Nhiều doanh nghiệp định hướng chiến lược phát triển đa ngành

18:08' - 15/07/2022
BNEWS Dựa trên kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh nửa đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh đã công bố chiến lược tạo đà bứt phá trong những tháng cuối năm.

Đồng thời, những doanh nghiệp này cũng mở ra không ít cơ hội cho nhà đầu tư, đối tác trên đường đua mới ở giai đoạn hậu dịch COVID-19.

Cụ thể, chiều ngày 15/7, lần đầu tiên Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đã tổ chức Hội nghị Nhà đầu tư với chủ đề "Cơ hội mới trên đường đua mới", nhằm cập nhật kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành nghề chủ lực. TTC cũng đưa dự báo tiềm năng và triển vọng từ nay đến cuối năm 2022, cũng như chiến lược phát triển từ nay đến năm 2025 của Tập đoàn.

Năm 2022, được xác định thời điểm then chốt đối với toàn bộ chiến lược 5 năm (2021-2025) của TTC, hòa vào dòng chảy của nền kinh tế trong và ngoài nước để nắm bắt xu hướng phát triển chung.

Cùng với nỗ lực tăng tính minh bạch và tuân thủ, gia tăng giá trị vốn hóa thị trường của 4 Tổng công ty đã niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), TTC còn liên tục cải thiện hoạt động quản trị, kiểm soát, điều hành những công ty thuộc đa dạng lĩnh vực như bất động sản công nghiệp, thương mại, thực phẩm...

Cụ thể, ở lĩnh vực nông nghiệp, TTC đang dẫn đầu thị trường với mức chiếm 46% thị phần ngành đường Việt Nam, cung cấp hơn 1 triệu tấn đường thành phẩm mỗi năm.

Ở lĩnh vực năng lượng, Công ty cổ phần điện Gia Lai (GEC) thuộc TTC đã sở hữu 21 nhà máy thủy điện, điện mặt trời và điện gió với tổng công suất gần 600 MWp; trong đó tổng đầu tư điện mặt trời và điện gió trên 11.100 tỷ đồng.

Với tổng tài sản 10.000 tỷ đồng, lĩnh vực bất động sản TTC sở hữu nhiều dự án, sản phẩm, dịch vụ như bất động sản thương mại, bất động sản du lịch, bất động sản công nghiệp... Riêng ở lĩnh vực du lịch, TTC sở hữu gần 20 điểm đến tại nhiều tỉnh, thành du lịch trọng điểm của cả nước.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Thương mại Thành Thành Công (TTC Trading) thuộc TTC cung ứng sản phẩm phục vụ thị trường trong và ngoài nước; sở hữu Công ty TTC Logistics với mạng lưới xe, kho... Hơn thế nữa, trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, Tổng công ty bất động sản Công nghiệp Thành Thành Công (TTC IZ) sở hữu khu công nghiệp Thành Thành Công, Tân Kim và cụm công nghiệp Tân Hội.

Vừa qua, TTC cũng hoàn tất giao dịch mua lại Trường Đại học và Trung học phổ thông Yersin Đà Lạt và đây là bước khởi đầu để tái lập ngành giáo dục. Hiện nay, TTC mở rộng lựa chọn mô hình tổ chức công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp hiện hành.

Theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC, khi “hoàng hôn COVID-19” đang đến gần, TTC dường như có đầy đủ mọi điều kiện thuận lợi nhất để phục hồi và phát triển. Song song đó, TTC sẽ tái cấu trúc các công ty, gồm: TTC Land, TTC Phú Quốc, TTC IZ... hướng đến tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và mang lại hướng phát triển bền vững cho Tập đoàn.

Xu thế hội nhập quốc tế đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng những yêu cầu quản trị theo chuẩn mực tiên tiến, đồng thời mở ra nhiều cơ hội có thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, trong định hướng chiến lược của mình, TTC cũng có một số thay đổi phù hợp trong tình hình hiện tại, đảm bảo thích ứng với quá trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam.

Cùng ngày, Tập đoàn Thế Giới Di Động công bố chào mừng cột mốc 500 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc An Khang phủ sóng rộng khắp cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Thông qua sự kiện, Tập đoàn này cũng tung ra chiến lược mở rộng hệ thống bán lẻ và kế hoạch phát triển đa dạng thương hiệu bán lẻ ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề tại thị trường nội địa.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Công ty cổ phần Thế Giới Di Động cho hay, sau dịch COVID-19, thị trường bán lẻ dược phẩm cho thấy sự khởi sắc và ngày càng trở nên sôi động với sức mua tăng cao.

Vì vậy, An Khang liên tục đẩy mạnh mở rộng mạng lưới cửa hàng trên toàn quốc từ đầu năm 2022 đến nay, riêng từ cuối tháng 5/2022 đến nay trong mỗi tháng hệ thống mở mới trên dưới 100 cửa hàng.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em cũng cho biết thêm, Thế Giới Di Động đã thực hiện đồng bộ hàng loạt thay đổi đối với chuỗi nhà thuốc An Khang, từ nhận diện thương hiệu thống nhất sang màu xanh - trắng trẻ trung... cho đến thiết kế, vận hành cửa hàng theo không gian mở với diện tích trung bình 40m2...

Đồng thời, An Khang được đảm bảo nguồn thuốc đầy đủ, đa dạng hóa các loại thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm… đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng.

Kết quả này đạt được, cũng là nhờ sau thời gian khảo sát và thử nghiệm một số mô hình kinh doanh mới, Thế Giới Di Động đã lên kế hoạch và đề ra chiến lược phát triển An Khang với tham vọng vươn lên dẫn đầu thị trường bán lẻ dược phẩm. Tốc độ mở chuỗi của An Khang đang vượt qua kỳ vọng ban đầu của Ban Giám đốc và dự báo có thể hoàn thành sớm kế hoạch 800 cửa hàng trong năm 2022.

Trước đó, tham gia cuộc đua nước rút trên thị trường chăm sóc sức khỏe cá nhân, nhất là nhóm sản phẩm mẹ và bé, AVAKids - chuỗi cửa hàng mẹ và bé thuộc Thế Giới Di Động cũng đã tung ra chiến lược bài bản trong hoạt động bán lẻ và chiếm lĩnh thị phần nội địa.

Mặc dù là tân binh mới, nhưng sau 5 tháng tham gia thị trường, AVAKids đạt cộc mốc 50 siêu thị vào đầu tháng 6/2022 và từng bước khẳng định được thương hiệu trong lĩnh vực mới, cũng như tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

Chuỗi cửa hàng AVAKids phổ biến có quy mô khoảng 300m2, nhiều tiện ích và chủng loại mặt hàng, với trọng tâm là sữa, quần áo, đồ chơi trẻ em; sản phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân, hóa mỹ phẩm... đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của người tiêu dùng. Hiện AVAKids đang tập trung mở rộng chuỗi trên toàn Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Thế Giới Di Động, còn công bố định hướng đạt mục tiêu mở hơn 200 cửa hàng AVAKids trong năm nay và tiến tới dành ngôi đầu ở thị trường này trong một vài năm tới.

Điều này cho thấy, chiến lược mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới so với những lĩnh vực truyền thống trước đây như điện tử, điện máy; đồng hồ, phụ kiện và thiết bị công nghệ; đồ gia dụng, đồ dùng gia đình... đang tạo được sức bứt phá cho Thế Giới Di Động trong những tháng cuối năm 2022 và tạo đà tăng trưởng cho cả năm nay.

Điển hình trong năm 2022, Thế Giới Di Động cũng đẩy mạnh phát triển chuỗi bán lẻ ủy quyền sản phẩm Apple chính hãng - cửa hàng TopZone như một giải pháp mở ra hướng kinh doanh mới cho những ngành hàng kinh doanh truyền thống.

Tính đến nay, TopZone đã đánh dấu cột mốc 50 cửa hàng, giúp người Việt không còn phải chờ lâu để sở hữu hệ sinh thái Apple chính hãng. Dự kiến, chuỗi cửa hàng TopZone cũng không chỉ dừng lại ở những thành phố lớn mà còn mở rộng ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước, phục vụ nhu cầu tối đa của người tiêu dùng Việt.

Cùng với bối cảnh kinh tế chung, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ đến tháng 6/2022 vẫn tiếp tục phục hồi, tăng trưởng rất khả quan so với thời gian bị ảnh hưởng dịch bệnh cũng đang góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2022 trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đạt 99.657 tỷ đồng, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 41,1% so với cùng kỳ.

Tính quý II/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đạt 292.097 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ. So với quý I/2022, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố đã tăng 10,5%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục