Nhiều công ty Nhật Bản dự kiến chuyển chi phí nguyên liệu sang khách hàng

07:00' - 18/07/2021
BNEWS Một khảo sát doanh nghiệp mới đây do hãng tin Reuters thực hiện cho thấy khoảng 2/3 các công ty Nhật Bản dự kiến sẽ để khách hàng gánh bớt chi phí nguyên liệu thô.

Một khảo sát doanh nghiệp mới đây do hãng tin Reuters thực hiện cho thấy khoảng 2/3 các công ty Nhật Bản dự kiến sẽ để khách hàng gánh bớt chi phí nguyên liệu thô, khi thị trường hàng hóa toàn cầu tăng mạnh kéo theo chi phí nhập khẩu và thu hẹp lợi nhuận của họ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn phức tạp.

Theo kết quả cuộc khảo sát kéo dài từ ngày 30/6 đến ngày 9/7 với 503 công ty phi tài chính quy mô lớn và vừa, 15% trong số này có thể chuyển chi phí nguyên liệu thô sang khách hàng và 46% sẽ cân nhắc có động thái tương tự. Tuy nhiên, 39% không thể làm như vậy.

Phần lớn các công ty sẽ giữ nguyên giá các loại hàng hóa và dịch vụ chính của họ ổn định trong nửa cuối năm nay. 45% dự kiến sẽ tăng giá, trong khi chỉ có 3% dự định cắt giảm.

Để so sánh, cuộc khảo sát được thực hiện cách đây một năm cho thấy khoảng 75% công ty sẽ giữ nguyên giá và 17% sẽ cắt giảm giá, trong khi chỉ 8% có kế hoạch tăng giá.

Kết quả khảo sát này báo hiệu các công ty đã dần từ bỏ quan điểm về giá cá được duy trì trong gần hai thập niên giảm phát. Vào giai đoạn đó, các công ty giảm giá hàng hóa và dịch vụ vì lo ngại việc tăng giá sẽ khiến họ mất đi những khách hàng lưu tâm về vấn đề giá cả.

Sự thay đổi này có thể đáng khích lệ đối với các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), những người đang phải "vật lộn" với lạm phát yếu ớt một phần do hành vi thiết lập giá của các công ty và kỳ vọng lạm phát tương ứng của người tiêu dùng.

Khảo sát cũng đề cập hơn 60% công ty ghi nhận chi phí hàng hóa toàn cầu tăng cao, gây áp lực giảm lợi nhuận trong năm tài chính này.

Giá bán buôn của Nhật Bản trong tháng 6/2021 đã tăng 5,0% so với cùng kỳ năm ngoái, "giảm tốc" một chút sau khi tăng ở mức nhanh nhất kể từ tháng 9/2008 là 5,1% trong tháng Năm.

Tuy nhiên, lạm phát giá bán buôn "leo thang" khó có khả năng khiến BoJ sớm hủy bỏ các biện pháp kích thích tiền tệ quy mô lớn. Vì sau nhiều năm in tiền liên tục, BoJ cũng không thể thúc đẩy lạm phát đạt ngưỡng mục tiêu 2%.

Gần 75% công ty phi tài chính tham gia khảo sát nhận thấy chính sách lãi suất cực thấp của BoJ có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động kinh doanh của họ. Khi được hỏi BoJ nên giữ chính sách tiền tệ nới lỏng hiện thời trong bao lâu, chỉ 6% kêu gọi ngân hàng trung ương chấm dứt ngay lập tức. Trong khi đó, 39% kêu gọi tiếp tục kéo dài thêm 1-2 năm, 26% kỳ vọng kéo dài 3-4 năm và 29% muốn giữ nguyên cho đến khi nền kinh tế đạt mức lạm phát 2%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục