Nhiều nhà thầu chưa có mặt bằng thi công cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu

12:00' - 03/10/2023
BNEWS Các nhà thầu thi công dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cho biết tiến độ bàn giao mặt bằng chậm và còn nhiều vướng mắc ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ chung của gói thầu.

Lãnh đạo Ban Điều hành liên danh gói thầu 9-XL (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Thái Yên, Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung, Công ty 487) cho biết, gói thầu 9-XL bao gồm từ Km16+000 - Km23+000 Dự án thành phần 2 thuộc dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn I đang gặp rất nhiều khó khăn về mặt bằng.

Cụ thể, ông Tất Thành Nam, Giám đốc Ban Điều hành liên danh gói thầu 9-XL thông tin, từ khi khởi công ngày 30/6/2023 đến nay nhà thầu thi công đã được bàn giao mặt bằng 4 đợt với tổng diện tích mặt bằng được bàn giao là 6,715 ha trong tổng số 88,38 ha của gói thầu, đạt 7,6% diện tích giải phóng mặt bằng.

 

Trong số đó, chỉ có 2,533 ha có thể triển khai thi công được (Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung được bàn giao 2,233 ha; Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng công trình giao thông 487 được bàn giao 0,3 ha mặt bằng). Phần mặt bằng còn lại 4,182 ha phạm vi nằm xen kẹp, rải rác và không có đường tiếp cận nên không thể triển khai thi công được. Do vậy, đến thời điểm hiện tại có 2 đơn vị là Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Thái Yên chưa thể triển khai thi công.

“Thời gian thực hiện hợp đồng chỉ có 30 tháng, hiện nay qua 3 tháng kể từ ngày phát lệnh khởi công, dù chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 85 rất quyết liệt tuy nhiên tiến độ bàn giao mặt bằng chậm và còn nhiều vướng mắc ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ chung của gói thầu và gây lãng phí cho các nhà thầu do phải duy trì lực lượng và thiết bị chờ đợi”, ông Tất Thành Nam cho hay.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Phạm Văn Hậu, Trưởng phòng Kỹ thuật Trương Sơn 15 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – đứng đầu liên danh gói 9-XL) chia sẻ, hiện nhà thầu đã huy động nhiều máy móc thiết bị đến công trường để sẵn sàng thi công khi có mặt bằng được bàn giao. Tuy nhiên, do chưa có mặt bằng nên máy móc thiết bị đang nằm chờ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện nhà thầu đang tập trung triển khai bãi đúc dầm (rộng 5.000 m2).

Trong khi đó về mỏ đất, đại diện Ban Điều hành liên danh gói thầu 9-XL thông tin, riêng gói thầu này cần tới 1,6 triệu m3 đất chặt, tuy nhiên, khảo sát thực tế các mỏ được dành cho dự án cũng gặp khó khăn vì nhiều mỏ trữ lượng đất không còn nhiều hoặc có đất nhưng lẫn đá rất khó khai thác.

Còn theo đại diện liên danh nhà thầu gói 10-XL (Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam -Vinaconex, Tổng công ty Xây dựng số 1- CC1, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Dacinco) cho hay, riêng gói 10-XL chưa có nhà thầu nào có mặt bằng thi công. Các nhà thầu đã huy động đủ máy móc, thiết bị theo yêu cầu vì thế rất sốt ruột nằm chờ mặt bằng để thi công.

Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao  thông Vận tải), dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài gần 54 km đi qua địa bàn hai tỉnh: Đồng Nai với hơn 34 km; Bà Rịa - Vũng Tàu với 19,5 km. Dự án được chia thành 3 dự án thành phần. Trong đó dự án thành phần 1 do tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư, dự án thành phần 2 do Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư và dự án thành phần 3 do tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư.

Về mặt bằng, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho hay, theo tính toán, dự án thành phần 1 có tổng diện tích thu hồi gần 138 ha. Tính đến cuối tháng 9/2023, cơ quan chức năng địa phương đã ban hành thông báo thu hồi đất, tổ chức họp dân thông báo kế hoạch thu hồi đất và đang tiến hành công tác kiểm đếm, chưa bàn giao mặt bằng thi công.

Dự án thành phần 2 qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có tổng diện tích thu hồi gần 178 ha. Địa phương đã ban hành thông báo thu hồi đất, tổ chức họp dân thông báo kế hoạch thu hồi đất và đang tiến hành kiểm đếm. Tính đến cuối tháng 9/2023, diện tích mặt bằng được bàn giao đạt hơn 12 ha, đạt 7%.

Cùng thời điểm thống kê, tại dự án thành phần 3 đi qua địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng diện tích mặt bằng thực địa được bàn giao để triển khai thi công đạt hơn 126 ha trên tổng số hơn 137 ha cần thu hồi phục vụ thi công dự án, tỷ lệ đạt 92%.

Đánh giá về bàn giao mặt bằng tại dự án thành phần 3 đang bám sát kế hoạch yêu cầu, song, cơ quan quản lý chuyên ngành của Bộ Giao thông Vận tải bày tỏ sự lo lắng khi mặt bằng bàn giao tại dự án thành phần 1 và dự án thành phần 2 không đảm bảo công địa để triển khai thi công trên hiện trường.

Nguyên nhân chủ yếu do việc kiểm đếm chậm; đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng chưa được UBND tỉnh phê duyệt. Một số vị trí mặt bằng chưa thể thu hồi do vướng thủ tục điều chỉnh quy hoạch đất an ninh - quốc phòng hoặc chưa thống nhất được các khoản hỗ trợ khác.

Liên quan đến vấn đề tái định cư, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, theo thống kê, dự án thành phần 1 có hơn 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng; trong đó, số hộ tái định cư khoảng 1.557 hộ. Dự án thành phần 2 có gần 1.700 hộ bị ảnh hưởng. Số hộ tái định cư khoảng hơn 850 hộ.

Phục vụ việc giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1 và 2, có 4 khu tái định cư được xây dựng. Tuy nhiên, việc triển khai các khu tái định cư chưa đáp ứng yêu cầu khiến tiến độ bàn giao mặt bằng trong năm 2023 là khó khả thi.

“Để đáp ứng tiến độ giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bố trí tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa thuộc dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, huyện Long Thành (thuộc dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành). Hiện, các bộ ngành và địa phương đang phối hợp giải quyết theo chỉ đạo của Chính phủ làm cơ sở triển khai các công việc tiếp theo", Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin.

Dự án đường bộ cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 17.800 tỷ đồng. Giai đoạn phân kỳ (giai đoạn 1) dự án được đầu tư quy mô mặt cắt ngang từ 4 - 6 làn xe theo từng đoạn, vận tốc thiết kế 100 km/h. Giai đoạn hoàn thiện, dự án được mở rộng bảo đảm quy mô 6 - 8 làn xe./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục