Nhiều chính trị gia Đức kêu gọi áp đặt biện pháp chống dịch nghiêm ngặt hơn

10:09' - 29/11/2021
BNEWS Sau khi phát hiện 2 trường hợp nhiễm Omicron ở Bayern, bang Hessen cũng đã xác nhận 1 trường hợp nhiễm biến thể mới sau khi trở về từ Nam Phi.

Nhiều chính trị gia hàng đầu của Đức ngày 28/11 đã kêu gọi áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn để phòng chống tình trạng bùng phát dịch bệnh mạnh như hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh số ca nhiễm mới liên tục tăng cao và những lo ngại sau sự xuất hiện của biến thể mới Omicron.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, sau khi phát hiện 2 trường hợp nhiễm Omicron ở Bayern, bang Hessen cũng đã xác nhận 1 trường hợp nhiễm biến thể mới sau khi trở về từ Nam Phi.

Các biện pháp hạn chế hàng không đối với người từ Nam Phi trở về Đức bắt đầu có hiệu lực từ ngày 28/11, theo đó, chỉ có công dân Đức hoặc người có quyền lưu trú ở Đức mới được trở về từ Nam Phi và các trường hợp này đều phải cách ly 14 ngày, kể cả đã tiêm đầy đủ. Cũng giống như các nước châu Âu khác, Đức đang báo động trước sự xuất hiện của Omicron.

Nhà virus học Christian Drosten thuộc Bệnh viện Charité cũng bày tỏ quan ngại về biến thể mới này. Theo ông, không ai có thể nói trước điều gì, song điều duy nhất có thể chắc chắn là "người dân nên đi tiêm chủng và tiêm mũi tăng cường".

Ông cho rằng sẽ phải mất 2 đến 3 tuần nữa mới có thể giải đáp những quan ngại hiện nay liên quan tới biến thể Omicron, trong đó có việc liệu biến thể này có thể "qua mặt" vaccine hay không, hoặc có cần phải thay đổi vaccine hay không.

Giáo sư Drosten cũng cho rằng việc điều chỉnh vaccine công nghệ mRNA là khả thi, bởi điều đó tương đối đơn giản về phương diện kỹ thuật, song cũng phải mất nhiều tháng.

Cuộc thăm dò do báo Bild thực hiện cho biết có tới 58% số người Đức được hỏi cho rằng các biện pháp chống dịch hiện hành là chưa đủ hiệu quả để ngăn chặn đại dịch, trong khi 73% nhận định sẽ phải áp đặt lệnh phong tỏa trên quy mô cả nước trong năm nay.

Thủ hiến Bayern, ông Markus Söder, ngày 28/11 đã kêu gọi nhanh chóng áp đặt các biện pháp chống dịch quyết liệt nhằm bảo vệ hệ thống y tế đã quá tải tại nhiều nơi ở Đức.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cũng kêu gọi người dân Đức cần hạn chế tiếp xúc. Theo ông, điều quan trọng là phải cùng nhau hành động, tuân thủ các quy định phòng dịch và giảm tiếp xúc hơn nữa.

Có như vậy mới có thể duy trì hoạt động của các trường học và không phải áp dụng các biện pháp phong tỏa. Tổng thống Steinmeier cũng kêu gọi người dân đi tiêm chủng nhằm bảo vệ chính bản thân, những người xung quanh cũng như hệ thống y tế ở Đức.

Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (FDP) Christian Lindner cũng yêu cầu mở rộng hơn nữa chiến dịch tiêm chủng để có thể tiêm mũi đầu tiên cũng như mũi tăng cường cho hàng triệu người từ nay tới Giáng sinh.

Ông kêu gọi những người có chuyên môn, biết cách tiêm, nên tham gia vào chiến dịch tiêm chủng trong vài tuần tới, kể cả các nhà thuốc cũng nên tham gia vào việc này. Chính trị gia đảng Xanh Anne Spiegel - người sẽ trở thành Bộ trưởng Gia đình trong Chính phủ Đức tới đây, cũng kêu gọi cần có các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn nữa để bảo vệ hệ thống y tế.

Thủ hiến bang Mecklenburg-Vorpommern, bà Manuela Schwesig, ủng hộ việc áp đặt quy tắc 2G+ (đã tiêm, đã khỏi vẫn cần xét nghiệm) trên quy mô cả nước. Bang Đông Bắc nước Đức này từ tuần tới cũng sẽ áp đặt hạn chế tiếp xúc với những người chưa tiêm chủng.

Số liệu của các cơ quan y tế Đức tối 28/11 cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 40.123 ca nhiễm - mức cao kỷ lục ghi nhận trong ngày Chủ Nhật kể từ đầu dịch. Theo Viện Robert Koch (RKI), chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày/100.000 dân đã lên mức cao kỷ lục 446,7.

Tuần qua cũng là tuần thứ 9 Đức liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới liên tục tăng. Cụ thể chỉ trong tuần thứ 47 này, Đức ghi nhận trên 406.500 ca nhiễm mới và 1.817 ca tử vong. Tính đến nay, đã có trên 71% tổng dân số Đức được tiêm phòng ít nhất một mũi, trong đó 68% đã tiêm đầy đủ./.         

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục