Nhiều ngân hàng trung ương chuẩn bị cho khả năng Fed nâng lãi suất

16:07' - 10/06/2021
BNEWS Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang chuẩn bị cho khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thông báo kế hoạch rút lại các biện pháp kích thích kinh tế vào tháng Tám tới.

Nhiều thị trường trên thế giới đang chuẩn bị cho khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thông báo kế hoạch rút lại các biện pháp kích thích kinh tế vào tháng Tám tới, trong đó ngân hàng trung ương nhiều nước đã phản ứng ngay từ bây giờ.

Fed cho biết sẽ không thu hồi chính sách kích thích khổng lồ của mình cho đến khi thị trường việc làm của Mỹ phục hồi đáng kể. Dù đà phục hồi của thị trường lao động Mỹ còn chưa chắc chắn, nhưng lạm phát tăng nhanh hơn dự đoán đã làm gia tăng khả năng Fed có thể sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn kỳ vọng.

Tháng Tư vừa qua, Ngân hàng trung ương Canada đã trở thành “người tiên phong” trong Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong viêc khép lại chính sách kích thích thời đại dịch và phát đi tín hiệu có thể sẽ bắt đầu nâng lãi suất vào năm 2022.

Ngân hàng Trung ương Na Uy cũng đã thông báo kế hoạch tăng lãi suất trong quý III hoặc quý IV năm nay. Tương tự, New Zealand (Niu Di-lân) và Hàn Quốc cũng cho phát đi thông điệp rõ ràng rằng các nước này sẽ nâng lãi suất khi tình hình kinh tế cải thiện.

Kể cả Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), vốn vẫn kiên định với chính sách tiền tệ siêu lỏng của mình suốt hàng chục năm qua, cũng có khả năng thu hồi các chính sách kích thích.

Ông Takahide Kiuchi, cựu thành viên ban điều hành của BoJ, cho rằng Fed nâng lãi suất có thể tạo cho BoJ một cơ hội hoàn hảo để bình thường hóa chính sách mà không phải lo ngại quá nhiều về khả năng khiến đồng yen mạnh lên.

Các nền kinh tế đang phát triển sẽ đối mặt với rủi ro lớn nhất khi Fed thắt chặt chính sách, động thái đã từng khiến các thị trường chao đảo vì lãi suất của Mỹ tăng lên sẽ thu hút các nguồn vốn bằng đồng USD ra khỏi các thị trường mới nổi, như những gì đã diễn ra vào các năm 1998 và 2013.

Phụ thuộc nhiều vào dòng vốn từ nước ngoài để trang trải cho thâm hụt trong tài khoản vãng lai, Indonesia là một trong những nước phải thận trọng khi Mỹ nâng lãi suất. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia Perry Warjiyo cho rằng sự thay đổi chính sách từ phía Mỹ có thể ảnh hưởng đến lợi suất trái phiếu chính phủ của nước này.

Ngân hàng trung ương của những nước mới nổi dễ bị tổn thương hơn, như Brazil, Ghana và Armenia, đã bắt đầu chu kỳ thắt chặt của mình trước áp lực lạm phát gia tăng.

Ngân hàng trung ương Nga được dự đoán sẽ tăng lãi suất lần thứ ba liên tiếp vào ngày 11/6, khi lạm phát đã vượt xa mức mục tiêu, theo kết quả khảo sát của hãng tin Reuters.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đi trước và mạnh tay thắt chặt chính sách hồi năm ngoái, một động thái mà thống đốc ngân hàng trung ương nước này kỳ vọng sẽ đóng vai trò là một “lá chắn” chống lại tác động từ những thay đổi trong chính sách của Fed. Nhưng nợ nước ngoài lớn vẫn khiến Thổ Nhĩ Kỳ dễ bị tổn thương nếu Fed tăng lãi suất.

Hiện giờ, các nhà hoạch định chính sách ở nhiều nước như Thái Lan, Philippines và Nam Phi tin rằng Fed sẽ không nâng lãi suất quá sớm, song vẫn thừa nhận có nhiều nguy cơ Fed sẽ thay đổi chính sách sớm hơn dự đoán./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục