Nhiều chương trình thiết thực hưởng ứng “Ngày không tiền mặt 2022”

17:30' - 20/05/2022
BNEWS Ngày 20/5 tại Tp. Hồ Chí Minh, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước phối hợp báo Tuổi trẻ tổ chức Họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng “Ngày không tiền mặt 2022”.

Ngày không tiền mặt do báo Tuổi trẻ đề xuất (16/6) được bắt đầu từ năm 2019, là ngày phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ.

 

Ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ thông tin, chuỗi các sự kiện của “Ngày không tiền mặt năm 2022” bao gồm rất nhiều hoạt động thiết thực, gần gũi hơn với người dùng như: “Phiên chợ không tiền mặt” (ngày 4/6/2022 và ngày 12/6/2022) được tổ chức tại Khu công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh và Khu chế xuất Tân Thuận; hội thảo quốc gia “Ngày không tiền mặt” dự kiến vào ngày 16/6, tại Hà Nội, tại đây cũng có không gian trưng bày các thành tựu thanh toán, công nghệ thanh toán hiện hành để các khách mời trải nghiệm; “Chuyến xe không tiền mặt”, xuất phát từ Hà Nội vào ngày 19/6, hành trình ghé đến nhiều địa phương như Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang và về đến Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 3/7.
Tại các điểm dừng, người dân có thể tìm hiểu rõ hơn về thanh toán không tiền mặt, vừa có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm để nhận các phần quà từ các nhà tài trợ. Tại ba điểm dừng Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh sẽ có thêm nhiều hoạt động sân khấu, tọa đàm, trò chơi, kết hợp với các chương trình trình trải nghiệm dành cho người quan tâm, khảo sát ý kiến…
Ngoài ra, Ban tổ chức còn tổ chức các sự kiện như “Cuộc thi Dance Cover”, “Giải chạy bộ” quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hoạt động này nhằm thúc đẩy sự quan tâm của người dân về các vấn đề thanh toán không tiền mặt, từ đó thay đổi rất nhiều thói quen trong phong cách sống và làm việc.

Theo Ban tổ chức, những sự kiện hưởng ứng “Ngày không tiền mặt 2022” được tổ chức và thiết kế phù hợp để kích thích sự quan tâm của ba nhóm đối tượng từ những người chưa quen thuộc hoặc chưa biết gì về thanh toán không tiền mặt, đến những người đã và đang sử dụng thanh toán không tiền mặt, nhóm người có những ảnh hưởng vĩ mô về chính sách trong lĩnh vực này.
Ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu không chỉ ở riêng nước ta mà trên bình diện toàn thế giới. Tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã xác định, chuyển đổi số là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Tại Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định ngành ngân hàng là lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã sớm có các hoạt động nghiên cứu, đánh giá kịp thời và ban hành nhiều chính sách định hướng quan trọng; khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục được rà soát, bổ sung, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật thanh toán được các ngân hàng chú trọng đầu tư, nâng cấp hoạt động thông suốt, an toàn đảm bảo sự kết nối liên thông giữa các ngân hàng, đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán điện tử của người dân, doanh nghiệp trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được coi trọng và tăng cường; các rủi ro, nguy cơ mất an toàn cơ bản được kiểm soát và xử lý kịp thời.
Về truyền thông, giáo dục tài chính được ngành ngân hàng chú trọng với các chương trình như "Tiền khéo tiền khôn", "Tay hòm chìa khóa" và cuộc thi "Hiểu đúng về tiền"… qua đó góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng, giảm thiểu rủi ro cho người dân trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, từ đó thúc đẩy thúc thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển tài chính toàn diện.
Những nỗ lực đó đã được phản ánh qua số liệu tăng trưởng, cụ thể: Tính đến hết tháng 4/2022, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 2,88% về số lượng và 32,37% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng và giá trị giao dịch được xử lý qua hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch tài chính xử lý tăng tương ứng 88,92% và 119,43% so với cùng kỳ năm 2021.
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Đến tháng 3/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 75,4% về số lượng, 31,6% về giá trị; giao dịch qua internet tăng tương ứng 47,9% và 33,9%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,5% và 93,7% ; qua QR code tăng tương ứng 56,2% và 126,8%. Việc triển khai quy định về mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC) đạt nhiều kết quả khả quan.
Ngân hàng Nhà nước cũng tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đẩy mạnh triển khai kết nối, tích hợp thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Theo ông Lê Anh Dũng, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Đó là đẩy nhanh việc nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đáp ứng yêu cầu xây dựng mô hình kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ; tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở ứng dụng công nghệ.
Ngành ngân hàng cũng nâng cấp, hoàn thiện, phát triển hạ tầng chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử; mở rộng triển khai Hệ thống thanh toán bù trừ tự động (ACH) tại Việt Nam theo hướng mở rộng sản phẩm dịch vụ và mở rộng kết nối các ngân hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ công; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng; đẩy mạnh truyền thông giáo dục tài chính...
Về định hướng hoạt động truyền thông giáo dục tài chính thời gian tới, nhóm công chúng mục tiêu được Ngân hàng Nhà nước xác định là người dân ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn, giới trẻ, các đối tượng yếu thế trong xã hội, người chưa có tài khoản ngân hàng để truyền thông về các sản phẩm dịch vụ, ngân hàng, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng…
Hoạt động truyền thông ngành ngân hàng sẽ đa dạng hóa hơn nữa các hình thức, kênh truyền thông, đặc biệt là ứng dụng công nghệ, xu hướng truyền thông hiện đại, đảm bảo dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ lan tỏa.

Qua đó, nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng và khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng đối với công chúng, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hiện thực hóa các mục tiêu của chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, cũng như góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng, vì mục tiêu Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số./.

>>>Mở rộng hệ sinh thái không tiền mặt - Bài 1: Tín hiệu vui trong nghịch cảnh


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục