Nhiều hãng ô tô hàng đầu thế giới lo ngại tình trạng thiếu chip sẽ kéo dài

14:45' - 07/09/2021
BNEWS Các hãng sản xuất ô tô hàng đầu thế giới, gồm có Ford, Volkswagen (VW) và Daimler, vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu.

Tại triển lãm ô tô Munich (Đức) ngày 6/9, Giám đốc điều hành (CEO) Volkswagen Herbert Diess, CEO Daimler Ola Kallenius đều cho rằng rất khó để biết khi nào tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn sẽ được khắc phục.

CEO Diess cho biết Volkswagen, nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu, bị mất thị phần tại Trung Quốc do thiếu chip bán dẫn.

Ông cho hay các đồng nghiệp ở Trung Quốc đang tìm nhiều cách để có được nhiều chất bán dẫn hơn nữa, và ông miêu tả việc thiếu chip bán dẫn là “mối quan tâm thực sự lớn”.

Volkswagen, có trụ sở chính tại Wolfsburg, hy vọng tình hình chất bán dẫn được cải thiện sau kỳ nghỉ Hè, nhưng điều đó đã không xảy ra. Đợt bùng phát dịch COVID-19 tại Malaysia, nơi mà nhiều nhà cung cấp của Volkswagen đặt trụ sở, đã khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa.

Ông Diess tin rằng tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn sẽ bắt đầu được đẩy lùi khi các quốc gia giảm số ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, ông cho rằng tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn vẫn sẽ diễn ra trong một thời gian nữa.

Ông nói: “Chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn chung bởi Internet vạn vật phát triển quá nhanh nên sẽ có những hạn chế mà chúng ta sẽ cần cố gắng khắc phục”.

Trong khi đó, ông Gunnar Herrmann, một quan chức của Ford Germany, ước tính tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn có thể sẽ kéo dài đến năm 2024, đồng thời cho rằng rất khó để xác định chính xác thời điểm kết thúc tình trạng này.

Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn được cho là càng trở nên trầm trọng hơn khi ngành công nghiệp chuyển dịch sang ô tô điện.

Ví như, mẫu ô tô Focus của Ford thông thường sử dụng khoảng 300 con chip, nhưng mẫu ô tô điện mới của hãng ô tô Mỹ này có thể sử dụng đến 3.000 con chip.

Ngoài thiếu hụt chip bán dẫn, ông Herrmann cho biết thêm Ford đang phải đối mặt với cuộc “khủng hoảng mới” về nguyên vật liệu, gồm có lithium, nhựa và thép.

Về phần mình, CEO Daimler Kallenius hy vọng quý III đã là “đáy” của sự gián đoạn nguồn cung chất bán dẫn và kỳ vọng hoạt động trở lại bình thường trong quý IV.

Việc thiếu hụt chip bán dẫn ảnh hưởng đến ngành ô tô nhiều hơn bất kỳ ngành công nghiệp nào khác. Các dây chuyền lắp ráp phải ngừng hoạt động và một số mẫu ô tô hiện được xuất xưởng mà không có tính năng phụ thuộc vào chất bán dẫn.

Tại Anh, sản lượng ô tô trong tháng Bảy giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1956./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục