Nhiều nông sản đã xuất khẩu nhưng tiến độ còn chậm

18:48' - 27/02/2020
BNEWS Theo Bộ Công Thương, nếu chia theo từng loại cửa khẩu thì tại cửa khẩu quốc tế đường bộ tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 1,7 triệu USD; trong đó nhập khẩu đạt 832,2 nghìn USD
Các lái xe chuyên biệt người Việt Nam điều khiển xe hàng nhập khẩu vào Việt Nam qua Cửa khẩu Kim Thành. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN
Theo thống kê nhanh từ Bộ Công Thương, tính đến hết ngày 26/2 tại cửa khẩu Hữu Nghị đã xuất 225 xe (nông sản, hoa quả, linh kiện điện tử, hàng may mặc: bao gồm các loại hình xuất kinh doanh biên giới, xuất kinh doanh, xuất gia công, quá cảnh).

Ngoài ra, cửa khẩu này cũng đã nhập 359 xe (linh kiện điện tử, máy móc, đồ thủy tinh, hàng may mặc, nông sản...bao gồm các loại hình nhập kinh doanh, nhập gia công sản xuất...); tồn 310 xe xuất khẩu gồm nông sản (mít, thanh long, xoài, nhãn, ớt...), linh kiện điện tử và 58 xe nhập khẩu gồm nông sản, linh kiện điện tử.

Tại cửa khẩu Tân Thanh đã xuất 40 xe dưa hấu, thanh long, chuối, xoài; nhập 14 xe nông sản (lạc nhân, hành, quýt, đỗ tương, nấm tươi...); tồn 125 xe nông sản (chủ yếu là thanh long, dưa hấu) đang chờ làm thủ tục xuất khẩu.

Cửa khẩu Cốc Nam không phát sinh; tồn 11 xe (lạc, tạp hóa, da bò, mỹ phẩm, cá basa đông lạnh).

Cửa khẩu Gia Đồng Đăng nhập khẩu 3 toa sạn melamin, gạch gốm, tồn 39 toa thép nhập khẩu đang chờ làm thủ tục hải quan.

Cửa khẩu Chi Ma xuất 4 xe khẩu trang y tế, nhập 2 xe hoa quả khô, vỏ bọc collagen; tồn 3 xe xk (3 xe hạt tiêu).

Bên cạnh đó, tại tỉnh Lào Cai, tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 2,7 triệu USD; trong đó nhập khẩu đạt 1,2 triệu USD (160 xe); xuất khẩu đạt: 2,7 triệu USD (145 xe).

Theo Bộ Công Thương, nếu chia theo từng loại cửa khẩu thì tại cửa khẩu quốc tế đường bộ tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 1,7 triệu USD; trong đó nhập khẩu đạt 832,2 nghìn USD; xuất khẩu đạt 846,4 nghìn USD.

Cửa khẩu quốc tế đường sắt tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 1,1 triệu USD; trong đó nhập khẩu đạt: 316,9 nghìn USD; xuất khẩu đạt: 787,2 nghìn USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thanh long 633 tấn, giá trị 409,8 nghìn USD; dưa hấu 911 tấn, trị giá 177,9 nghìn USD; chuối 90 tấn, trị giá 12 nghìn; xoài 54 tấn, trị giá 28 nghìn USD; mít 120 tấn, trị giá 102,1 nghìn USD.

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu bao gồm phân bón các loại 1555 tấn, trị giá 413 nghìn USD; rau củ quả các loại 1.117 tấn, 164,5 nghìn USD.

Đáng lưu ý, lượng xe thanh long lên cửa khẩu giảm mạnh do giá thanh long đang biến động, giá tại chợ bên Trung Quốc rẻ hơn giá thu mua tại vùng trồng nên một số doanh nghiệp trực tiếp và thương lại chưa cho hàng lên cửa khẩu.

Đặc biệt, tại tỉnh Quảng Ninh xuất khẩu12 xe (trang bị y tế, sợi cotton, silicon…), trị giá 465,2 nghìn USD lũy kế 129 xe; nhập khẩu: 107 xe (sợi filament tổng hợp, hàng tạp hóa…), trị giá 1,0 triệu USD; lũy kế 448 xe.

Tại cửa khẩu Thanh Thủy tỉnh Hà Giang đã xuất khẩu 31 xe nông sản 455 tấn theo hình thức trao đổi cư dân biên giới 8.000 NDT/ngày/người (23 xe chuối, 7 xe thanh long, 1 xe tinh bột sắn); 4 xe ván bóc 132 tấn theo hình thức chính ngạch.

Trong khi đó, tại tỉnh Đắk Nông, Ủy ban Nhân dân tỉnh này vừa có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và một số sở, ban ngành liên quan rà soát việc xuất để điều hành hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây qua biên giới đất liền phía Bắc. Đây là động thái cần thiết, trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc xuất khẩu một số mặt hàng nông sản, trái cây của tỉnh Đắk Nông như hạt điều rang muối, bột sắn, xoài… gặp rất nhiều khó khăn.

Theo đó, UBND tỉnh Đắk Nông giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành phố trong tỉnh khuyến nghị người dân điều tiết sản lượng, không tập trung sản xuất các loại nông sản mà đầu ra phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu.

Sở Công Thương phối hợp, khuyến nghị kịp thời các doanh nghiệp theo dõi chặt chẽ tình hình giao thương tại khu vực biên giới, hạn chế đưa hàng hóa lên khu vực biên giới, trừ trường hợp xuất khẩu chính ngạch; đồng thời, rà soát, thống kê cụ thể về sản lượng, chất lượng và năng lực cạnh tranh của từng loại nông sản, trái cây để báo cáo về Bộ Công Thương.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản, nông dân trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Đắk Nông gặp rất nhiều khó khăn. Các mặt hàng bị ảnh hưởng lớn bao gồm hạt điều rang muối, bột sắn, xoài, dưa hấu… Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lao đao vì hàng tồn kho, không xuất đi được. Còn nông dân thì điêu đứng vì đầu ra bị “tắc”, giá các loại trái cây xuống thấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục