Nhiều kỳ vọng từ Nghị quyết xử lý nợ xấu

20:21' - 25/06/2017
BNEWS Nghị quyết xử lý nợ xấu đã chính thức được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành 86%. Theo đó, Nghị quyết có hiệu lực trong 5 năm và áp dụng từ 15/8/2017.

Điểm tích cực nhất trong nội dung Nghị quyết xử lý nợ xấu lần này theo CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá là việc khẳng định lại quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.

Nghị quyết cũng quy định cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản có trách nhiệm thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng mà không yêu cầu văn bản xác nhận bên bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ thuế liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm.

Điều này kỳ vọng giải quyết vướng mắc lớn nhất trong quá trình thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng, cũng như giúp các ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo nhanh hơn, với giá bán cao hơn. Cũng theo nhận định của BSC, Nghị quyết sẽ tác động mạnh đến nhóm các ngân hàng thương mại có nợ xấu nội bảng ngoại bảng, nợ xấu bán cho VAMC, lãi, phí phải thu cao và nhóm có giá trị tài sản đảm bảo lớn.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế. Ảnh: Đỗ Huyền/BNEWS/TTXVN.

Còn theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, Nghị quyết xử lý nợ xấu được thông qua sẽ góp phần thúc đẩy nhanh hơn tiến trình xử lý nợ xấu vốn là điểm nghẽn lớn của hệ thống kinh tế. Qua đó góp phần đảm bảo hệ thống phát ngân hàng triển lành mạnh hơn, có thể giảm lãi suất được một phần.

“Nghị quyết cũng sẽ góp phần đảm bảo uy tín quốc tế của Việt Nam, vì đối với các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay hệ thống ngân hàng của chúng ta còn nhiều yếu kém, đặc biệt là vấn đề xử lý nợ xấu. Ngoài ra, với Nghị quyết này việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nói riêng và hệ thống kinh tế nói chung sẽ được thúc đẩy nhanh hơn”, Tiến sỹ Cấn Văn Lực nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng từng nhận định, với việc xử lý nợ xấu theo cơ chế cho phép của Nghị quyết này thì chi phí tài chính giảm và chắc chắn lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ giảm.

Như vậy, hệ số an toàn vốn, tỷ lệ an toàn vốn của các tổ chức tín dụng được gia tăng, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng trong thời gian tới.

Nghị quyết xử lý nợ xấu xác định rõ không dùng tiền ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu, đồng thời tạo cơ chế cho các ngân hàng xử lý nợ xấu. Phạm vi nợ xấu xử lý sẽ là toàn bộ nợ xấu ngân hàng, không kể nợ xấu thuộc tổ chức tín dụng yếu kém hay không và xử lý nợ xấu phát sinh đến 15/8/2017./.

>>> Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu - Bài cuối: Sự “ưu ái” cần thiết cho cả nền kinh tế

>>> Những chông gai trong quá trình "đại tu" hệ thống ngân hàng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục