Nhiều nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có thể được hưởng lợi từ cuộc đình công ở Mỹ

09:06' - 29/09/2023
BNEWS Cuộc đình công này dường như đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ người dân Mỹ, ngay sau khi các "đại gia" ô tô gồm Ford, Stellantis, và General Motors từ chối yêu cầu tăng lương tới 40% trong 4 năm.

Nhiều nhà sản xuất ô tô Nhật Bản như Toyota, Honda và Nissan có thể nhận được doanh thu lớn hơn ở thị trường Mỹ do tác động của các cuộc đình công ở Detroit đối với các nhà sản xuất ô tô Mỹ.

Cuộc đình công này dường như đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ người dân Mỹ, ngay sau khi các "đại gia" ô tô gồm Ford, Stellantis, và General Motors từ chối yêu cầu tăng lương tới 40% trong 4 năm.

 
Oliver Lee, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Eastspring Investments Singapore, cho biết các công ty ô tô Nhật Bản đang có lợi thế khi bất kỳ cuộc đình công kéo dài nào ở Mỹ gây ra sự gián đoạn nguồn cung.

Tất nhiên, cuộc đình công ở Detroit sẽ tạo cơ hội cho các nhà sản xuất ô tô của các nước khác, bao gồm cả các nhà sản xuất ô tô từ Hàn Quốc và Đức, nhưng ưu thế của các công ty Nhật Bản sẽ lớn hơn vì họ chiếm hơn 30% thị phần tại Mỹ. Điều này sẽ tạo lực đẩy cho lĩnh vực này, vốn đã bị tụt lại do lo ngại về phản ứng chậm chạp của các công ty trong việc phát triển xe điện, đồng thời thúc đẩy thị trường trong bối cảnh lo ngại lợi thế đồng yen yếu đang giảm dần.

Các nhà phân tích tại Nomura Securities cho biết cuộc đình công ở Detroit bắt đầu từ ngày 15/9, có thể kéo dài khoảng 40 ngày, tính toán dựa trên cuộc đình công tại General Motors năm 2019. Đình công sẽ làm sản lượng giảm khoảng 300.000-500.000 xe. Ngoài những gián đoạn ngắn hạn, chi phí tiền lương ở Mỹ dự kiến sẽ tăng cao, làm tăng lợi thế cạnh tranh đối với các nhà sản xuất ô tô ngoài nước Mỹ.

Trong báo cáo ngày 22/9, các nhà phân tích của Nomura bao gồm Masataka Kunugimoto và Anindya Das viết rằng lương của công nhân ô tô ở Mỹ sẽ tăng nhiều hơn so với các khu vực khác. Nomura dự kiến mức lương tại ba hãng ô tô lớn của Mỹ sẽ tăng 26% trong 4 năm tới.

Chi phí của các nhà xuất khẩu Nhật Bản trở nên tương đối rẻ hơn do đồng yen giảm 12% từ đầu năm đến nay và gần 30% trong ba năm qua. Tuy vậy, chuyên gia Lee của Eastspring cho biết lương công nhân đang tăng ở Nhật Bản, nhưng áp lực lương ở Mỹ có thể sẽ lớn hơn.

Trên thực tế, đồng tiền rẻ hơn đã trở thành động lực chính cho cổ phiếu ô tô Nhật Bản trong năm 2023 sau một vài năm hoạt động chậm chạp khi bị tụt lại phía sau trong cuộc đua xe điện. Chỉ số thiết bị vận tải Topix đã tăng 36% tính theo đồng USD, so với 16% theo thước đo tương đương của Hàn Quốc và 15% theo thước đo của châu Âu.

Shinichi Ichikawa, thành viên cấp cao tại Pictet Asset Management Japan, cho biết đối với các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, viễn cảnh một cuộc đình công kéo dài ở Mỹ "có thể mang lại cho họ cơ hội tốt để thu hẹp khoảng cách”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục