Nhiều bất cập liên quan đến xuất nhập khẩu và vận tải cần tháo gỡ

18:37' - 16/06/2017
BNEWS Các quy định, quá trình thực thi thủ tục, điều kiện xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành, chi phí vận tải còn bất cập cần sớm tháo gỡ.
Nhiều bất cập liên quan đến xuất nhập khẩu và vận tải cần tháo gỡ. Ảnh minh họa:TTXVN

Cùng với việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nhiều chính sách tạo thuận lợi thương mại được các cơ quan chức năng Việt Nam triển khai và mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, các quy định, quá trình thực thi thủ tục, điều kiện xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành, chi phí vận tải còn bất cập cần sớm tháo gỡ.

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại “Diễn đàn đối thoại các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu và vận tải” do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 16/6.

Nhiều bất cập

Nghị quyết số 35/NQ - CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 khẳng định Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm cho việc ban hành các chính sách phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, các văn bản pháp luật, quá trình thực thi của nhiều cơ quan chức năng còn chồng chéo ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Kiểm tra chuyên ngành là một trong những vấn đề gây nhiều khó khăn nhất đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đại diện Công TNHH dinh dưỡng 3A (Tp. Hồ Chí Minh) cho biết, hoạt động chính hiện nay của công ty là nhập khẩu các sản phẩm sữa từ nước ngoài vào Việt Nam.

Nếu theo danh mục sản phẩm, các mặt hàng này thuộc quản lý của Bộ Y tế và phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm, điều này là hợp lý và dễ hiểu. Tuy nhiên, các sản phẩm sữa nhập khẩu còn phải thực hiện yêu cầu kiểm tra chuyên ngành về kiểm dịch động vật.

Như vậy, một sản phẩm phải thực hiện tới hai thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại hai cơ quan khác nhau khiến doanh nghiệp tốn thêm thời gian, chi phí.

Theo phân tích của doanh nghiệp, các sản phẩm sữa nhập khẩu đã thông qua chế biến, xử lý nhiệt không thể mang theo nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Do đó, việc yêu cầu kiểm tra chuyên ngành về kiểm dịch động vật là không cần thiết.

Cũng liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đối với mặt hàng dệt may, nhiều doanh nghiệp cho biết, quy định kiểm tra chuyên ngành về formaldehyd tại Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm từng khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian, chi phí, đã được bãi bỏ.

Tuy nhiên, trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa dệt may, nhiều đơn vị hải quan vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh sản phẩm đạt tiêu chuẩn về hàm lượng formaldehyd.

Về điều kiện nhập khẩu đối với mặt hàng máy in, theo Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in và Thông tư số 03/2015/TT-BTTTT của Bộ Thông tin Truyền thông hướng dẫn thi hành Nghị định 60, các doanh nghiệp muốn nhập khẩu máy in phải có giấy phép nhập khẩu của Cục Xuất bản, in và phát hành thuộc Bộ Thông tin Truyền thông.

Điều kiện để có giấy phép này là doanh nghiệp phải bổ sung ngành nghề trên giấy phép kinh doanh và người đứng đầu doanh nghiệp phải có chứng chỉ về ngành in từ cao đẳng trở lên hoặc được cấp giấy chứng nhận đã qua đào tạo bồi dưỡng hoạt động in. Thời gian đào tạo để có chứng chỉ ngành in tối thiểu là 3 tháng.

Các doanh nghiệp nhập khẩu cho rằng, quy định này có nhiều bất cập và gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp nhập khẩu cũng như các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng máy in tại Việt Nam. Cụ thể, người đứng đầu doanh nghiệp (Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị ) rất khó có chứng chỉ ngành in, vì họ là người điều hành hoạt động kinh doanh chứ không phải nhân viên kỹ thuật.

Mặt khác, không người quản lý cấp cao của doanh nghiệp nào có thể bỏ thời gian 3 tháng để học các khóa đào tạo ngành in chỉ để làm thủ tục nhập khẩu máy in rồi bán lại cho các doanh nghiệp khác.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp phản ánh sự bất cập trong thủ tục tiêu hủy nguyên vật liệu, sản phẩm không đạt tiêu chuẩn của doanh nghiệp chế xuất hay tình trạng loạn giá chi phí vận tải đường biển…

Tháo gỡ

Liên quan đến những bất cập trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, sự chồng chéo trong việc ban hành cũng như thực hiện các quy định về kiểm soát chất lượng hàng hóa và kiến nghị doanh nghiệp nêu ra là xác đáng.

Theo ông Trần Thanh Hải, các bộ ngành liên quan đang trong quá trình tổng hợp, xem xét sửa đổi hoặc bãi bỏ một số quy định để phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, đối với quy định về kiểm tra hàm lượng formaldehyd trên sản phẩm dệt may đã được bãi bỏ, Bộ Công thương đang trong quá trình xây dựng quy chuẩn chung về hàm lượng formaldehyd nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc trao đổi thương mại, đồng thời vẫn đảm bảo yêu cầu về quản lý chất lượng sản phẩm.

Các quy định về kiểm tra chuyên ngành liên quan tới sản phẩm có nguồn gốc động thực vật cũng đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan xem xét, điều chỉnh. Vấn đề điều chỉnh các văn bản pháp luật cần có thời gian và sự tham gia đóng góp tích cực từ phía cộng đồng các doanh nghiệp.

Hiện 35% dòng sản phẩm xuất nhập khẩu phải thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Đây là tỷ lệ quá lớn và tạo ra áp lực cho cả cơ quan hải quan lẫn doanh nghiệp. Để rút ngắn thời gian thông quan, nhiều doanh nghiệp đề xuất cần tinh giản số lượng dòng sản phẩm bắt buộc kiểm tra chuyên ngành hoặc chỉ kiểm tra đối với các mặt hàng có nguy cơ rủi ro cao…

Ông Nguyễn Thế Việt, Cục Giám sát và Quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho rằng, thời gian thực hiện thủ tục hải quan hiện nay chiếm chưa đến 30% tổng thời gian thông quan hàng hóa. Phần lớn, các doanh nghiệp vướng mắc về thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Vì vậy, để tăng hiệu quả thuận lợi hóa thương mại, cần xem xét lại hệ thống quy định chồng chéo và nâng chất lượng hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Một trong những giải pháp được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới là quản lý nguy cơ rủi ro, dựa trên việc đánh giá tính minh bạch thông tin và mức độ chấp hành pháp luật của doanh nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần sớm xây dựng và hoàn thiện các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng cho từng ngành hàng cụ thể để doanh nghiệp chủ động đáp ứng ngay từ khâu sản xuất và lựa chọn sản phẩm nhập khẩu.

Mặt khác, cơ chế công nhận kết quả kiểm tra của các quốc gia có hệ thống tiêu chuẩn chất lượng tương đương hoặc cao hơn Việt Nam cũng cần có. Cách làm này giúp doanh nghiệp Việt Nam cắt giảm chi phí, nâng hiệu quả kinh doanh, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục