Nhiều cơ hội phát triển du lịch MICE ở Đông Nam Bộ

09:14' - 03/08/2024
BNEWS Theo quy hoạch, một trong sáu vùng du lịch của cả nước là Đông Nam Bộ ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc trưng như du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện (du lịch MICE).
Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định một trong những định hướng là phát triển các loại hình du lịch mới, phù hợp xu hướng thị trường. Đó là các loại hình du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch thể thao, thể thao mạo hiểm; du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện (MICE); du lịch giáo dục; du lịch du thuyền; du lịch công nghiệp. Theo quy hoạch, một trong sáu vùng du lịch của cả nước là Đông Nam Bộ ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc trưng như du lịch MICE, du lịch đô thị gắn với công nghiệp văn hóa và kinh tế ban đêm, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo.

 
* Khẳng định thế mạnh

Với nhiều ưu thế, du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện (MICE) là một loại hình, sản phẩm thế mạnh của Đông Nam Bộ - vùng kinh tế năng động của cả nước.

Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố với vai trò đô thị hạt nhân, cực tăng trưởng vùng, có hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông kết nối ngày càng đồng bộ, đa dạng cơ sở lưu trú, phong phú điểm tham quan, được nhiều đoàn du khách du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện lựa chọn. Đầu năm 2024, trong khuôn khổ Giải thưởng Du lịch MICE Thế giới, Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ tư được vinh danh là "Điểm đến du lịch MICE hàng đầu châu Á”, góp phần thực hiện mục tiêu đưa thành phố trở thành điểm đến sôi động hàng đầu châu Á.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết, du lịch MICE là một trong những sản phẩm chiến lược của Thành phố. Nơi đây có hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất đủ tầm cỡ để tổ chức các hội nghị, hội chợ, tour du lịch MICE quy mô hàng ngàn người. Đến nay, toàn Thành phố có gần 3.230 cơ sở lưu trú du lịch; trong đó có gần 200 khách sạn đã được xếp hạng từ 1 - 5 sao sẵn sàng phục vụ các đoàn khách theo các phân khúc khác nhau.

Trong 7 tháng năm 2024, doanh thu từ dịch vụ lữ hành của Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 23.853 tỷ đồng, tăng gần 66,% so; doanh thu từ lưu trú và ăn uống đạt 74.888 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này có sự đóng góp của nhiều đoàn du khách thuộc dòng du lịch MICE.

Đại diện Công ty dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, các sản phẩm du lịch MICE được doanh nghiệp xây dựng, phục vụ du khách luôn có sự kết nối, tính toán hợp lý từ lựa chọn địa điểm tổ chức sự kiện đến nơi lưu trú, kịch bản, chương trình teambuilding, gala dinner phù hợp. Từ đầu năm 2024 đến nay, công ty phục vụ trên 450 đoàn khách MICE, trong đó có các đoàn 600 - 700 người.

Du lịch MICE cũng là một trong 8 nhóm sản phẩm được Bà Rịa- Vũng Tàu đẩy mạnh phát triển, tập trung chủ yếu ở thành phố Vũng Tàu, huyện Xuyên Mộc… với nhiều khu nghỉ dưỡng phức hợp hiện đại, khu du lịch cao cấp, sức chứa hàng ngàn người. Hiện tỉnh đang có 1.360 cơ sở lưu trú với trên 22.500 phòng; trong đó 76 khách sạn được xếp hạng từ 1-5 sao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho nhiều đối tượng du khách cùng một thời điểm.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, thời gian qua, thành phố là nơi được lựa chọn tổ chức nhiều sự kiện lớn, đón nhiều đoàn khách MICE. Vũng Tàu nổi bật với các bãi biển đẹp như bãi Trước, bãi Sau, bãi Dâu, dãi Dứa, con đường ôm vòng theo bờ biển uốn quanh sườn núi, đi qua nhiều di tích, thắng cảnh nổi tiếng, thuận lợi cho du khách tham quan, trải nghiệm trong một chuyến đi.

Vũng Tàu đã nhiều lần được vinh danh là Thành phố du lịch sạch ASEAN trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á. Cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch tại thành phố biển này ngày càng được nâng cao, phù hợp định hướng phát triển đưa Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Các sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch nghỉ dưỡng; MICE; du lịch văn hóa, sinh thái, thu hút khoảng 6,5 triệu lượt du khách trong và ngoài nước mỗi năm.

* Giải pháp đặc thù

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thông tin, Tổ chức Du lịch thế giới dự báo, đến năm 2025, doanh thu từ du lịch MICE của thế giới đạt khoảng hơn 1.400 tỷ USD; trong đó tập trung lớn ở khu vực châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương. Cùng với đó, giai đoạn phục hồi sau COVID -19, nhiều tổ chức, doanh nghiệp tăng cường tổ chức hội nghị tổng kết, khen thưởng hoặc tìm kiếm đối tác, cơ hội đầu tư, kết hợp tham quan, giải trí. Đây là dư địa lớn để phát triển du lịch MICE tại Việt Nam - điểm đến với ưu thế với nhiều cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa, hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ ngày càng hoàn thiện…

Tuy nhiên, các nhà quản lý, chuyên gia cũng lưu ý, phát triển du lịch MICE cần có các giải pháp đặc thù, gắn kết nhiều loại hình du lịch, dịch vụ hoàn hảo. Từng địa phương cần xác định rõ thế mạnh, khả năng thu hút khách để có sự đầu tư "xứng đáng", tránh lãng phí hoặc hạ tầng, cơ sở vật chất không đủ để phục vụ các đoàn du khách du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện.

Đông Nam Bộ có lợi thế là vùng kết nối thuận tiện trong nước và quốc tế bằng nhiều phương thức vận tải. Đây là vùng tiếp giáp và là cầu nối của Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ. Vùng có khí hậu ấm áp quanh năm, ít thiên tai, thuận lợi cho phát triển ổn định nhiều ngành kinh tế; trong đó có du lịch, dịch vụ. Đông Nam Bộ còn có tài nguyên du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, nhiều di tích lịch sử văn hóa, các trung tâm thương mại… rất phù hợp để phát triển du lịch MICE.

Đại diện Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, Thành phố tiếp tục tạo thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành, đơn vị lưu trú cung ứng các dịch vụ chung tay phát triển du lịch MICE. Ngành Du lịch cùng các địa phương, doanh nghiệp tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ đội ngũ nhân sự trong các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, nâng cao kỹ năng tổ chức các hoạt động liên quan đến du lịch du lịch MICE; đảm bảo luôn có các chương trình du lịch hấp dẫn, phù hợp từng đoàn khách có tâm lý, thị hiếu, yêu cầu khác nhau.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch thế mạnh; trong đó có du lịch MICE. Địa phương xây dựng và giữ vững thương hiệu du lịch mang đẳng cấp quốc gia, quốc tế, khẳng định vị thế điểm đến, thu hút các dòng khách tiềm năng. Đồng thời, tỉnh đăng cai tổ chức nhiều chương trình, sự kiện đẳng cấp quốc gia, quốc tế; coi đây là cơ hội quảng bá, thu hút du khách, nhất là các đoàn khách du lịch MICE. Các đơn vị chức năng nghiên cứu, đề xuất các sản phẩm đặc sắc; hàng năm, tổ chức các sự kiện như: Festival biển - đảo, lễ hội du lịch, ẩm thực quốc tế, lễ hội âm thanh - ánh sáng, giải Marathon quốc tế...

Bình Dương còn thuộc tứ giác kinh tế Đông Nam Bộ (gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu). Các đoàn chuyên gia, nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, tham dự triển lãm, hội thảo kết hợp du lịch, tham quan, trải nghiệm các hoạt động thể thao cao cấp chính là “nguồn khách” để Bình Dương phát triển du lịch MICE.

Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Bình Dương đã hoàn thiện, giới thiệu đến du khách ấn phẩm “Sổ tay du lịch MICE Bình Dương”. Cùng với đó, địa phương có các điểm đến tham quan du lịch, thư giãn với khoảng cách khá gần các vị trí tổ chức sự kiện, phù hợp để khách MICE kết hợp như khu du lịch Đại Nam, sân golf Phú Mỹ, vườn trái cây Lái Thiêu, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, làng tre Phú An...

Du lịch Bình Dương đẩy mạnh liên kết, hợp tác, kết nối sản phẩm, các tour, tuyến với các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ và vùng Tây Nguyên. Trong đó, chú trọng các tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước; Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Tây Ninh; Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai; Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Tây Nguyên, làm phong phú trải nghiệm của du khách, trong đó có du khách MICE đến tham dự sự kiện, tìm hiểu cơ hội đầu tư kết hợp du lịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục