Tư nhân đầu tư lưới điện: Chờ Nghị định từ Chính phủ

17:02' - 19/11/2019
BNEWS Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành nghiên cứu và tham mưu để báo cáo Chính phủ, Quốc hội, đa dạng hóa các nguồn đầu tư vào phát triển hệ thống truyền tải điện
Đường dây 500kV mạch 1. Ảnh: minh họa 

Để giải tỏa công suất cho các dự án năng lượng tái tạo, mới đây, Tập đoàn Trung Nam đã đề xuất đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời và đường dây truyền tải điện. Mặc dù chưa có tiền lệ, song đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ của UBND tỉnh Ninh Thuận và Bộ Công Thương.

*Tín hiệu tốt?

Nhiều năm qua, lưới điện truyền tải được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý và vận hành luôn đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu truyền tải các nguồn điện. Tuy nhiên, sau sự tham gia “ồ ạt” phá vỡ quy hoạch của các dự án điện mặt trời, chủ yếu tập trung ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận... nên dẫn đến quá tải lưới điện, nhiều dự án phải giảm công suất đã xảy ra.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, việc quá tải diễn ra cục bộ ở các địa phương do phát triển nóng nguồn năng lượng tái tạo. Trong bối cảnh vốn đầu tư từ Chính phủ cho các dự án truyền tải còn hạn chế, vướng về xây dựng, giải phóng mặt bằng… thì sự tham gia của khối tư nhân vào truyền tải là một tín hiệu tốt.

Ông Ngãi cũng chỉ rõ, thời gian qua, không phải chúng ta không thu hút tư nhân vào truyền tải điện. Việc thu hút đầu tư hay đầu tư xây dựng nếu có, sẽ không vướng mắc gì. Tuy nhiên, do các dự án điện mặt trời phát triển với công suất tăng vọt, việc quá tải mới xảy ra. Nhiều ý kiến cho rằng, do vốn đầu tư các dự án truyền tải lớn, thời gian hoàn vốn dài gây khó khăn cho đầu tư là hoàn toàn không đúng. Nhà đầu tư có thể đầu tư ở các đoạn đường dây ngắn với vốn thấp hơn, hiệu quả hơn; các dự án đường dây dài hàng trăm km thì Chính phủ không cho phép đầu tư vì liên quan an toàn lưới điện và an ninh năng lượng…

Dù chưa có tiền lệ, nhưng đề xuất của Tập đoàn Trung Nam đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời và đường dây truyền tải điện cũng đã nhận được sự đồng tình của các cơ quan, bộ, ngành. Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, Bộ đã lấy ý kiến các bộ, ngành, về cơ bản, các bên đều ủng hộ.

Thu hút tư nhân đầu tư xây dựng các dự án lưới điện được xem là giải pháp cấp bách hiện nay để giải tỏa tối đa công suất tại các vùng đang phát triển nóng về năng lượng tái tạo. Vấn đề đặt ra là khi đồng loạt nhiều dự án lưới do tư nhân đầu tư được đưa vào vận hành sẽ kéo theo lượng công suất điện đưa vào lưới tăng lên đáng kể, liệu hệ thống lưới 500 kV có thể tiếp nhận?

Chia sẻ về vấn đề này, ông Ngãi cho rằng, đây là vấn đề hoàn toàn không đáng lo ngại. Các nhà vận hành, quản lý kỹ thuật ngành điện sẽ có các tính toán phụ tải, đủ công suất, điện áp… để tiếp nhận.

*Chờ Nghị định từ Chính phủ

Dự án của Tập đoàn Trung Nam được xem có thể khởi đầu cho nhiều dự án đầu tư của tư nhân vào lưới điện truyền tải khác.

Ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho rằng, việc giải tỏa công suất các nhà máy năng lượng tái tạo, phải tính đến tương lai, đến các nhà máy điện sắp vào vận hành, đảm bảo khi lưới điện 110 kV rồi 220 kV, 500 kV cải thiện được, không bị quá tải.

Vì thế, bản thân EVN cũng đang yêu cầu các đơn vị cải tạo hệ thống đường dây 110 kV ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận để giải quyết tình trạng quá tải. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư các dự án lưới điện trong giai đoạn đến năm 2025 theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, Quyết định 1891/TTg-CN và 667/QĐ-BCT đảm bảo giải phóng công suất cho các nhà máy năng lượng tái tạo.

Đại diện EVN cũng cho hay, đến hết năm 2020, sẽ cố gắng giải tỏa hết công suất các nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành trước tháng 7/2019.

Theo Bộ Công Thương, hiện Bộ cũng đã thẩm định và báo cáo Chính phủ về việc cho phép đưa dự án đường dây 500 kV của Tập đoàn Trung Nam như là một hợp phần trong đầu tư dự án về phát điện mặt trời của Tập đoàn.

Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành nghiên cứu và tham mưu để báo cáo với Chính phủ và báo cáo với Quốc hội cho phép sửa đổi một số nội dung trong các luật; trong đó có Luật Đầu tư và Luật Điện lực để từ đó cụ thể và làm rõ ràng cơ chế mới cho phép tiếp tục đa dạng hóa các nguồn đầu tư của xã hội vào phát triển hệ thống truyền tải điện mà cụ thể là các đường dây truyền tải ở các cấp độ, kể cả đường dây 500 kV, để từ đó có cơ chế và biện pháp cụ thể khai thác nguồn lực này.

Ông Trần Viết Ngãi cho hay, xã hội hóa không phải là cho phép đầu tư ồ ạt các dự án, gây mất an toàn lưới điện và hành lang lưới điện.

Dự kiến, sắp tới, Chính phủ có thể sẽ ban hành 1 Nghị định về những dự án nhà máy điện và lưới điện, chủ yếu là năng lượng tái tạo. Các nhà đầu tư sau khi xây dựng xong dự án điện mặt trời, điện gió thì được phép xây dựng trạm biến áp và đường dây để đấu nối từ đường dây truyền tải quốc gia vào dự án của mình. Dự án truyền tải đó có thể nằm trong dự án thành phần. Sau khi xây dựng xong thì bàn giao lại cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia quản lý và vận hành.

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, việc bàn giao có thể thực hiện trên cơ sở tổng tài sản các nhà đầu tư đầu tư vào. Hai là về tiêu chuẩn, thiết kế kỹ thuật, hiện trạng đường dây, về kết cấu, quy chuẩn, chiều cao, hành lang tuyến, giải phóng mặt bằng… để bên truyền tải quản lý vận hành theo tiêu chuẩn quốc gia.

Vì Luật Điện lực cũng như ngành điện quy định chặt chẽ, không những nhà máy mà đường dây phải vận hành thế nào để đảm bảo an toàn lưới điện, hành lang lưới điện, đảm bảo an ninh quốc gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục