Nhiều kỳ tích của Nghị quyết 43 cho nền kinh tế - xã hội

14:06' - 25/05/2024
BNEWS Phần lớn các chính sách được thực hiện khá thành công, giúp tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, làm giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát.
Trong 2 năm thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đã có 21 văn bản quy phạm pháp luật liên quan được ban hành, tạo hành lang pháp lý, góp phần quan trọng thực hiện cơ bản hoàn thành 5 quan điểm, 3 mục tiêu của Nghị quyết. Phần lớn các chính sách được thực hiện khá thành công, giúp tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, làm giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát. Nhiều kỳ tích của Nghị quyết 43 cho nền kinh tế - xã hội.

Nhận định trên được các đại biểu Quốc hội đưa ra tại phiên thảo luận vào sáng 25/5 về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh), đại dịch COVID-19 để lại hậu quả rất nặng nề, không chỉ trong 1 năm mà kéo dài trong nhiều năm. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương bị tổn thương rất nặng do đại dịch, do đó, Thành phố rất quan tâm, mong muốn có gói hỗ trợ chính sách để phục hồi, phát triển kinh tế.

Nghị quyết 43 có 3 mục tiêu: kiểm soát đại dịch, phục hồi tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội. Chúng ta đã đạt được những mục tiêu rất cơ bản. Qua thực tiễn thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội cũng như Nghị quyết 43, kinh tế của chúng ta đã phục hồi, phát triển. Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên tăng trưởng chỉ đạt 2,6%, đến năm 2022 là 8,12%, năm 2023 là 5,05%... Đặc biệt, chúng ta vừa đảm bảo các khoản chi cho khắc phục hậu quả dịch COVID-19, chi đầu tư phát triển, kiểm soát lạm phát, đồng thời cân đối được thu chi, kéo giảm bội chi và kéo giảm nợ công từ 43% GDP năm 2022 xuống còn 37% năm 2023… trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, bất thường.

Về kiểm soát đại dịch cũng đã đạt được, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu mở giãn cách từ tháng 10/2021, còn cả nước là quý I/2022.

Mục tiêu thứ ba, về an sinh xã hội, nhiều chương trình rất có ý nghĩa được triển khai và nhiều người lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà. Theo thống kê đã có 5,2 triệu lượt người lao động được hỗ trợ.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng các chính sách miễn giảm thuế, giảm tiền thuê đất… cũng có giá trị nhất định đối với sự phục hồi của các doanh nghiệp, đáng chú ý là gói đầu tư phát triển, bên cạnh chi tiêu đầu tư phát triển theo đầu tư công trung hạn đã có thêm nguồn lực đầu tư trên 187 ngàn tỷ đồng dành cho 272 dự án.

“Tôi cho đó là những nỗ lực rất đáng trân quý”, đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh nói.

 

Còn theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), 2 năm rưỡi kể từ ngày cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết 43, nhìn lại chặng đường đã qua, thấy được sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc kịp thời của Quốc hội, sự quyết liệt của Chính phủ, sự cố gắng của mỗi người dân, doanh nghiệp. Những kết quả đạt được không thể phủ nhận và rất đáng trân trọng.

Nuối tiếc những điểm chưa trọn vẹn

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra rằng, mặc dù triển khai quyết liệt nhưng một số chính sách trong Nghị quyết 43 có kết quả thực hiện thấp. “Số liệu đánh giá tình hình thực hiện các chính sách cụ thể cho thấy có 7 chính sách có chỉ tiêu định lượng đề ra theo Nghị quyết 43 triển khai thực hiện không đạt kế hoạch, trong đó có một số chính sách lớn được ưu tiên dành nguồn lực lớn nhưng kết quả đạt được rất thấp”, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nêu.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn dẫn chứng, chính sách hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại chỉ đạt 3,5% trên tổng quy mô nguồn lực 40.000 tỷ đồng, hay chính sách đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm chỉ đạt 37% kế hoạch hoặc chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động chỉ đạt 55,7% kế hoạch.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, bên cạnh nhìn nhận kết quả đạt được, việc rút ra những bài học kinh nghiệm cho chặng đường tiếp theo là hết sức cần thiết, đồng thời cũng là để trả lời cho câu hỏi: “Nếu như trong tương lai, nếu như một lần nữa dịch bệnh xảy ra, liệu chúng ta có áp dụng những chính sách như chúng ta đã áp dụng hay không? Liệu chúng ta có tổ chức thực hiện như cách chúng ta đã tổ chức thực hiện hay không?” Câu trả lời có lẽ là chưa hẳn chúng ta sẽ lặp lại, bởi có những điều chúng ta có thể làm tốt hơn.

Cụ thể, bà phân tích, về tính kịp thời trong tổ chức thực hiện, đây là yêu cầu quan trọng nhất, xuyên suốt nghị quyết. Trong bối cảnh dịch bệnh, nghị quyết quy định rất rõ, các giải pháp phải kịp thời, các chính sách phải khẩn trương và nguồn vốn phải hấp thụ được ngay. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều kết quả đạt được, có một số nhiệm vụ chưa kịp hoàn thành. Điều này cũng làm giảm tính thời sự, ảnh hưởng đến tính ứng phó kịp thời của một số chính sách.

Vị đại biểu này điểm ra hàng loạt tồn tại như: Gói giải ngân vốn kết cấu hạ tầng, đến nay mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng quyết liệt đôn đốc nhưng mới giải ngân được 61%. Gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua ngân hàng thương mại chỉ đạt 3,05%...

Bài học thứ hai là về cách lựa chọn chính sách và tính khả thi của một số chính sách. Bên cạnh rất nhiều chính sách hợp lý, cũng có những chính sách đến nay chưa thực sự đi vào cuộc sống. Như chính sách hỗ trợ thông qua ngân hàng thương mại, hỗ trợ vốn của Quỹ phát triển du lịch hay việc sử dụng Quỹ viễn thông công ích.

“Nếu có thể làm lại, cá nhân tôi cho rằng rất cần có trọng tâm, trọng điểm. Chúng ta không cần nhiều chính sách nhưng cần nâng cao tính khả thi và đặc biệt là cần đứng từ góc độ người dân để hiểu hơn người dân thực sự cần gì và doanh nghiệp thực sự muốn gì”, bà Mai cho hay.

Vấn đề tiếp theo được đại biểu Hà Nội nêu là về cách đánh giá hiệu quả của toàn bộ chương trình. Để thấy được tính hiệu quả của các chính sách, rất cần làm phép so sánh giữa nguồn lực bỏ ra và kết quả mang lại, bao gồm nguồn lực vật chất và nguồn lực con người, kết quả vô hình và kết quả hữu hình.

Trong Nghị quyết quy định rất rõ, chỉ riêng có kết cấu hạ tầng là 176.000 tỷ đồng. Riêng việc giảm thuế suất 2% thuế giá trị gia tăng là gần 44.596 tỷ đồng. Riêng năm 2022, để giảm thuế VAT, ngân sách nhà nước đã giảm thu 41.198 tỷ đồng. Nguồn lực ngân sách đầu tư là hiện hữu và không nhỏ. Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều kết quả nhìn thấy, cũng còn những nhiệm vụ chưa rõ ràng về hiệu quả và kết quả đầu ra.

Liên quan đến đề xuất của Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn giải ngân các dự án thuộc chương trình phục hồi đến hết năm 2025, đại biểu này phân tích, trong số 272 dự án thuộc chương trình, có đến 107 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50% và nếu không cho phép kéo dài sẽ dẫn đến dở dang, lãng phí.

Cho rằng đây là bài toán cần xem xét thận trọng, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh, đối với một số dự án có hiệu quả giải ngân thấp và chưa thực hiện nghiêm các quy định liên quan thì có thể hủy dự toán, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Đại biểu cũng cho rằng, qua giám sát cho thấy nhiều chính sách đặc thù phát huy tác dụng tốt, có thể nhân rộng để áp dụng rộng rãi. Ví dụ đơn giản hóa thủ tục trong khai thác mỏ, chuyển đổi đất rừng đối với các dự án quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, riêng với cơ chế chỉ định thầu, chỉ nên áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh để đảm bảo tính kịp thời. Còn trong bối cảnh bình thường cần áp dụng quy định chung của pháp luật về đấu thầu để đảm bảo tính công khai, minh bạch, không cho phép lợi dụng pháp luật.

Về việc phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quản đối với các dự án tuyến đường cao tốc, đại biểu này lưu ý 2 điểm. Thứ nhất, là cần nâng cao năng lực thực hiện của các địa phương. Thứ hai là đi đôi với quyền hạn cần quy định rõ hơn về trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Đề cập đến các dự án quan trọng quốc gia, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết, đây là một điểm nhấn trong bức tranh về kết cấu hạ tầng, thể hiện sự quyết tâm và những kết quả rất đáng trân trọng của Chính phủ.  Tuy nhiên, có một điểm cần được quan tâm, đó là việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách. Chúng ta đã dự kiến đầu tư theo hình thức PPP đối với nhiều dự án, nhưng cuối cùng vẫn phải chuyển sang đầu tư từ nguồn lực đầu tư công. Có những nguyên nhân do thể chế, chính sách, nhưng cũng có những nguyên nhân do ý muốn chủ quan của người thực hiện. “Và chỉ khi chúng ta thực sự mong muốn thì mặc dù khó khăn vẫn có thể tìm ra giải pháp để đưa chính sách đi vào cuộc sống. Như cách chúng ta vẫn nói: nếu muốn thì sẽ tìm ra cách”.

“Nghị quyết 43 cũng đã đi đến chặng đường cuối cùng. Chúng ta trân trọng những kết quả đạt được nhưng cũng có những điều nuối tiếc cho những điểm chưa trọn vẹn. Tuy nhiên, với tất cả những trải nghiệm, với tất cả những bài học đúc rút, chúng ta vẫn có quyền tin rằng sẽ làm tốt hơn ở chặng đường tiếp theo”, bà Vũ Thị Lưu Mai kết thúc phần phát biểu tâm huyết của mình.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục