Nhiều địa phương đưa “ATM gạo” vào hoạt động, hỗ trợ người dân khó khăn

13:57' - 18/04/2020
BNEWS Từ thành công của mô hình "ATM gạo" đầu tiên tại Tp Hồ Chí Minh, đến nay, mô hình này đã lan toả ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

* Sáng 18/4, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã có hai địa điểm bắt đầu cấp phát gạo cho người có khó khăn ở địa phương bằng hình thức cây "ATM gạo". Bà con đến nhận gạo xếp hàng giữ khoảng cách 2 mét, đeo khẩu trang, được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay bằng máy tự động…

Cụ thể, điểm cấp phát gạo thứ nhất đặt tại Trường Tiểu học Phước Tiến, thành phố Nha Trang, do Hội Chữ thập đỏ thành phố và nhóm cựu học sinh Khánh Hòa tổ chức, trong sáng 18/4 đã phát được 2 tấn gạo. Việc phát gạo thực hiện từ 8 giờ đến 11 giờ và từ 14 giờ đến 16 giờ 30 phút hằng ngày. Đối với trường hợp là người khuyết tật, ngồi xe lăn có tình nguyện viên trao gạo tận tay.

Ông Lê Quốc Thịnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Nha Trang cho biết, với sự hỗ trợ của nhóm cựu học sinh Khánh Hòa, đơn vị tổ chức chương trình “ATM gạo” để phục vụ những người có hoàn cảnh khó khăn trong dịch COVID-19.

Ban đầu chương trình huy động được 10 tấn gạo, với sự hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân, các nhà hảo tâm, số gạo chuẩn bị cấp phát lên đến trên 30 tấn. Đặc biệt, chiều 17/4, đại diện cán bộ, quân và dân huyện đảo Trường Sa đã đến thăm và đóng góp vào chương trình 1 tấn gạo. 

Điểm cấp phát gạo thứ hai do UBND phường Phương Sài, thành phố Nha Trang tổ chức. Cây “ATM gạo” này không chỉ phát gạo cho bà con khó khăn của địa phương mà mở rộng ra cả thành phố. Tính đến sáng 18/4, điểm phát gạo này đã tiếp nhận 7 tấn gạo ủng hộ và tổ chức phát cho người dân từ 8 giờ sáng, buổi chiều bắt đầu từ 14 giờ.

Ông Huỳnh Quang Tú, Chủ tịch UBND phường Phương Sài cho biết: Máy “ATM gạo” do các mạnh thường quân tài trợ và lắp đặt, hoàn toàn cảm biến, không tiếp xúc trực tiếp với người nhận gạo nên an toàn khi sử dụng.

* Sáng 18/4, tại khu vực tổ 16, khóm Bình Đức 5, phường Bình Đức, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, mô hình “ATM gạo” miễn phí đầu tiên trên địa bàn tỉnh An Giang đã đi vào hoạt động nhằm đưa những “hạt gạo nghĩa tình” đến với những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch COVID-19.

Anh Lê Hải Tùng, chủ nhân mô hình “ATM gạo” miễn phí đầu tiên tại tỉnh An Giang chia sẻ, tôi thấy mô hình này triển khai ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Hội rất thiết thực, mang lại hiệu ứng xã hội rất tốt; đặc biệt, mô hình này giúp được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, tôi đã nảy sinh suy nghĩ triển khai mô hình này ở An Giang nhằm góp một phần nhỏ bé của mình cùng với cả nước và tỉnh An Giang chung tay đẩy lùi dịch COVID-19.

Nghĩ là làm, anh Tùng đã liên hệ với đơn vị chế tạo “ATM gạo” đầu tiện tại Thành phố Hồ Chí Minh đặt mua 1 máy với giá 30 triệu đồng, sau đó, để giảm chi phí, anh Tùng tự lái xe tải của gia đình vận chuyển “ATM gạo” từ  Thành phố Hồ Chí Minh về Long Xuyên (An Giang) và cho lắp đặt ngay tại cửa hàng mua bán xe cơ giới của gia đình, thuộc tổ 16, khóm Bình Đức 5, phường Bình Đức, thành phố Long Xuyên.

Theo anh Tùng, “ATM gạo” miễn phí này được cài đặt tự động ở các chế độ từ 1,5 đến 2kg gạo/lần. Thời gian nhận gạo, sáng từ 8 giờ đến 10 giờ và chiều từ 14 đến 16 giờ tất cả các ngày trong tuần. Do máy được cài đặt chương trình nhận diện bằng vân tay, nên người đến nhận gạo chỉ cần chạm tay vào nút tròn được thiết kế ở ngay phía trên bục nhận gạo thì gạo sẽ tự động chảy ra.

Người dân khi đến nhận gạo phải xếp hàng đúng cự ly theo các vị trí đã vẽ sẵn, đồng thời phải mang khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch rửa tay khô được bố trí ngay tại bàn nhận túi đựng gạo, nếu ai không tuân thủ các quy định trên thì máy sẽ ngừng hoạt động.

“Để đảm bảo vấn đề an toàn trong phòng dịch, gia đình và phía chính quyền địa phương đã đưa ra quy định về thời gian nhận gạo, nhưng nếu như bà con có nhu cầu và đến không đúng thời gian như đã thông báo thì “ATM gạo” vẫn sẽ phát gạo cho bà con; “ATM gạo” này sẽ phát gạo miễn phí cho tất cả người dân có nhu cầu, không phân biệt thành phần, khu vực sinh sống, mỗi lần nhận sẽ được từ 1,5 đến 2kg gạo.

Hiện nguồn gạo để cung cấp cho máy vận hành do gia đình và bạn bè thân quen ủng hộ. Trước mắt, gia đình sẽ duy trình mô hình "AMT gạo" miễn phí này ít nhất trong vòng một năm, để có thể giúp đỡ được thật nhiều bà con nghèo trên địa bàn tỉnh An Giang”- anh Tùng khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Vẹn, nhà ở khóm Bình Đức 5, phường Bình Đức, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang - một trong những người đến xếp hàng nhận gạo sớm nhất xúc động chia sẻ, nhà có 2 vợ chồng già gần 90 tuổi, trước đây ông đi bán vé số, bà ở nhà nấu cơm, từ khi xuất hiện dịch bệnh, nhà nước tạm ngưng phát hành vé số, ông bà sống nhờ vào sự giúp đở, hỗ trợ của bà con xung quanh. Nay có máy phát gạo miễn phí này ông rất vui và phấn khởi, vì nó sẽ giúp ông và nhiều bà con nghèo khác vơi đi phần nào khó khăn trong thời điểm hiện nay.

Đang cẩn thận đặt túi gạo vừa nhận được vào giỏ chiếc xe đạp “cà tàng”, chị Hồ Thị Mai, nhà ở tổ 10, phường Bình Đức 5, thành phố Long Xuyên (An Giang) tâm sự, hai vợ chồng chị làm công nhân ở một cơ sở nhỏ, do dịch bệnh nên cơ sở phải tạm nghỉ, 2 vợ chồng mất việc làm, nên cuộc sống rất khó khăn, giờ có máy phát gạo tự động này sẽ giúp gia đình chị “cầm cự” được một thời gian nữa, chờ qua dịch bệnh, sẽ đi kiếm việc làm lại.

Nói về mô hình "AMT gạo" của anh Lê Hải Tùng, ông Nguyễn Tiếc Hùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang cho biết, Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang rất ủng hộ những mô hình thiện nguyện mang tính cộng đồng của các tổ chức, cá nhân nhằm hỗ trợ, chăm lo cho người nghèo gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Về phía Mặt trận, thời gian tới sẽ tiếp tục vận động các nhà hảo tâm cùng chung tay hỗ trợ gạo cho mô hình này, để cây “ATM gạo” miễn phí này có thể duy trì lâu nhất có thể.

Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Long Xuyên và Ủy ban nhân dân phường Bình Đức cũng tích cực hỗ trợ anh Tùng trong việc bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, tiến hành làm mái che ở khu vực phát gạo giằm đảm bảo sức khỏe cho bà con nhân dân khi đến nhận gạo.

* Sáng 18/4, cây “ATM gạo” đầu tiên tại Hải Phòng đã khởi động nhằm chia sẻ, giúp đỡ những người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Niềm vui là điều dễ nhận thấy đối với những hộ gia đình đến nhận gạo tại cây “ATM gạo”.

Địa điểm đặt cây "ATM gạo" tại cửa tòa nhà CPN trên đường Lê Hồng Phong được Quận đoàn Ngô Quyền phối hợp với Công ty Cổ phần thương mại vận tải Việt Nam (CPN) và Tổ chức IT Hải Phòng tổ chức chương trình “ATM gạo miễn phí” với thông điệp “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đây là chương trình đầu tiên được tổ chức tại Hải Phòng.

Phó Bí thư Quận đoàn Ngô Quyền Nguyễn Long Khánh cho biết, chương trình được tổ chức nhằm hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Mỗi người dân đến với chương trình được nhận 3 kg gạo/người/lần/ngày.

Gạo được phát 2 lần/ngày, sáng từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30, chiều từ 13 giờ 30 đến 17 giờ. Nguồn gạo được quyên góp từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm. Hiện, nguồn gạo chương trình đang tiếp nhận khá dồi dào.

Bà Lê Thị T., tổ dân phố số 17, cụm 3 Đông Khê, quận Ngô Quyền cho biết, tôi là hộ đơn thân, năm nay 65 tuổi, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhận được phần gạo này gia đình chúng tôi rất vui vì bớt đi được phần nào khó khăn trong những ngày chống dịch.

Dự kiến chương trình kéo dài đến ngày 30/4 hoặc lâu hơn, tùy theo diễn biến dịch bệnh. Trong quá trình phát gạo, để bảo đảm trật tự và an toàn phòng dịch, Ban tổ chức chương trình tổ chức điểm gửi xe, phát phiếu gạo, yêu cầu người dân xếp hàng giãn cách 2m. Đồng thời, mọi người dân đều phải đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào lấy gạo tại cây “ATM gạo miễn phí”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục