Nhiều công ty AI mới của Trung Quốc hứa hẹn “sánh ngang” DeepSeek

16:58' - 04/02/2025
BNEWS Các nhà đầu tư lo ngại rằng DeepSeek đang thách thức sự thống trị của các “ông lớn” AI của Mỹ và khoảng cách công nghệ giữa Trung Quốc với Mỹ đang ngày càng thu hẹp.
Thông tin công ty khởi nghiệp DeepSeek của Trung Quốc ra mắt mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) mới, có hiệu suất tương đương những chatbot hàng đầu thế giới, nhưng với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ, đã khiến các nhà đầu tư và giới công nghệ bất ngờ.

Các nhà đầu tư lo ngại rằng DeepSeek đang thách thức sự thống trị của các “ông lớn” AI của Mỹ và khoảng cách công nghệ giữa Trung Quốc với Mỹ đang ngày càng thu hẹp.

 
Đáng chú ý, DeepSeek không phải là công ty duy nhất tại Trung Quốc có những đổi mới về AI, mặc dù nước này đang chịu lệnh hạn chế xuất khẩu nghiêm ngặt của Mỹ về các sản phẩm công nghệ tiên tiến. Trong những tuần gần đây, một số các công ty công nghệ Trung Quốc đã liên tiếp công bố các mô hình AI mới nhất, mà họ tuyên bố có thể sánh ngang với DeepSeek và OpenAI.

Alibaba Cloud

Ngày 29/1, công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc, Alibaba Cloud - công ty con của tập đoàn Alibaba - đã ra mắt phiên bản cập nhật của mô hình AI Qwen 2.5, gọi là Owen 2.5-Max.

Theo Alibaba Cloud, Qwen 2.5-Max vượt trội hơn mô hình V3 của DeepSeek và Llama 3.1 của Meta trên 11 chỉ số đánh giá. Công ty cho biết họ “rất tự tin vào phiên bản tiếp theo của Qwen 2.5-Max.”

Một số nhà phân tích cho rằng việc Alibaba Cloud chọn công bố Qwen 2.5-Max đúng vào lúc các doanh nghiệp Trung Quốc nghỉ Tết Nguyên đán 2025 phản ánh sức ép mà DeepSeek đã đặt lên thị trường nội địa. Tuy nhiên, đây cũng có thể là một nỗ lực để các doanh nghiệp tận dụng sóng dư luận mà DeepSeek tạo ra.

Zhipu

Zhipu là một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Bắc Kinh và được Alibaba hậu thuẫn. Nhiều người đã “ví von” công ty này là một trong những "con hổ AI" của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Zhipu đã đạt được một số tiến bộ nhanh chóng về AI. Sản phẩm mới nhất của công ty là AutoGLM, một ứng dụng trợ lý AI ra mắt vào tháng 10/2024, có khả năng giúp người dùng điều khiển điện thoại thông minh bằng giọng nói, với các câu lệnh phức tạp.

Ngày 15/1, công ty này là một trong hơn 20 thực thể Trung Quốc bị đưa vào danh sách thương mại hạn chế của Mỹ.

Moonshot AI

Cũng trong ngày DeepSeek ra mắt mô hình R1 hôm 20/1, một công ty khởi nghiệp Trung Quốc khác là Moonshot AI đã ra mắt mô hình LLM mà họ tuyên bố có thể cạnh tranh với mô hình o1 của OpenAI về toán học và lý luận.

Moonshot AI là một công ty khởi nghiệp AI được Alibaba hậu thuẫn, có trụ sở tại Bắc Kinh và đạt giá trị doanh nghiệp ước tính lên tới 3,3 tỷ USD. Không giống như Alibaba, một tập đoàn khổng lồ được thành lập vào năm 1999, Moonshot AI là một “tân binh” và cũng được thành lập vào năm 2023 như DeepSeek.

Sản phẩm của Moonshot AI, Kimi k1.5, là phiên bản nâng cấp của Kimi, ra mắt vào tháng 10/ 2023. Nó thu hút sự chú ý vì là trợ lý AI đầu tiên có thể xử lý 200.000 ký tự Trung Quốc trong một lần nhập liệu. Sau đó, Moonshot AI thông báo rằng khả năng của Kimi đã được nâng cấp để xử lý tới 2 triệu ký tự Trung Quốc.

ByteDance

Một công ty Trung Quốc khác ra mắt mô hình AI mới trong dịp Tết Nguyên đán 2025 là ByteDance, công ty mẹ của nền tảng chia sẻ video trực tuyến TikTok. Ngày 29/1, công ty giới thiệu Doubao-1.5-pro, phiên bản nâng cấp của mô hình AI chủ lực, với tuyên bố có thể vượt trội hơn mô hình o1 của OpenAI trong một số bài kiểm tra.

Ngoài hiệu suất, các công ty Trung Quốc cũng đang thách thức các đối thủ Mỹ về giá cả. Phiên bản mạnh nhất của Doubao có giá 9 nhân dân tệ (1,25 USD) cho mỗi 1 triệu token, gần bằng một nửa mức giá mà DeepSeek đưa ra cho DeepSeek-R1. So với OpenAI’s o1, giá của Doubao thấp gấp 10 lần.

Tencent

Công ty này được biết đến chủ yếu với các sản phẩm game và ứng dụng nhắn tin WeChat. Nhưng trong những năm gần đây, Tencent cũng đã có nhiều bước tiến về AI. Mô hình chủ lực của công ty là Hunyuan, một công cụ tạo video từ văn bản, mà Tencent cho biết có thể hoạt động ngang bằng mô hình Llama 3.1 của Meta. Một số ước tính cho rằng Hunyuan chỉ cần khoảng 1/10 công suất tính toán mà Meta sử dụng để huấn luyện Llama.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục