Fed chia rẽ về chiến lược mới của chính sách tiền tệ

14:26' - 08/10/2020
BNEWS Trong biên bản cuộc họp chính sách tháng Chín được Fed công bố ngày 7/10, ngân hàng này vẫn không đưa ra ý kiến rõ ràng về các bước tiếp theo để xoa dịu tác động suy thoái kinh tế do dịch COVID-19.

Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có sự chia rẽ về cách áp dụng chiến lược mới cho chính sách tiền tệ tại cuộc họp vào tháng Chín vừa qua, trong bối cảnh ngày càng có nhiều hoài nghi về diễn biến của nền kinh tế.

Bởi vậy, trong biên bản cuộc họp chính sách tháng Chín được Fed công bố ngày 7/10, ngân hàng này vẫn không đưa ra ý kiến rõ ràng về các bước tiếp theo để xoa dịu những tác động của cuộc suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.

Hồi tháng 8/2020, Fed đã nhất trí về một cách tiếp cận mới đối với chính sách tiền tệ, qua đó ngân hàng này sẽ tập trung nhằm đạt mục tiêu lạm phát trung bình 2%, một chiến lược chính sách mới có thể giữ lãi suất ở mức gần 0% trong nhiều năm.

Điều này có nghĩa là thay vì rút các khoản hỗ trợ nền kinh tế do dự báo giá cả tăng, Fed sẽ chấp nhận các giai đoạn có tỷ lệ lạm phát cao để tập trung vào mục tiêu giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp.

Tuy nhiên, những người tham gia các cuộc thảo luận của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cũng bàn thảo một loạt các vấn đề liên quan đến việc có sự rõ ràng hơn đối với các kế hoạch của Fed.

Một số người muốn Fed đưa ra một cam kết mạnh mẽ để đẩy lạm phát lên trên 2%, trong khi một số người cho rằng những cam kết như vậy chẳng giúp ích được gì cho nền kinh tế ở thời điểm này, còn một số người lại xoay quanh các lựa chọn khác.

Biên bản cuộc họp tháng Chín của Fed cho thấy sự quan ngại dai dẳng về vấn đề lạm phát thấp trên toàn cầu, và mối lo ngại càng gia tăng khi chính quyền Tổng thống Trump và Quốc hội Mỹ có thể không thống nhất được về gói hỗ trợ tài chính mới.

Theo Chủ tịch Fed Jerome Powell, chu trình phục hồi kinh tế chậm chạp và kéo dài có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vốn đã hiện hữu trong nền kinh tế Mỹ.

Ông lưu ý rằng các biện pháp chính sách tiền tệ và tài chính của Mỹ cho tới nay "đã kiềm chế đáng kể" các "động lực suy thoái" thường vốn xảy ra trong một cuộc suy thoái, song nếu không có thêm sự hỗ trợ, những xu hướng đi xuống vẫn có thể trỗi dậy.

Theo thời gian, tình trạng vỡ nợ hộ gia đình và phá sản doanh nghiệp sẽ gia tăng, làm tổn hại năng lực sản xuất của nền kinh tế và kìm hãm việc tăng lương.

Chủ tịch Fed tại St. Louis, James Bullard, cho biết, ông hy vọng nền kinh tế Mỹ sẽ đạt được sự phục hồi gần như hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng COVID-19 vào cuối năm nay.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed tại Boston, Eric Rosengren, người đã cảnh báo về đợt bùng phát COVID-19 thứ hai vào mùa Thu và mùa Đông năm nay có thể khiến đà phục hồi chậm lại và tạo ra một cuộc khủng hoảng tín dụng.

Quyết sách đưa ra hồi tháng Chín của Fed đã tạo ra hai luồng ý kiến trái chiều. Chủ tịch Fed tại Dallas Robert Kaplan cho rằng, chính sách này đã “trói tay” Fed một cách không cần thiết, trong khi Chủ tịch Fed tại Minneapolis, Neel Kashkari, mong muốn có các điều kiện chặt chẽ hơn cho các đợt tăng lãi suất trong tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục