Nhật Bản sử dụng AI phát hiện các sự cố hỏa hoạn và sập công trình

09:19' - 14/08/2024
BNEWS Chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) sử dụng camera giám sát trên cao để phát hiện các sự cố hỏa hoạn và sập công trình xây dựng theo thời gian thực.

Qua đó đẩy nhanh quá trình ứng phó thảm họa ban đầu trong trường hợp xảy ra các trận động đất lớn.

 

Hệ thống bắt đầu được triển khai toàn diện vào tháng 3 vừa qua. Theo đó, 4 camera đã được lắp đặt ở một số vị trí quan trọng, có thể dễ dàng quan sát toàn cảnh các mục tiêu gồm tòa nhà chính quyền thủ đô, 1 cây cầu gần Vịnh Tokyo và phía Tây thành phố.

Dự kiến, trong 1 năm tới, hệ thống sẽ được bổ sung thêm 2 camera tại khu vực tháp truyền hình Tokyo Skytree để mở rộng phạm vi quan sát tới gần như tất cả các phường của Tokyo và một số khu vực phía Tây thủ đô.

Theo chính quyền địa phương và nhà phát triển Hitachi, hệ thống do AI điều khiển có nhiệm vụ phân tích hình ảnh từ các camera có độ phân giải cao, qua đó, tự phát hiện, đánh giá mức độ, phạm vi thiệt hại từ các vụ hỏa hoạn, sập công trình, cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan như cảnh sát, sở cứu hỏa và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản kịp thời có phương án ứng phó.

Bên cạnh đó, AI có thể xem lại các cảnh quay camera để xác định các đám khói, mức độ thiệt hại về cấu trúc để đưa ra báo cáo và bản đồ khu vực liên quan. Ngoài ra, AI còn có thể phát hiện các khu vực tập trung nhiều ngôi nhà gỗ, giúp xác định các khu vực có nguy cơ thiệt hại cao để ưu tiên ứng phó.

Tuần trước, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JWA) lần đầu tiên đưa ra cảnh báo về nguy cơ xảy ra siêu động đất xung quanh rãnh Nankai chạy dọc theo bờ biển Thái Bình Dương

Theo đánh giá năm 2022 của chính quyền Tokyo, một trận siêu động đất rãnh Nankai có thể tạo ra sóng thần cao từ 2m đến 2,6 m dọc khu vực Vịnh Tokyo. Ngoài ra, khả năng xảy ra một trận động đất lớn ngay bên dưới Tokyo trong vòng 30 năm tới vào khoảng 70%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục