêm khá chậm, chủ yếu do chưa chủ động được nguồn cung vaccine khi chưa có doanh nghiệp nào ở nước này thành công trong việc bào chế vaccine.

Bên cạnh đó, mặc dù ký hợp đồng mua vaccine của hầu hết các hãng lớn nhưng Nhật Bản hầu như chỉ sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna cho chương trình tiêm chủng, trong khi nguồn cung các vaccine này khá hạn chế.

Do vậy, tới giữa tháng 6/2021, tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 ở Nhật Bản vẫn chưa tới 10% dân số. Tuy nhiên, sau đó, Nhật Bản đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm đẩy nhanh chương trình tiêm chủng, trong đó có việc lập các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn ở các thành phố lớn như Tokyo và Osaka.

Nhờ vậy, theo thống kê của Văn phòng Nội các Nhật Bản, tính tới ngày 18/10, gần 95,64 triệu người ở nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine COVID-19, trong đó có gần 85,34 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi, chiếm hơn 67% dân số.

Nếu loại trừ số trẻ em dưới 12 tuổi không thuộc diện tiêm vaccine COVID-19, tỷ lệ tiêm chủng ở nước này còn cao hơn nhiều. Đáng chú ý, tỷ lệ tiêm chủng đối với người cao tuổi lên tới 90% (người tiêm đủ 2 mũi) và 91,1% người đã tiêm ít nhất một mũi.

Ngoài ra, việc các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp ở Nhật Bản đẩy mạnh làm việc từ xa cũng góp phần không nhỏ giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch ở nước này. Như vậy, có thể thấy việc Nhật Bản khống chế hiệu quả các đợt lây nhiễm là kết quả của nhiều yếu tố kết hợp, song ý thức của người dân đóng vai trò quyết định./.

Xem tiếp:

>> Nhật Bản sống chung an toàn với COVID-19 - Bài 2: Sẵn sàng ứng phó linh hoạt

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục