Nhiều doanh nghiệp Mỹ chịu tổn thất do chính sách tăng thuế của Tổng thống Donald Trump

11:40' - 28/06/2018
BNEWS Hiện chưa rõ tính hiệu quả của chính sách tăng thuế của Mỹ, song những tổn thất và thiệt hại mà doanh nghiệp Mỹ phải hứng chịu đã được thống kê qua nhiều con số cụ thể.
Xếp dỡ hàng hóa tại cảng ở Mỹ. EPA-EFE/ TTXVN

Trong thời gian gần đây, Mỹ quyết định tăng thuế đối với một lượng hàng hóa nhập khẩu nhất định của một số nước, trong đó có Trung Quốc với mục tiêu cân bằng thâm hụt thương mại kéo dài nhiều năm qua. Hiện chưa rõ tính hiệu quả của chính sách này, song những tổn thất và thiệt hại mà doanh nghiệp Mỹ phải hứng chịu đã được thống kê qua nhiều con số cụ thể.

Giám đốc điều hành cảng Los Angeles - cảng hàng hóa số 1 của Mỹ, ông Gene Seroka ngày 27/6 cho biết lượng hàng hóa Trung Quốc cập cảng của Mỹ đã liên tục giảm trong 2 tháng qua với mức giảm lần lượt là 3,8% trong tháng 4 và 8,7% trong tháng 5.

Theo ông Seroka, chính sách tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ có thể ảnh hưởng đến 15% hoạt động lưu thông hàng hóa của cảng biển này khi chinh sách thuế quan mới chính thức có hiệu lực từ ngày 6/7 tới.

Điều này cũng sẽ tác động đến thị trường việc làm tại bang California, nơi hoạt động cảng biển tạo ra hơn 1 triệu việc làm trong tổng số 2,7 triệu lao động làm việc tại cảng biển trên toàn nước Mỹ.

Theo số liệu thống kê của Chính phủ Mỹ, trong năm 2017, Los Angeles là cảng hàng hóa số 1 của Mỹ với tổng lượng giá trị hàng hóa lưu thông tại đây đạt 284 tỷ USD, trong đó, tổng giá trị hàng hóa giao thương trực tiếp với Trung Quốc đạt 145 tỷ USD.

Tuần trước, công ty vận tải biển lớn thứ 2 trên thế giới MSC thông báo từ ngày 4/7 sẽ dừng khai thác một trong những dịch vụ vận tải trên Thái Bình Dương mà hãng này đang vận hành cùng Maersk - công ty vận tải biển lớn nhất thế giới - do môi trường vận hành có nhiều trở ngại liên quan đến hoạt động thông thương xuyên Thái Bình Dương.

Cũng trong ngày 27/6, giới truyền thông Mỹ đã công bố báo cáo cho thấy căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và các đối tác chủ chốt đã tác động tiêu cực đến ngành sản xuất sữa ở bang Wisconsin của nước này.

Theo đó, giá bán buôn các sản phẩm bơ và pho-mát đồng loạt giảm giá trong vài tuần qua sau khi Mexico, Canada, Trung Quốc và Liên minh châu Âu công bố quyết định tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ.

Theo ông Pete Hardin - chuyên gia trong ngành sữa có trụ sở ở Wisconsin, nguồn thu từ ngành sữa ở địa phương này có thể giảm 20% mỗi tháng trong thời gian ngắn hạn. Ông cho rằng đây là sự sụp đổ lòng tin của thị trường thế giới.

Khoảng 90% sản lượng sữa ở Wisconsin phục vụ sản xuất pho-mát và chỉ 10% lượng pho-mát sản xuất được xuất khẩu sang các nước khu vực trung tâm phía Bắc châu Mỹ, trong đó Mexico.

Một số công ty sản xuất sữa ở Wisconsin thông báo các khách hàng của họ tại Mexico đã thông báo tạm dừng đơn đặt hàng cho đến khi họ hoàn tất phân loại hàng hóa chịu thuế từ 15 đến 23% theo chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Theo báo cáo của bang Wisconsin, trong năm 2017, có 500 trang trại sữa ở địa phương này ngừng hoạt động, và từ đầu năm 2018 đến nay, khoảng 150 trang trại đã ngừng nuôi bò sữa, khiến số lượng bò được chăn nuôi tại bang này đã giảm khoảng 20% so với 5 năm trước đây, chỉ còn 7.600 con.

Theo giới phân tích, các biện pháp trả đũa thuế quan của cả Washington và Bắc Kinh chưa có hiệu lực, song việc 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đắm chìm trong "cuộc đấu giữa các cường quốc" không chỉ gây tổn hại cho cả hai mà còn tác động bất lợi đến nền kinh tế toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục