Nhiều kiến nghị tại Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam-Campuchia 2019

11:55' - 10/07/2019
BNEWS Hàng loạt thắc mắc và kiến nghị cụ thể của các doanh nghiệp đã được nêu ra tại Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam-Campuchia 2019 được tổ chức chiều 9/7 tại thủ đô Phnom Penh.
Đại diện các doanh nghiệp Campuchia đặt câu hỏi với đại diện của các bộ ngành Việt Nam. Ảnh: Nhóm P/v CQTT TTXVN tại Campuchia.  

Hàng loạt thắc mắc và kiến nghị cụ thể của các doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia liên quan tới các vấn đề về thuế, thủ tục hải quan, ưu đãi đầu tư đã được chia sẻ và giải đáp một cách cởi mở tại Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam-Campuchia 2019 được tổ chức chiều 9/7 tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia.

Đây là lần đầu tiên một diễn đàn thúc đẩy thương mại và đầu tư được Đại sứ quán Việt Nam, Cơ quan Thương vụ tại Campuchia và Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia (VBCC) tổ chức quy mô, với sự có mặt của hơn 200 đại biểu hai nước, đặc biệt là các tỉnh vùng biên Việt Nam như Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang.

Đại diện khoảng 100 doanh nghiệp hai nước đã lắng nghe, trao đổi rất cụ thể về các thủ tục, hành lang pháp lý kinh doanh cùng các bộ ngành hữu quan của hai nước như Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế (Bộ Kinh tế-Tài chính), Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC).

Phó Tổng thư ký Vụ đầu tư thuộc CDC, ông Nut Unvoanra nhiệt liệt cảm ơn sự có mặt của đại diện các doanh nghiệp Việt Nam tại diễn đàn.

Ông Nut Unvoanra khẳng định Campuchia và Việt Nam cần gặp nhau để thảo luận, thu hút các dự án đầu tư. Đây là dịp để để CDC cập nhật các chính sách mới cho doanh nghiệp Việt.

Những vấn đề khá mới mẻ đã được trao đổi như câu hỏi của Trưởng đại diện hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) tại Campuchia, ông Trần Minh Hoan liên quan tới việc doanh nghiệp này bán vé máy bay kèm dịch vụ khách sạn, du lịch, taxi trên nền tảng trang web hoặc mạng xã hội của hãng.

Đại diện Tổng Cục thuế Campuchia cho biết dù Campuchia chưa hoàn thiện Luật thương mại điện tử (E-Commerce), nhưng các công ty Việt Nam có thể kinh doanh bình thường theo giá bán vé, cộng với đóng thuế thu nhập từ dịch vụ bán vé taxi, khách sạn, du lịch.

Ông Te Jeudi, đại diện Tổng Cục thuế Campuchia, cũng có bài thuyết trình khá chi tiết về việc áp dụng công nghệ thông tin (ICT) trong lĩnh vực thuế tại nước này như hệ thống đăng ký/nộp thuế trực tuyến, ứng dụng tra cứu thuế nhập khẩu ô tô trên điện thoại thông minh hay tổng đài thuế (Call Central và Live Chat) để ngay lập tức trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp.

Những thông tin về nộp thuế trực tuyến và quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc của hàng hóa (C/O) trực tuyến của đại diện Bộ Thương mại Campuchia, ông Ho Sivyong đã giải tỏa những vướng mắc mà các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đầu tư tại Campuchia gặp phải trước đây.

Về những khó khăn mang tính chất đặc thù kinh doanh của mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, đại diện các cơ quan chức năng Campuchia tham dự diễn đàn cho rằng Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia (VBCC) nên mạnh dạn tham dự và nêu ra tại diễn đàn Đối thoại Công Tư được tổ chức hàng năm tại Campuchia với sự tham dự của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen.

Về tình hình đầu tư của Việt Nam tại “đất nước Chùa tháp” trong vòng 5 năm qua, ông Nut Unvoanra, Phó Tổng thư ký Vụ đầu tư thuộc Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) nói: “Trong quãng thời gian 5 năm vừa qua, chúng tôi nhận thấy rằng, trong 3 năm trước đó thì có sự tăng trưởng mạnh, nhưng trong 2 năm gần đây thì lại có dấu hiệu đi xuống.

Vì vậy, chúng tôi mong muốn nhà đầu tư đến từ Việt Nam đầu tư ở Campuchia ngày càng đông hơn nữa.

Hiện nền kinh tế Campuchia tăng trưởng khá tốt, các lĩnh vực khác cũng đang ngày càng phát triển mạnh mẽ cùng với sự đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam từng là quốc gia đầu tư hàng đầu tại Campuchia trong lĩnh vực nông nghiệp trong khi lĩnh vực công nghiệp của chúng tôi cũng rất cần nhiều nhà đầu tư hơn nữa.

Campuchia có tiềm năng rất lớn trong các lĩnh vực công-nông nghiệp, việc chế xuất các mặt hàng thế mạnh tại nội địa…

Và điều này đã được chứng minh rõ rằng khi những năm trước, Campuchia xuất khẩu thô sang Việt Nam và Việt Nam đã chế biến những mặt hàng này rồi xuất khẩu qua các quốc gia khác.

Trước đây, Campuchia kém về cơ sở hạ tầng cơ sở, nhưng hiện tại đã tốt hơn nhiều, nguồn cung cấp điện năng cũng dần ổn định … Chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp Việt đẩy mạnh đầu tư hơn nữa vào những lĩnh vực tiềm năng mà Campuchia đang có.”

Ông Nut Unvoanra cũng đánh giá rất cao Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA) được ký ngày 30/6/2019.

Các hiệp định này giúp mở rộng thị trường xuất khẩu cho Việt Nam. Với vai trò là một quốc gia láng giềng, Campuchia lấy làm vui mừng trước kết quả này.

Hai Chính phủ của Việt Nam và Campuchia đã đề ra kế hoạch tăng kim ngạch thương mại lên mức 5 tỷ USD và hiện hai nước đã tiến gần đến con số đã đề ra nhưng rất cần sự nỗ lực lớn từ cả Việt Nam và Campuchia.

Tại Campuchia, hiện có nhiều doanh nghiệp Việt đã phát triển vững mạnh, cụ thể như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang trồng trên 100.000 ha cao su, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương; các ngân hàng BIDC, Agribank, Sacombank, MB, SHB có tổng vốn trên 380 triệu USD; Metfone (Viettel) hiện là tập đoàn viễn thông số một tại Campuchia với trên 7 triệu khách thuê bao, chiếm 46% thị phần thuê bao và 61% thị phần dịch vụ Internet tại Campuchia; Bệnh Viện Chợ Rẫy – Phnom Penh và nhiều đơn vị khác như Vietnam Airlines, Angkor Milk và các doanh nghiệp gốc Việt như Công ty MekongNet, Bệnh viện Chak Angre…

Lĩnh vực thương mại giữa Việt Nam và Campuchia trong thời gian qua có bước phát triển mạnh mẽ. Kim ngạch thương mại Việt Nam-Campuchia năm 2018 đạt 4,704 tỷ USD, tăng 23,8% so với năm 2017.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch thương mại Việt Nam – Campuchia đạt 2,315 tỷ USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2018. Dự kiến, cả năm 2019, kim ngạch thương mại hai nước sẽ đạt mốc 5 tỷ USD như cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra.

Về đầu tư, tính đến nay, Việt Nam đã có 214 dự án đăng ký đầu tư sang Campuchia, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 3,074 tỷ USD, trong đó có 176 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 2,77 tỷ USD.

Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Nhóm P/v CQTT TTXVN tại Campuchia. 

Việt Nam ở trong nhóm 5 nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất tại Campuchia. Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia đã đóng góp thiết thực vào việc phát triển kinh tế và công tác an sinh xã hội của Vương quốc Campuchia.

Về du lịch, nhiều năm qua, Việt Nam liên tục là một trong những nước dẫn đầu về số lượng khách du lịch sang Campuchia với gần 900.000 lượt du khách Việt Nam đến thăm “đất nước Chùa tháp” trong năm 2018.

Thời gian qua, Việt Nam và Campuchia cũng đã ký nhiều khuôn khổ thúc đẩy hợp tác kinh tế như Khung thỏa thuận về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Campuchia đến năm 2030 (hiện hai nước đang xây dựng Bản quy hoạch tổng thế để thực hiện Khung thỏa thuận này, dự kiến cuối 2019 sẽ hoàn thành); Kế hoạch Hành động kết nối ba nền kinh tế; Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác về lĩnh vực giao thông vận tải đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030; Vietnam Airlines và Bộ Du lịch Campuchia đã ký MOU kết nối du lịch hai nước. Hai bên chuẩn bị ký Hiệp định thương mại biên giới trong năm 2019./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục