Nhiều doanh nghiệp cao su “bối rối” khi xây dựng kế hoạch kinh doanh 2020

14:29' - 13/06/2020
BNEWS Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) vừa tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 với việc thông qua nhiều nội dung quan trọng.

Mặc dù lên kế hoạch tăng trưởng khá so với năm trước đó, tuy nhiên nhiều công ty cao su vẫn lo lắng về khả năng đạt được kế hoạch trong năm 2020, do tình hình dịch bệnh COVID-19, giá cả mủ cao su… còn nhiều diễn biến khó lường.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) vừa tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 với việc thông qua nhiều nội dung quan trọng.

Theo đó, trong năm 2020, VRG đặt mục tiêu tổng doanh thu và thu nhập hợp nhất trong năm 2020 là 24.647 tỷ đồng, tăng 7,7% so với thực hiện năm 2019. Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế hợp nhất 4.961 tỷ đồng, tăng 6,57%. Tập đoàn dự kiến tỷ lệ chia cổ tức 6%, nộp ngân sách 950 tỷ đồng và thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

Dù đặt kế hoạch tăng trưởng khá, song VRG cũng dự báo năm 2020 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn, thách thức đối với ngành cao su. Bên cạnh những yếu tố về thời tiết, giá bán chưa có dấu hiệu phục hồi, năm nay ngành cao su còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19.

Theo lãnh đạo VRG, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 của Tập đoàn được xây dựng cuối năm 2019 và đã được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thỏa thuận. Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.

Đến nay, tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế thế giới và khả năng tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của Tập đoàn chưa có cơ sở để dự báo. Do vậy, việc xây dựng và trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 sát hợp tình hình hiện nay là rất khó khăn.

Với thực tế đó, Đại hội đồng cổ đông đã ủy quyền cho Hội đồng quản trị của Tập đoàn được phép điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 phù hợp tình hình thực tế, trên tinh thần phấn đấu tối đa để đạt hiệu quả cao nhất cho Tập đoàn và cho cổ đông.

Không chỉ riêng "đại gia" đầu ngành cao su lo ngại việc thực hiện kế hoạch kinh doanh trong 2020 gặp nhiều khó khăn, mà các doanh nghiệp nhỏ hơn cũng "chật vật" khi xây dựng kế hoạch sản xuất sao cho sát với thị trường hiện nay.

Mới đây, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 tổ chức ngày 12/6, Công ty cổ phần Cao su Thống Nhất (TRC) đặt mục tiêu tổng doanh thu và thu nhập khác trong năm 2020 sẽ là 121,5 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế dự kiến là 53 tỷ đồng, tăng gần 40%.

Tuy nhiên lãnh đạo TRC cũng nhận định, hiện nay hoạt động xuất nhập khẩu mủ cao su, gỗ cao su… đều bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, giá dầu giảm sâu đã tác động tiêu cực lên giá cao su thiên nhiên, xu thế dùng cao su tổng hợp thay cao su liên nhiên gia tăng đã khiến giá cao su thiên nhiên trong quý I/2020 giảm mạnh. Tại Công ty, tình hình sản lượng, năng suất vườn cây cao su dự tính sẽ giảm so với 2019.

Do vậy, dù đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2020 và Công ty cũng ghi nhận doanh thu thuần tăng gấp đôi cùng kỳ, lên hơn 12 tỷ đồng trong quý I/2020, song lãnh đạo Công ty cho biết, kế hoạch sản xuất kinh doanh trên chỉ đạt được trong điều kiện giá bán bình quân của sản phẩm mủ cao su đạt kế hoạch. Trong trường hợp có thay đổi về giá bán bình quân và sản lượng tiêu thụ thì các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh sẽ thay đổi. Đại hội cổ đông đã giao cho ban giám đốc công ty căn cứ theo thực tế thị trường và giá bán tại các đơn vị cùng quy mô để quyết định kế hoạch kinh doanh cho phù hợp.

Tại Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC), kế hoạch kinh doanh 2020 được ban lãnh đạo xây dựng, cân nhắc theo hướng thận trọng. Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, DRC đặt mục tiêu doanh thu thuần trong năm nay là 4.062 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2019. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế chỉ 280 tỷ đồng, giảm 11% so với năm trước đó.

Theo DRC, mặc dù các Hiệp định thương mại được ký kết giữa Việt Nam và các nước sẽ tạo cơ hội để sản phẩm cao su thâm nhập sâu hơn vào thị trường, tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng, doanh thu bán hàng giảm mạnh từ tháng 4/2020.

Tại thị trường nội địa, doanh thu tiêu thụ của công ty bị giảm mạnh từ giữa tháng 3/2020. Các doanh nghiệp lắp ráp dừng lấy hàng, các nhà phân phối chỉ hoạt động cầm chừng nên lượng bán hàng đã giảm trên 50%.

Đối với hoạt động xuất khẩu, việc nhiều nước tạm dừng đóng cửa hoặc giảm các hoạt động giảm thương mại trong thời gian qua đã làm cho sản lượng tiêu thụ và kim ngạch xuất khẩu giảm trầm trọng. Thêm vào đó, hàng loạt nước có đồng tiền bị mất giá làm cho các nhà nhập khẩu gặp khó khăn đã đề nghị DRC giảm giá để hỗ trợ bán hàng. Do vậy, đến nay, thị trường xuất khẩu chỉ duy trì được khoảng 30-40% sản lượng tiêu thụ.

Mặt khác, cũng theo DRC, cung của ngành lốp hiện hầu như không bị ảnh hưởng, do các doanh nghiệp đã dự trữ đủ vật tư cho sản xuất cả quý II/2020. Từ đó dẫn tới một cuộc cạnh tranh khốc liệt về giảm giá bán giữa các nhà cung cấp trong khi sản lượng bán ra vẫn giảm, làm cho hiệu quả sản xuất kinh doanh của DRC giảm sút.

Thực tế báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su của cả nước đạt 335.000 tấn với 464 triệu USD, giảm mạnh tới 31,7% về khối lượng và giảm 30,4% về giá trị so với cùng kỳ.

Trong khi đó, quý II/2020 là giai đoạn bắt đầu mùa thu hoạch cao su tại các nước Đông Nam Á, nhu cầu cao su tự nhiên từ các nước tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu ở mức thấp và giá dầu thô giảm kỉ lục sẽ gây áp lực đối với giá cao su tự nhiên.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong ngắn hạn, xuất khẩu cao su của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do tình hình dịch COVID-19 lan khắp thế giới, mối lo ngại về sự suy thoái toàn cầu đang diễn ra, làm giảm cơ hội mở rộng thị trường của cao su Việt Nam. Bên cạnh đó, do ngành sản xuất xe hơi suy giảm, dẫn đến sự đình trệ của sản xuất lốp xe. Điều này sẽ kéo theo nhu cầu về cao su giảm mạnh cùng với giá dầu trong xu thế giảm, gián tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu về cao su của thế giới trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, việc DRC phải giảm mục tiêu lợi nhuận trong năm 2020 hay VRG, TRC phải chuẩn bị cho phương án dự phòng là điều dễ nhận thấy. Tại thời điểm này, hầu hết các công ty tập trung vào việc tái cấu trúc bộ máy, tiếp tục đổi mới, linh hoạt trong sản xuất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng ổn định để đáp ứng kịp thời khi thị trường có nhu cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục