Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm chuyển cơ sở sản xuất sang Thái Lan

12:16' - 01/06/2020
BNEWS Phó Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan Kriangkrai Thianukul cho biết rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm chuyển cơ sở sản xuất sang quốc gia Đông Nam Á này.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ông Kriangkrai cho rằng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc phải đóng cửa và tác động tới chuỗi cung ứng của khu vực công nghiệp. Rất nhiều công ty đã lên kế hoạch rời khỏi Trung Quốc nhằm giảm bớt rủi ro trong tương lai và chuyển mục tiêu sang các quốc gia Đông Nam Á.

Theo ông Kriangkrai, Thái Lan là một trong những lựa chọn hàng đầu do nước này có các cảng biển thuận lợi cho logistic, có cơ sở hạ tầng cơ bản dành cho các ngành công nghệ cao và có vị trí địa lý ở trung tâm khu vực. Bên cạnh đó, Thái Lan có giá nhân công rẻ và cách thức ứng phó dịch COVID-19 cũng đã chứng tỏ khả năng của Thái Lan trong xử lý khủng hoảng và giúp củng cố niềm tin của các nhà đầu tư.

Trong bối cảnh các chuỗi cung ứng của châu Á cải tổ sau đại dịch COVID-19, Chính phủ Thái Lan đang tập trung nỗ lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cần một cơ sở chế tạo mới trong khu vực thiết bị y tế. Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BoI) đặt mục tiêu thành lập các liên doanh hoặc thuyết phục các công ty nước ngoài đặt cơ sở sản xuất thiết bị y tế ở Thái Lan.

Theo Giám đốc điều hành phụ trách phát triển liên kết công nghiệp của BoI - bà Sonklin Ploymee, BoI đang tập trung phát triển lĩnh vực thầu phụ để phục vụ cho những ngành công nghiệp mũi nhọn mới trong tương lai. Bước đầu, BoI sẽ tập trung vào khu vực hàng không vũ trụ, thiết bị y tế, xe ô tô điện, điện tử thông minh và hệ thống đường sắt. Cơ quan này đã thực hiện thành công một số chương trình hỗ trợ các nhà lắp ráp và chế tạo nước ngoài đặt các phụ tùng và bộ phận cấu thành chất lượng cao từ những doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thái Lan.

BoI hiện có kế hoạch tổ chức hội chợ thương mại Subcon Thailand, một sự kiện thầu phụ công nghiệp quốc tế lớn nhất Hiệp hội Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong khoảng thời gian từ 23-26/9 tại Bangkok để hỗ trợ kết nối doanh nghiệp và tạo ra giá trị 12 tỉ baht (gần 400 triệu USD) từ 8.000 cuộc gặp gỡ kinh doanh. Bà Sonklin cho biết đây là lần đầu tiên sự kiện này tập trung vào ngành thiết bị y tế. Năm ngoái, BoI thúc đẩy kết nối doanh nghiệp giữa các nhà đầu tư nước ngoài và địa phương trong các khu vực ô tô và máy móc.

Theo ông Suthiket Thatpitak-Kul, quan chức phụ trách thúc đẩy đầu tư vào các ngành sinh học và y tế của BoI, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển Thái Lan thành một trung tâm thiết bị y tế của ASEAN. Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Thái Lan cho biết tính đến năm 2015, nước này có 2.992 công ty liên quan đến ngành thiết bị y tế, bao gồm 2.494 công ty xuất khẩu và 498 nhà máy chế tạo./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục