Nhiều khả năng Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận cải cách thuế toàn cầu

15:46' - 01/11/2021
BNEWS Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hy vọng các hãng công nghệ lớn của Mỹ sẽ ủng hộ quy định tái phân bổ các khoản thuế trong khuôn khổ thỏa thuận cải cách thuế trên toàn cầu do OECD làm trung gian.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã bày tỏ hy vọng các hãng công nghệ lớn của Mỹ sẽ ủng hộ quy định tái phân bổ các khoản thuế trong khuôn khổ thỏa thuận cải cách thuế trên toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) làm trung gian, đồng thời cho rằng ảnh hưởng của thỏa thuận này đến các công ty Mỹ là không đáng kể.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters ngày 31/10 khi đang trên đường tới Dublin (Ireland) sau khi dự hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Italy, bà Yellen nhấn mạnh sự ủng hộ của các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu sẽ giúp tăng sự đồng thuận của các nghị sĩ lưỡng đảng tại Mỹ đối với Trụ cột thứ nhất trong thỏa thuận cải cách thuế của OECD.

Cuối tuần qua, lãnh đạo các nước trong G20 đã ủng hộ thỏa thuận này, trong đó kêu gọi đến năm 2023 có thể áp dụng mức thuế tối thiểu là 15% trên cấp độ toàn cầu.

Theo bà Yellen, mức thuế tối thiểu này sẽ giúp các công ty công nghệ lớn như Alphabet Inc, Amazon.com Inc và Facebook Inc có thể tránh được thuế dịch vụ kỹ thuật số phức tạp tại nhiều nước, đồng thời làm tăng sự ủng hộ đối với thỏa thuận cải cách thuế.

Theo các quan chức thuộc Bộ Tài chính Mỹ, các nhà lập pháp nước này nhiều khả năng sẽ thông qua quy định về mức thuế tối thiểu trên toàn cầu.

Trong khi đó, quy định về việc tái phân bổ các khoản thuế vẫn đang trong quá trình xem xét và sẽ cần được phê chuẩn riêng. Nội dung thứ hai này đang vấp phải sự chỉ trích từ các nghị sĩ đảng Cộng hòa và một số công ty không cung cấp dịch vụ kỹ thuật số.

Các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cho rằng cách tiếp cận của OECD đòi hỏi sự ra đời một hiệp định thuế quốc tế và cần có sự thông qua của 2/3 nghị sĩ trong Thượng viện. Tuy nhiên, Bộ trưởng Yellen bày tỏ tin tưởng rằng Quốc hội sẽ đạt được sự đồng thuận về vấn đề này, đặc biệt khi nó đã nhận được sự ủng hộ từ các doanh nghiệp lớn.

Bộ Tài chính Mỹ ước tính thỏa thuận của OECD sẽ không tác động tiêu cực đến các tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ, kể cả khi một phần lợi nhuận bị đánh thuế của họ được phân bổ sang nước khác, do họ sẽ đủ điều kiện để nhận được các lợi ích khác về thuế. Bà Yellen nhấn mạnh điều này sẽ phụ thuộc vào việc doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận ở đâu.

Đầu tháng 10 vừa qua, khoảng 136 quốc gia, đại diện cho hơn 90% Tổng sản phẩm (GDP) toàn cầu, đã ký thỏa thuận do OECD làm trung gian nhằm đánh thuế các công ty đa quốc gia một cách công bằng hơn và ban hành mức thuế tối thiểu đối với các tập đoàn toàn cầu.

Cải cách này, được khởi xướng lần đầu tiên vào năm 2017 và được thúc đẩy thông qua sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đang vấp phải sự phản đối của các nghị sĩ Mỹ. Trụ cột đầu tiên của cải cách, liên quan đến việc đánh thuế các công ty tại nơi mà họ tạo ra lợi nhuận chứ không chỉ ở nơi họ đặt trụ sở chính, đã vấp phải sự phản đối gay gắt của Quốc hội Mỹ.

Những "gã khổng lồ" Internet của Mỹ như Google, Amazon, Facebook và Apple, chuyên gia trong việc dựa vào các quốc gia có mức thuế thấp để giảm bớt số tiền phải đóng thuế của họ, là những mục tiêu cụ thể của quy định thuế toàn cầu mới.

Theo OECD, mức thuế tối thiểu 15%, sẽ được áp dụng cho các tập đoàn có doanh thu hằng năm vượt quá 750 triệu euro (866 triệu USD), có thể đóng góp thêm 150 tỷ USD/năm vào nguồn thu thuế toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục