Nhiều giải pháp đồng bộ khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3

17:57' - 09/09/2024
BNEWS Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, hiện hoàn lưu bão số 3 còn đang rất phức tạp nên nguy cơ thiệt hại vẫn còn.

Tại cuộc họp thông tin về một số giải pháp trước mắt khắc phục sản xuất nông nghiệp sau cơn bão số 3 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 9/9, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, hiện hoàn lưu bão còn đang rất phức tạp nên nguy cơ thiệt hại vẫn còn. Để đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm trước, trong và sau Tết, duy trì xuất khẩu, tăng trưởng, đảm bảo CPI và đời sống nhân dân, các giải pháp khôi phục sản xuất cần rất đồng bộ.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hiện còn 85.000 ha lúa bị ngập úng, Cục Thủy lợi chỉ đạo các đợn vị huy động toàn bộ nhân, vật lực để bơm tiêu úng. Với việc huy động các trạm bơm hoạt động hết công suất thì trong 1 - 2 ngày tới, lúa sẽ được khôi phục, thiệt hại sẽ không lớn. Những diện tích lúa không phục hồi được sẽ chuẩn bị cho sản xuất vụ Đông, vụ Đông Xuân.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu, Cục Thủy lợi cần có các kịch bản trước tình hình nước trên các sông lên cao, gây khó khăn cho tiêu úng.

Với 22.000 ha rau màu bị thiệt hại, thời vụ loại cây trồng này ngắn, Cục Trồng trọt chỉ đạo khôi phục sớm. Đi kèm với đó là Cục Bảo vệ thực vật với các giải pháp phòng trừ dịch bệnh hại trên đồng ruộng, đảm bảo hiệu quả sản xuất.

 

 Cục Thủy sản sẽ sớm tổ chức hội nghị phục hồi sản xuất; trong đó đặc biệt là về nuôi biển. Trên cơ sở tổng kết cơn bão số 3, sẽ có những tổng kết về kỹ thuật để đảm bảo lồng bè nuôi trồng thủy sản được an toàn trong bão và bền vững.

Chăn nuôi sẽ tập trung cho tăng đàn và tái đàn; kết hợp với thú y phòng bệnh, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho trước, trong và sau Tết.

Theo ông Vũ Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, về thiệt hại nông nghiệp, có 25 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh; gần 124.600 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; trên 22.000 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; gần 6.890 ha cây ăn quả bị hư hại; trên 1.500 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi (tập trung Quảng Ninh 1.000, Hải Dương 300,...); 79 con gia súc, 190.131 con gia cầm (tập trung ở Hải Dương 186.000 gia cầm). Các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.

Theo ông nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, ngành thủy lợi đang tập trung chỉ đạo 2 vấn đề lớn là đảm bảo an toàn đập, hồ chứa và tiêu úng. Các hồ chứa hư hỏng đã chỉ đạo địa phương phải liên tục có người trông coi. Hiện nay chưa xảy ra sự cố nào về hồ chứa.

Về tiêu úng, trước khi bão, các hệ thống thủy lợi đã được chỉ đạo tiêu kiệt để đón mưa bão. Hiện trên 85.000 ha lúa và rau màu đang bị ngập, cần tiêu úng sớm. Cục đang chỉ đạo vận động tối đa phương tiện, máy móc tiêu úng, điển hình hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đang vận hành được tối đa các trạm, máy bơm.

Các địa phương khu vực Bắc Bộ hiện đang vận hành 803 trạm bơm với 2.375 máy bơm. Một số tỉnh, thành phố, khu vực đang tiếp tục khắc phục sự cố mất điện gồm: Hải Dương, Thái Bình. Lãnh đạo các tỉnh đã chỉ đạo khẩn trương khắc phục sự cố để vận hành tiêu nước ngay khi điều kiện cho phép.

“Ngành thủy lợi với tinh thần là chỗ nào tiêu úng được là tiêu úng tối đa. Nếu có đủ điện và không mưa lớn thì trong 2 ngày tới có thể tiêu úng xong”, ông Nguyễn Hồng Khanh chia sẻ.

Qua thống kê và kiểm tra tại một số địa phương, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, bão số 3 khiến lúa ở Đồng bằng sông Hồng bị thiệt hại không đến quá nghiêm trọng. Các địa phương đang khôi phục lúa đổ; trong đó diện tích lúa không khôi phục được không lớn. Diện tích lúa nếu không thể khôi phục được sẽ có hướng dẫn để trồng cây vụ Đông sớm (cây ưa ấm).

“Nếu không có mưa hoàn lưu và với tình hình tiêu úng trên sẽ cơ bản cứu được lúa ở Đồng bằng sông Hồng. Còn ở các tỉnh phía Bắc, hoàn lưu bão rất lớn, kéo dài nên nguy cơ thiệt hại khó lường”, ông Nguyễn Như Cường thông tin.

Về thiệt hại cây ăn quả, ông Nguyễn Như Cường cho biết, có 2 loại cây ăn quả phục vụ thị trường Tết là cây có múi và chuối bị thiệt hại rất lớn.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cũng thông tin, sau khi dựng lại lúa bị đổ, dầy trên lúa rất dễ bùng phát. Địa phương, nông dân cần theo dõi sát sao để phòng trừ bệnh sớm. Nông dân không được bón thêm phân đạm làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Chăn nuôi hiện thiệt hại không lớn, song theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, nguy cơ dịch bệnh thông thường cuối năm rất lớn, thêm bão lũ đợt này, Cục Thú y đã chỉ đạo tăng hóa chất, sát trùng và vaccine phòng dịch bệnh.

Trước nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan sau đợt mưa, lũ này, ông Nguyễn Văn Long cho biết, các địa phương cần tổ chức thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ngay sau khi đợt mưa, lũ. Các địa phương tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho gia súc, gia cầm; giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục