Nhiều công trình điện chậm tiến độ do vướng thủ tục liên quan đến đất rừng

13:12' - 19/02/2020
BNEWS Việc đền bù giải phóng mặt bằng các dự án điện vẫn còn gặp nhiều khó khăn và có xu hướng phức tạp ảnh hưởng đến tiến độ thi công, nhất là liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án điện để đảm bảo nguồn điện cho phát triển kinh tế xã hội. Ngọc Hà - TTXVN
Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, việc đền bù giải phóng mặt bằng các dự án điện vẫn còn gặp nhiều khó khăn và có xu hướng phức tạp ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình. Đặc biệt là hiện nay xuất hiện khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng do thủ tục rất phức tạp và mất nhiều thời gian.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 trên toàn hệ thống là 21.650 MW; trong đó, các nguồn điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư là 7.185 MW (chiếm 33,2%), các nguồn điện do các doanh nghiệp khác đầu tư là 14.465 MW (chiếm 66,8%).

Với 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW thì có 15 dự án đạt tiến độ. Còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cho hay, một số công trình lưới điện quan trọng chưa thể đưa vào vận hành hoặc chưa thể khởi công năm 2019 do vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng, nhất là tại các thành phố lớn; vướng mắc liên quan chuyển đổi đất rừng, thủ tục đầu tư qua nhiều bước thời gian kéo dài.

Theo đó, một số công trình vướng mắc giải phóng mặt bằng kéo dài như: đường dây 220 kV đấu nối sau các trạm 500 kV Phố Nối, Việt Trì, Lưu Xá. Vướng mắc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng là các dự án: Trạm biến áp 220 kV Nghĩa Lộ và đường dây 220 kV Nghĩa Lộ - 500 kV Việt Trì, đường dây 220 kV Huội Quảng - Nghĩa Lộ, Nha Trang - Tháp Chàm.... Đặc biệt, một số công trình trọng điểm đồng bộ nguồn điện BOT bị chậm tiến độ, như đường dây 500kV đấu nối các Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Vân Phong 1, Hải Dương.

Ngoài ra, việc quản lý đất đai ở một số địa phương còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, làm ảnh hưởng đến xác định nguồn gốc đất, gây tranh chấp khiếu kiện kéo dài. Đơn giá bồi thường còn bất cập, đặc biệt đối với khu vực giáp ranh giữa các tỉnh; không có quy định đối với diện tích đất mượn tạm thi công, dẫn tới người dân có những đòi hỏi chi phí đền bù vô lý.

Về thủ tục đầu tư, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực nêu rõ, ngày 14/8/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2019/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý chi phí đầu tư, có hiệu lực từ ngày 01/10/2019 (thay thế Nghị định số 32/2015/NĐ-CP) đến nay vẫn chưa có các Thông tư và các văn bản hướng dẫn chi tiết kèm theo. Điều này dẫn đến những khó khăn trong quá trình chuẩn bị, triển khai thực hiện các dự án.

Cùng với đó, quá trình đàm phán bộ hợp đồng BOT và cấp giấy phép đầu tư vẫn bị kéo dài do liên quan đến nhiều bộ, ngành. Các vướng mắc chủ yếu đến từ các vấn đề chính sách ưu đãi, chuyển đổi ngoại tệ, chấm dứt sớm hợp đồng… Thời gian xem xét, cho ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các vấn đề liên quan thường kéo dài.

Việc bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án điện còn rất nhiều vướng mắc dẫn đến việc khó kiểm soát an ninh và thi công các dự án điện. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN
Một vấn đề khác được đưa ra cũng ảnh hưởng đến tiến độ các dự án là việc Bộ Giao thông Vận tải không chấp thuận các đường dây dẫn điện cao thế được gắn vào cầu đường bộ theo quy định tại Điểm a, Khoản 3 Điều 12 Thông tư số 20/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ đã gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng một số đường dây truyền tải và phân phối.

Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, gỡ khó cho các dự án, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong bồi thường giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đối với các dự án điện.

Đây là thủ tục mất khá nhiều thời gian và gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các dự án. Đồng thời, các bộ ngành liên quan sớm xem xét và ban hành chỉ thị tăng cường quản lý nhà nước về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án điện.

Với Bộ Giao thông Vận tải, Ban Chỉ đạo cũng kiến nghị Bộ sớm xem xét, rà soát quy định tại Điểm a, Khoản 3 Điều 12 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT theo hướng cho phép đường dây dẫn điện được gắn vào cầu đường bộ; không phân biệt cấp điện áp của đường dây nếu đáp ứng được các yêu cầu đảm bảo an toàn, phù hợp với nội dung quy định tương ứng của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP, Nghị định số 72/2012/NĐ-CP và Nghị định số 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ...

Mới đây, Bộ Chính trị đã ký ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, về nhiệm vụ, Nghị quyết cho hay, sẽ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển ngành năng lượng; nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng và cả hệ thống chính trị và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành năng lượng.

Đặc biệt, Nghị quyết cũng chỉ rõ, các cấp uỷ đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương cần xác định phát triển năng lượng quốc gia là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, nghiêm túc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; xây dựng cơ chế và khung pháp lý bảo đảm cho việc tuân thủ quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia; xử lý nghiêm đối với các dự án đầu tư chậm triển khai, làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục