Nhiều cơ sở chế biến cà phê gây ô nhiễm nguồn nước ở Sơn La

16:53' - 19/11/2016
BNEWS Mỗi khi vào vụ sản xuất cà phê, Nhà máy nước TP. Sơn La lại phải ngừng sản xuất trong một thời gian để khắc phục sự cố nguồn nước bị ô nhiễm do nước thải của các cơ sở chế biến cà phê trên đầu nguồn.
Nhiều năm nay, mỗi khi vào vụ sản xuất cà phê là Nhà máy nước thành phố Sơn La (thuộc Công ty Cổ phần Cấp nước Sơn La) lại phải ngừng sản xuất trong một thời gian để khắc phục sự cố nguồn nước bị ô nhiễm do nước thải của các cơ sở chế biến cà phê trên đầu nguồn. 

Hàng ngày, mỗi người dân ở thành phố Sơn La vẫn phải dùng nước bẩn do việc xả thải ở đầu nguồn nước của các lò sơ chế cà phê mi ni, chưa kể lượng hóa chất, thuốc diệt cỏ phun trên nương mà chẳng ai quản lý. Mặc dù chưa vào chính vụ thu hái cà phê nhưng từ tháng 9/2016 đến nay, Nhà máy nước thành phố Sơn La đã phải ngừng sản xuất 7 lần do bị ô nhiễm nguồn nước. Nhà máy nước Sơn La có công suất 12.500m3 có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt cho 2/3 dân cư đô thị và các cơ quan của tỉnh Sơn la nói chung, thành phố Sơn La nói riêng. 

Ông Nguyễn Tiến Hãn, phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Sơn La cho biết: Từ năm 2012, Nhà máy nước thành phố Sơn La đã bị ảnh hưởng ô nhiễm từ nước thải sơ chế cà phê và phải ngừng sản xuất 40 giờ liên tục, các năm sau nhà máy liên tục phải ngừng sản xuất do bị ô nhiễm nguồn nước. Nguồn nước ô nhiễm đã ảnh hưởng lớn đến trang thiết bị của nhà máy cũng như sinh hoạt của người dân. Khi cán bộ nhà máy nước cùng cán bộ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Sơn La đi kiểm tra một số cơ sở chế biến cà phê tại xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La đã chứng kiến hầu hết khu vực chứa nước thải của các cơ sở đều được làm rất sơ sài, nước thải màu đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nhiều khu vực chứa nước thải cà phê còn làm ngay sát các con suối, khiến chất thải độc hại dễ dàng thẩm thấu hòa vào dòng nước tự chảy cung cấp cho các nhà máy xử lý nước sạch. 

Ông Phạm Quang Lê, Phụ trách kỹ thuật chế biến cà phê của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thu Thuỷ phân trần: Hiện công ty gặp khó khăn về tài chính mà việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải cà phê lại rất lớn vì vậy công ty đang xử lý nước thải tạm thời bằng cách đào các hố, xung quanh bịt các túi ni lông để hạn chế nước thải thấm ra ngoài môi trường. 

Theo Thượng úy Lương Đình Giáp, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Sơn La: Hầu hết các cơ sở chế biến cà phê tại tỉnh Sơn La đều chưa có công nghệ xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, hầu hết đều xử lý một cách qua loa, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Nhiều cơ sở đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh hay bị xử phạt hành chính nhiều lần do kinh doanh không phép, không cam kết bảo vệ môi trường hay xả trộm chất thải ra môi trường. 

Sơn La có khoảng 12.000 ha cà phê tập trung chủ yếu tại huyện Thuận Châu, Mai Sơn và thành phố Sơn La, thời vụ bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 1 năm sau. Hiện tại, hầu hết các cơ sở chế biến cà phê tại Sơn La đều chế biến theo phương pháp ướt, tức là ngâm ủ rồi rửa nước với công suất có thể tới hàng trăm tấn/1 ngày; mỗi tấn cà phê tươi tiêu thụ từ 2-4m3 nước. 

Việc các cơ sở sơ chế cà phê không đúng quy trình, máy móc thô sơ, không đầu tư hệ thống xử lý nước thải đã khiến môi trường ngày càng ô nhiễm. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La, hàng năm các cơ sở chế biến cà phê thải ra môi khoảng 55.000 tấn bã thải cà phê, lượng nước thải từ 120.000m3/ năm - 480.000m3/năm, nồng độ chất ô nhiễm trong nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần như: TSS vượt tiêu chuẩn cho phép 131-135 lần; BOD vượt tiêu chuẩn cho phép 276-304 lần; COD vượt tiêu chuẩn cho phép 356-361 lần...; phạm vi ô nhiễm tập trung tại các huyện huyện Thuận Châu, Mai Sơn và thành phố Sơn La. 

Ông Nguyễn Quang Thiên, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Sơn La khẳng định: Ngay sau khi có kiến nghị về ô nhiễm nguồn nước, đơn vị đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và đủ cơ sở kết luận nguồn nước ô nhiễm là do sơ chế cà phê đầu nguồn. Chi cục đã đề xuất với UBND tỉnh các hướng khắc phục như quy hoạch lại diện tích trồng cà phê; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ đối với hoạt động sản xuất đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bào vệ môi trường; có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển công nghệ sản xuất sạch hơn… 

Việc các cơ sở chế biến cà phê xả thải ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt đã xảy ra từ nhiều năm nay, nhưng các ngành chức năng tỉnh Sơn La mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở hay xử phạt hành chính chứ vẫn chưa có biện pháp đủ mạnh để các cơ sở chế biến cà phê chấp hành nghiêm việc bảo vệ môi trường./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục