Nhiều dự án chậm tiến độ gây lãng phí tài nguyên đất tại huyện Lương Sơn, Hòa Bình

09:20' - 23/08/2022
BNEWS Hiện nay, địa bàn huyện Lương Sơn (Hòa Bình) có rất nhiều dự án chậm tiến độ, dự án xây dựng sai phạm kéo dài...

Đáng nói, những dự án xây dựng sai phạm trong thời gian dài, dự án chưa đủ điều kiện xây dựng hạ tầng, huy động vốn, chuyển nhượng, rao bán trong nhiều năm nhưng chính quyền địa phương đang loay hoay chưa tìm ra cách để giải quyết triệt để.

Điều này dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, ảnh hưởng trực tiếp đến các kế hoạch phát triển kinh tế, chất lượng môi trường đầu tư của tỉnh.

* Dự án sai phạm và sự buông lỏng quản lý

Việc quản lý đất đai, xử lý sai phạm về xây dựng, chậm tiến độ, các dự án "ma" trong nhiều năm qua vẫn là một “bài toán khó” đối với chính quyền huyện Lương Sơn nói riêng, tỉnh Hòa Bình nói chung. Dù đã có nhiều phản ánh từ người dân, đơn vị, các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên, các dự án vi phạm vẫn tồn tại, thách thức chính quyền và câu chuyện nhắc đến vấn đề này vẫn chỉ là “có sai thì sửa”.

Đầu năm 2022, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình công bố danh sách 8 dự án chưa được cấp phép đầu tư, không đủ điều kiện huy động vốn và kinh doanh bất động sản thì có tới 4 dự án nằm trên địa bàn huyện Lương Sơn bao gồm: Green Oasis Hòa Bình, Beverly Hill, Vịt Cổ Xanh Ecologe Việt Pháp, Moutain Villa.

Kết luận số 14/KL-TTr của Thanh tra tỉnh Hòa Bình công bố vào tháng 5/2022 cũng chỉ ra những tồn tại sai phạm về xây dựng tại huyện Lương Sơn gồm: Dự án xây dựng Nhà máy gia công đồ gỗ và gia dụng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên tư Tùng Lâm Hòa Bình; Dự án sản xuất cấu kiện bê tông có sẵn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn xây dựng và thương mại Minh Quang Phát; Dự án Nhà máy tái chế dầu Do từ cao su phế thải của Công ty Cổ phần đầu tư và công nghệ An Việt Dự, cả 3 dự án này chưa được cấp phép xây dựng.

Hai dự án khác là Nhà sản xuất gạch tuynel của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Phú Ninh Hòa Bình được Sở Xây dựng cấp phép xây dựng số 105/GPXD ngày 07/12/2017 và Dự án Nhà máy gạch tuylen công nghệ cao Đại Hưng của Công ty Cổ phần Tuylen Đại Hưng được cấp từ năm 2010, đến nay đã hết hạn. Trong quá trình đầu tư, đã thi công xây dựng công trình sai nội dung so với giấy phép xây dựng được cơ quan có thẩm quyền cấp.

Thanh tra Sở Xây dựng Hòa Bình đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng đối với Công ty Cổ phần gạch Tuylen Đại Hưng với số tiền 30 triệu đồng, yêu cầu Công ty dừng ngay việc xây dựng công trình và thực hiện việc xin cấp phép xây dựng lại theo đúng quy định của pháp luật.

 

Dù đã được cơ quan chức năng chỉ rõ là dự án "ma", nhưng các dự án như: Green Oasis Hòa Bình, Beverly Hill, Vịt Cổ Xanh Ecologe Việt Pháp, Moutain Villa… công khai tồn tại trong nhiều năm. Thậm chí biển chỉ dẫn về các dự án này có mặt ở nhiều nơi trên địa bàn huyện Lương Sơn, treo biển, quây rào, xây dựng các công trình kiên cố, hình thành hệ thống hạ tầng trên phần đất sử dụng sai mục đích và từng bước thông tin rao bán các căn hộ, huy động vốn, chuyển nhượng các dịch vụ trong thời gian dài.

Khi được hỏi về thông tin dự án Beverly Hill, bà Lê Thị Hạnh người dân thôn Giếng Xạ, xã Cư Yên (Lương Sơn) cho biết, dự án đã bắt đầu rầm rộ khởi động xây dựng ở địa phương từ nhiều năm nay, dự án đã được giới thiệu, phân lô bán nền và các dịch vụ nghỉ dưỡng trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, người dân không biết những sai phạm của dự án này cho đến khi Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình thông báo về dự án này chưa được cấp phép đầu tư, không đủ điều kiện huy động vốn và kinh doanh bất động sản.

Điều đáng nói, nhiều dự án sai phạm khá rõ ràng nhưng chính quyền huyện Lương Sơn và các sở, ngành liên quan của tỉnh Hòa Bình dường như chậm trễ trong việc giải quyết vụ việc thấu đáo, triệt để, gây thiệt hại về tài sản, lãng phí thời gian qua nhiều năm để xử lý.

Đơn cử như dự án Green Oasis ở thôn Đồng Sầm, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) bị kết luận vi phạm xây dựng từ năm 2020 nhưng đến cuối tháng 3/2022 mới bị cưỡng chế phá dỡ.

Thiếu sát sao, buông lỏng quản lý trong việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lương Sơn về việc sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất cùng với việc chính quyền huyện Lương Sơn cho phép chuyển mục đích sử dụng đất ồ ạt trong những năm trở lại đây đã và đang làm cho nhân dân dần mất lòng tin vào chính quyền, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, làm doanh nghiệp đắn đo khi đầu tư vào tỉnh Hòa Bình.

* Nhiều dự án chậm tiến độ gây lãng phí tài nguyên đất

Tình trạng lãng phí tài nguyên, lãng phí thời gian do chậm tiến độ triển khai xây dựng của các dự án trên địa bàn huyện Lương Sơn tồn tại khá nhiều. Điều này đã ảnh hưởng xấu đến công tác giao đất, cho thuê đất của Nhà nước.

Trong kết luận số 14/KL-TTr của Thanh tra tỉnh Hòa Bình chỉ ra 4 dự án liên quan về đất đai chưa triển khai thực hiện tại huyện Lương Sơn gồm: Dự án Trung tâm Thương mại - Dịch vụ tổng hợp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại Hùng Thoa, được Nhà nước giao đất, cho thuê đất năm 2011 (đến nay dự án vẫn chưa triển khai); Dự án xây dựng trụ sở và cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thương mại và Dịch vụ Phương Đông 2 được Nhà nước giao đất, cho thuê đất năm 2011 (dự án chậm tiến độ 10 năm); Dự án xây gạch block bằng bột đá và xi măng của Hợp tác xã Đại Dương được Nhà nước giao đất, cho thuê đất năm 2013, (dự án chậm tiến độ 9 năm); Dự án của Công ty Cổ phần Falcon Hồng Hà chưa triển khai (dự án chậm tiến độ 10 năm).

Tại huyện Lương Sơn, 4 dự án đã triển khai xây dựng nhưng chậm tiến độ bao gồm: Dự án khu nhà ở sinh thái tại xã Lâm Sơn của Công ty Cổ phần tư vấn và đầu tư đô thị Hòa Bình; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất keo dính vật liệu xây dựng của Công ty Cổ phần đầu tư GMC Group; Dự án xây dựng xưởng cơ khí và sản xuất bao bì của Công ty Trách nhiệm hữu hạn phát triển thương mai và đầu tư Phương Anh; Dự án nhà ăn uống tại xóm Kẽm, xã lâm Sơn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Quý.

Thanh tra tỉnh Hòa Bình đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan, kiểm tra và yêu cầu các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ theo quy định, kiểm tra yêu cầu chủ đầu tư sử dụng đúng mục đích đất đã thuê, xác định lại loại đất để điều chỉnh lại giá cho thuê đất, trường hợp không thực hiện dự án thì kiến nghị thu hồi. Dự án khu nhà ở sinh thái tại xã Lâm Sơn, cần hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục để dự án sớm triển khai thực hiện.

Kết luận thanh tra số 356/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ công bố ngày 4/3/2021, đã chỉ ra tồn tại một loạt các dự án chậm tiến độ tại Hòa Bình trong đó dự án nghỉ ngơi vui chơi giải trí thung lũng Nữ Hoàng tại huyện Lương Sơn của Công ty Cổ phần du lịch thung lũng Nữ Hoàng.

Trên cơ sở kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo sở, ngành liên quan dự án nếu tiếp tục chậm tiến độ, xem xét năng lực nhà đầu tư, xử lý thu hồi dự án theo quy định của pháp luật.

Bà Đinh Thị Hoa (xã Lâm Sơn) một người dân sống ở gần khu du lịch Dự án nghỉ ngơi vui chơi giải trí thung lũng Nữ Hoàng cho biết, dự án đã có nhiều năm nay và hầu như không xây dựng. Khoảng 2-3 năm trước, chúng tôi còn thoải mái ra vào đi dạo tập thể dục vào mỗi buổi chiều. Gần 1 năm trở lại đây, dự án bắt đầu treo biển "quyết tâm hoàn thành tiến độ" và đang xây cải tạo cổng vào, sơn sửa lại và chắn barie có bảo vệ trông không cho chúng tôi vào nữa.

Trao đổi với phóng viên, ông Doãn Quang Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình cho biết, đối với dự án thung lũng Nữ Hoàng, UBND tỉnh đã chấp thuận từ năm 2003 và năm 2004 được giao đất và cho thuê đất. Sở Tài nguyên và Môi trường chưa nhận được văn bản hay quyết định nào về việc chậm tiến độ theo giấy phép đầu tư đã được phê duyệt. Ông Doãn Quang Hưng đề nghị, cần thiết thành lập một tổ công tác liên ngành rà soát lại toàn bộ việc thực hiện các thủ tục về đầu tư, đất đai và xây dựng của các dự án trên địa bàn các huyện của tỉnh Hòa Bình.

Luật Đất đai năm 2013 quy định đối với một dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo. Thực tế cho thấy, địa bàn huyện Lương Sơn đang có nhiều dự án “ôm đất” dù đã quá thời hạn triển khai xây dựng cả chục năm vẫn chưa bị thu hồi, trong đó, có những dự án chậm triển khai tiếp tục được gia hạn không chỉ một lần mà còn nhiều lần.

Theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện PCI Hòa Bình 2021, hầu hết các chỉ số thành phần của huyện Lương Sơn luôn đứng ở nhóm thấp đặc biệt ở các chỉ số liên quan đến minh bạch thông tin, tiếp cận đất đai, dịch vị hành chính công và bộ phận một cửa…

Chỉ số thành phần minh bạch trong tiếp cận thông tin và đối xử công bằng của huyện Lương Sơn chỉ đạt 6.24 thấp nhất so với tất cả các huyện thành phố tỉnh Hòa Bình. Đây là điểm số thể hiện khả năng các đối tượng kinh doanh có thể tìm hiểu, tiếp cận đến những kế hoạch và văn bản pháp lý mang tính chất công khai của huyện, thành phố, sở, ngành mà cần thiết cho hoạt động kinh doanh.

Về chất lượng dịch vụ công và bộ phận một cửa, huyện Lương Sơn chỉ đạt được điểm số 7.29 đứng thứ 7/10 huyện thành phố. Đất đai là một lĩnh vực quản lý Nhà nước quan trọng. Ở hai chỉ số “Tiếp cận đất đai” và “Mức độ thuận lợi, đảm bảo theo quy định pháp luật khi cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện các thủ tục hành chính, giải quyết công việc về đất đai”, Lương Sơn vẫn là một trong các huyện có điểm số thấp nhất.

Quỹ đất của huyện Lương Sơn vẫn còn nhiều tiềm năng, hạ tầng kinh tế ngày càng được hoàn thiện, mạng lưới giao thông kết nối vùng miền thuận lợi, cùng với đó thì sự cầu thị trong các chính sách, chủ trương thu hút đầu tư, thuận lợi ở các khâu giải quyết thủ tục hành chính, thông tin về đất đai một cách minh bạch và công bằng… Thiết nghĩ, với những lợi thế như vậy, chính quyền huyện cần phải phát huy, nắm bắt thời cơ để phát triển, tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cùng với đó, chính quyền huyện Lương Sơn cần sớm có những giải pháp tăng cường quản lý, giám sát trong sử dụng đất đai một cách hiệu quả, tránh tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường đầu tư trong mục tiêu chung hướng đến năm 2030 tỉnh Hòa Bình sẽ thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050 sẽ trở thành tỉnh phát triển trong cả nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục