Nhật Bản thúc đẩy mở rộng CPTPP để giảm phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc

06:00' - 29/03/2020
BNEWS Sự bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã bộc lộ những rủi ro của các chuỗi cung ứng đến từ sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.
Hàng hóa được xếp tại cảng ở Thanh Đảo, Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Nikkei Asia Review, Nhật Bản sẽ nỗ lực mở rộng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm có thêm nhiều nền kinh tế châu Á như Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia và Philippines tham gia hiệp định này.

Ứng cử viên đầu tiên sẽ là Thái Lan, một trung tâm sản xuất chủ chốt của nhiều hãng chế tạo ô tô Nhật Bản. Vào khoảng tháng 4/2020, Thái Lan dự kiến sẽ thông báo ý định gia nhập CPTPP.

Các cuộc đàm phán về vấn đề này sẽ chính thức bắt đầu vào tháng 8/2020 khi 11 nước thành viên CPTPP hiện nay, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, sẽ có cuộc họp cấp bộ trưởng ở Mexico.

Tuy nhiên, Nhật Bản đã bắt đầu chuẩn bị cho kế hoạch này khi cử một nhà thương thuyết cấp cao tới Thái Lan. Nhật Bản sẽ chủ trì CPTPP trong năm 2021, thời điểm các cuộc đàm phán dự kiến sẽ được đẩy nhanh.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh nhiều người thừa nhận rằng việc đa dạng hóa sản xuất đang ngày càng trở nên quan trọng. Trong lúc các nhà máy ở Trung Quốc bị buộc phải đóng cửa do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan rộng ra ngoài thành phố Vũ Hán – điểm khởi phát của dịch bệnh nguy hiểm này, hoạt động sản xuất của các công ty đa quốc gia trên toàn thế giới đã bị gián đoạn.

Tháng trước, hãng chế tạo ô tô Nissan Motor đã buộc phải đình chỉ hoạt động của một nhà máy lắp ráp ở Nhật Bản vì thiếu linh kiện đang được sản xuất ở Trung Quốc, trong khi hãng Komatsu vất vả trong việc chuyển công đoạn sản xuất các linh kiện bằng kim loại trong các thiết bị xây dựng của hãng này từ Trung Quốc sang Nhật Bản và Việt Nam.

Kể từ đầu tháng này, dịch COVID-19 đã lây lan ra khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khiến hàng ngàn người ở Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Australia bị nhiễm bệnh và làm giảm hoạt động kinh tế.

Hiện nay, Tokyo kỳ vọng rằng hiệp định CPTPP, theo đó hoạt động thương mại sẽ được điều tiết bởi các quy tắc thương mại và đầu tư chung, sẽ là điểm tựa cho các công ty đa dạng hóa sản xuất ra ngoài Trung Quốc (mở rộng sản xuất ở các nước khác ngoài Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào nước này).

Ông Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng phụ trách thỏa thuận thương mại của Nhật Bản, nói: “Các chuỗi cung ứng sẽ trở nên mạnh hơn và đa dạng hơn khi Thái Lan gia nhập CPTPP, và ngành công nghiệp Nhật Bản sẽ hưởng lợi đáng kể”.

Ngoài Thái Lan, Đài Loan, Indonesia và Philippines cũng được coi là những nền kinh tế ứng viên có thể gia nhập CPTPP. Đài Loan đã bày tỏ sự quan tâm và dự định sẽ đưa ra quyết định chính thức dựa trên cơ sở các cuộc thương lượng về việc gia nhập CPTPP của Thái Lan.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đóng vai trò ngày càng lớn trong các chuỗi cung ứng của Nhật Bản. Năm ngoái, có tới 37% linh kiện ô tô mà Nhật Bản nhập khẩu đến từ Trung Quốc, tăng mạnh so với con số 18% của năm 2005.

Theo thống kê của Chính phủ Nhật Bản, Trung Quốc chiếm tới 21,1% kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trung gian của Nhật Bản. Con số này cao hơn rất nhiều so với các nước khác trong nhóm G7 khi Mỹ chỉ chiếm 16,3%, Đức 7% và Anh 5,9%.

Trong bối cảnh đó, giới lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản ủng hộ việc tăng cường quan hệ kinh tế với các nước châu Á khác. Vào đầu tháng này, ông Kengo Sakurada, Chủ tịch Hiệp hội các nhà điều hành doanh nghiệp Nhật Bản (Keizai Doyukai), đã thúc giục Chính phủ hỗ trợ các công ty mở rộng hoạt động sản xuất ở một quốc gia Đông Nam Á cùng với Trung Quốc (mô hình Trung Quốc+1).

Ông Sakurada, người cũng đang giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Sompo Holdings, nói: “Tôi muốn cân nhắc một khuôn khổ cho các chính phủ và các ngành kinh doanh giữa Nhật Bản và Ấn Độ hoặc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có các cuộc thảo luận cụ thể”. Sự tham gia lớn hơn của ASEAN vào CPTPP có thể sẽ giúp thúc đẩy cách tiếp cận “Trung Quốc+1” đối với hoạt động sản xuất.

Trong gói kích thích kinh tế khẩn cấp dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu tháng 4/2020, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc trợ cấp cho các công ty nước này, nhất là các công ty sản xuất linh kiện ô tô, di chuyển hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á hoặc về Nhật Bản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục