Nhiều phát minh, sáng kiến của nhà nông mang lại hiệu quả kinh tế cao

17:59' - 11/01/2024
BNEWS Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông lần thứ IV do Hội Nông dân Tp Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/1 đã có nhiều phát minh, sáng kiến của nhà nông mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trồng xà lách thủy canh áp dụng công nghệ IoT, sáng chế các loại máy chế biến chocolate, dây chuyền sản xuất bánh tráng theo công nghệ sấy khép kín, mô hình Phát triển bền vững du lịch cộng đồng ấp Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An)... là những phát minh, sáng kiến mang lại hiệu quả thực tế được đánh giá cao tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông lần thứ IV do Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/1.

 

Ông Nguyễn Thanh Hiền, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố, Trưởng Ban giám khảo Hội thi đánh giá các mô hình vào vòng chung kết đều là những giải pháp hay, ứng dụng nhiều thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, đã được triển khai thực tế và mang lại hiệu quả kinh tế.

Trong đó có những sáng kiến đặc biệt, giải quyết được nhu cầu máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản, mang lại giá trị gia tăng cao với chi phí hợp lý hơn so với nhập khẩu dây chuyền, máy móc từ nước ngoài. Ban Giám khảo cũng mong muốn các tác giả sẽ tiếp tục cải tiến quy trình, công nghệ và tích cực chuyển giao các giải pháp giúp nông dân cải thiện hoạt động sản xuất, chế biến, nâng cao thu nhập.

Tham dự vòng chung kết có 11 đội thi, trong đó có 6 đề tài của nhóm tác giả không chuyên và 5 nhóm tác giả có trình độ, kiến thức chuyên môn.

Kết quả, Ban Giám khảo đã trao giải Nhất nhóm tác giả không chuyên cho mô hình “Sản xuất bánh tráng theo công nghệ sấy khép kín” của hai tác giả Võ Thị Bích Hạnh và Mai Văn Nghĩa. Giải Nhì thuộc về Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Du lịch Thiềng Liềng với mô hình Phát triển bền vững mô hình du lịch cộng đồng ấp Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An). Tác giả Nguyễn Mạnh Hùng với mô hình “Giải pháp thu gom và chế biến phân thỏ” đoạt giải Ba.

Ở nhóm tác giả có chuyên môn, sáng kiến “Sáng chế 6 loại máy chế biến chocolate và cacao, trong đó có máy gia nhiệt chocolate, máy bọc viên chocolate đầu tiên tại Việt Nam” của nhóm tác giả Nguyễn Hồng Huy và Nguyễn Hồng Hà xuất sắc đoạt giải Nhất.

Mô hình Trồng xà lách thủy canh tĩnh chuyên vùng nóng áp dụng công nghệ IoT của tác giả Lâm Ngọc Tuấn đoạt giải Nhì. Giải Ba thuộc về tác giả Phan Văn Hiệp với mô hình Máy sấy đa năng ứng dụng năng lượng mặt trời.

Chia sẻ về sáng kiến chế tạo máy gia nhiệt chocolate, máy bọc viên chocolate đầu tiên tại Việt Nam, anh Nguyễn Hồng Huy cho biết: Ý tưởng chế tạo dây chuyền sản xuất chocolate xuất phát từ việc chứng kiến người dân trồng cacao ở một số tỉnh, thành phố bán nguyên liệu thô với giá rất thấp, trong khi Việt Nam nhập khẩu chocolate thành phẩm với giá cao gấp nhiều lần. Tại Việt Nam, đã có một số nhà máy sản xuất chocolate nhưng đều phải nhập khẩu thiết bị máy móc từ châu Âu với chi phí rất đắt đỏ

“Sau thời gian nghiên cứu, thử nghiệm chúng tôi đã vận hành thành công toàn bộ dây chuyền chế biến quả cacao thành các sản phẩm chocolate đòi hỏi kỹ thuật cao. Nhờ đó, có thể thu mua cacao cho nông dân với gia cao hơn từ 1,5 -2 lần so với xuất khẩu thô; đồng thời chuyển giao dây chuyền sản xuất cho hai nhà máy chế biến khác với chi phí đầu tư cạnh tranh hơn so với nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài”, anh Nguyễn Hồng Huy cho biết thêm.

Bà Huỳnh Thị Kim Xuyến, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi cho biết: Hội thi là hoạt động nhằm khơi dậy tiềm năng, tư duy dáng tạo của nông dân trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật nông nghiệp; thúc đẩy việc ứng dụng có hiệu quả các giải pháp, mô hình sáng tạo vào sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Qua đó, tìm ra giải pháp, mô hình và sáng kiến hay góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thành phố, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân thực hiện tốt vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

Hội thi cũng là sân chơi bổ ích cho cán bộ, hội viên, nông dân có cơ hội giao lưu, học hỏi trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh; tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; đồng thời tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết, liên kết đổi mới phương thức sản xuất, hình thức sản xuất giữa nông dân các vùng nông thôn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục