VPI tập trung phát triển hệ sinh thái sáng tạo cho ngành Dầu khí

21:03' - 19/12/2023
BNEWS Theo Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) Nguyễn Anh Đức, VPI đang hình thành và phát triển hệ sinh thái sáng tạo cho ngành Dầu khí Việt Nam.

Tại Hội nghị người lao động, tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) vừa diễn ra, Viện trưởng VPI Nguyễn Anh Đức cho biết, VPI đang hình thành và phát triển hệ sinh thái sáng tạo cho ngành Dầu khí Việt Nam.

Theo đó, VPI xây dựng, vận hành và phát triển nền tảng sáng tạo dầu khí giúp PVN tận dụng tối đa các nguồn lực, lợi thế cạnh tranh để thực hiện chuyển dịch năng lượng và chuyển đổi số, đảm bảo phát triển hiệu quả, ổn định và bền vững, đồng thời tận dụng cơ hội trong bối cảnh mới của thị trường năng lượng để tạo ra các bước phát triển đột phá.

Trong năm 2023, VPI đã triển khai thử nghiệm 1 công nghệ mới (thử nghiệm chất khử nhũ VPI-Demul trong quá trình xử lý dầu mỏ Bạch Hổ); được cấp 5 giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả (Phần mềm tích hợp biểu diễn và dự báo giá dầu thô Dated Brent trên nền tảng Power Platform; Ebook Sáng tạo sản phẩm số - AI cũng dùng AI - Ứng dụng Power BI Service và AutoML trong lĩnh vực dầu khí; phần mềm cơ sở dữ liệu các quá trình công nghệ hoá học; phần mềm quản lý, theo dõi chế độ làm việc và phát hiện bất thường của giếng khai thác dầu khí; phần mềm báo cáo số sinh địa tầng phân tập và môi trường trầm tích); có 3 sản phẩm nghiên cứu được thương mại hóa gồm: Báo cáo số (phân tích số thị trường LPG, thị trường khí Việt Nam, nguồn phát thải CO2 tại Việt Nam); phân tích số (thị trường LPG, dự báo giá dầu); cung cấp dung dịch nano phân tán cho dầu bôi trơn động cơ…

Bên cạnh đó, VPI mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ ra ngoài ngành và thế giới cho các dịch vụ: Phân tích mẫu nước nhiễm xăng, dầu; lập bản đồ số quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt quốc gia; chính sách quản lý, kỹ thuật tham gia thị trường carbon; đánh giá sơ bộ và xác định khu vực chôn lấp CO2 tiềm năng để giải phát thải đối với các lĩnh vực khó thu hồi CO2 tại Việt Nam; xây dựng chiến lược hydrogen quốc gia…

Lãnh đạo PVN trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua và Bằng khen của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) cho VPI. Ảnh: VPI
Để hiện thực hóa chiến lược phát triển, VPI đã tập trung triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn: “Nghiên cứu cơ bản bổ sung, nghiên cứu ứng dụng đánh giá tiềm năng, gia tăng trữ lượng dầu khí bằng công nghệ mới và các giải pháp kỹ thuật công nghệ tiên tiến để phát triển, khai thác các mỏ dầu khí đảm bảo hiệu quả kinh tế”; “Nghiên cứu, phát triển sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hiệu quả hydro”; “Phát triển và ứng dụng công nghệ thu hồi, tàng trữ và sử dụng CO2 tại các cơ sở sản xuất của Tập đoàn”; chủ động, tích cực tham gia vào các chuỗi giá trị liên kết giữa các đơn vị đã được PVN hình thành (nghiên cứu xây dựng chiến lược làm chủ công nghệ điện gió ngoài khơi; nghiên cứu sản xuất CNT-graphene từ nguồn khí giàu CH4, cung cấp dung dịch nano phân tán để sản xuất dầu nhờn động cơ diesel cao cấp 4T nano graphene). 

 

Về phát triển sản phẩm thương mại, đăng ký bản quyền quốc tế, VPI đã được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp Bằng sáng chế số US2023/0264954A1 cho sáng chế “Method and system for reforming CO2 rich natural gases into syngas using cold plasma device coupled in series to a separate catalyst reforming reactor” (Phương pháp và hệ thống cho quá trình reforming chuyển hóa khí tự nhiên giàu CO2 thành khí tổng hợp, có tích hợp thiết bị plasma lạnh tiền xử lý khí), Bằng sáng chế số US2023/0227378A1 cho sáng chế “Smart fertilizers and method of manufacturing and using the same” (Phương pháp sản xuất và sử dụng phân bón thông minh). 

Đánh giá cao kết quả toàn diện VPI đạt được trong năm 2023, ông Phạm Xuân Cảnh - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên PVN nhấn mạnh  VPI đã tích cực hỗ trợ Tập đoàn và các đơn vị thành viên thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và chuyển đổi số. Việc VPI mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ đã khẳng định vị trí, vai trò, tiềm năng, tiềm lực của ngành Dầu khí, của VPI đồng thời tạo cơ hội để VPI “tự trưởng thành, tự vươn lên”, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ nghiên cứu khoa học đào tạo, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động.

Nhấn mạnh các cơ hội với VPI trong năm 2024, ông Phạm Xuân Cảnh yêu cầu VPI chủ động hỗ trợ, tư vấn cho các cơ quan Nhà nước và PVN trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển ngành Dầu khí, chiến lược phát triển PVN, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực…dựa trên hai yếu tố nền tảng là năng lượng mới và chuyển đổi số. 

Lãnh đạo PVN cũng yêu cầu VPI tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thiện cơ chế hoạt động phù hợp theo quy định (Quyết định số 1243/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/10/2023); đồng thời cần nắm rõ ý nghĩa tự chủ tài chính với cơ chế tài chính thông thoáng hơn, để VPI làm tốt hơn nhiệm vụ của mình và có sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tới. 

Lãnh đạo PVN đề nghị VPI chủ động đề xuất các nghiên cứu mới, nắm bắt các cơ hội để phát triển; chú trọng nghiên cứu tiềm năng khoáng sản dưới đáy biển, trên cơ sở đó hình thành và triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn…

TS. Vũ Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam đánh giá cao hoạt động của Công đoàn VPI trong năm 2023. Ảnh: VPI

Theo Viện trưởng VPI Nguyễn Anh Đức, trong năm 2024, VPI sẽ tập trung nghiên cứu xây dựng mô hình hoạt động để thực hiện có hiệu quả, đáp ứng chiến lược nghiên cứu và phát triển của PVN; triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn; các nghiên cứu có giá trị lớn mang tính đột phá, phù hợp với chiến lược, định hướng của PVN. Cùng đó, VPI đẩy mạnh phát triển sản phẩm thương mại từ các nghiên cứu, đăng ký bản quyền trong nước và quốc tế; mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ ra ngoài ngành và thế giới; triển khai chuyển đổi số, hệ thống ERP, xây dựng chiến lược tổng thể với việc xác định tầm nhìn số có lộ trình triển khai cụ thể và tích hợp, đồng bộ thông tin/dữ liệu hóa sản xuất kinh doanh với Tập đoàn.

TS. Vũ Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng Bằng khen và cúp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Dầu khí Việt Nam cho các tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo”. Ảnh: VPI

Tại Hội nghị, Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã trao Danh hiệu Chiến sĩ thi đua và Bằng khen của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp tặng cho các tập thể và cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác. Lãnh đạo Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã trao tặng Cờ thi đua cho Công đoàn Cơ sở VPI; trao tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh năm 2023; trao tặng Bằng khen và cúp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Dầu khí Việt Nam cho các tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo”. 

Cũng tại Hội nghị, Viện Dầu khí Việt Nam đã phát động phong trào thi đua năm 2024, kêu gọi toàn thể cán bộ, người lao động VPI với phương châm hành động “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả” cùng 2 nét văn hóa “Tự học hỏi, tự hoàn thiện bản thân”, “Đồng cảm, hợp tác” tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết và nỗ lực cao nhất, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2024, xây dựng, vận hành và phát triển nền tảng sáng tạo dầu khí, giúp PVN tận dụng tối đa các nguồn lực, lợi thế cạnh tranh để thực hiện chuyển dịch năng lượng và chuyển đổi số, đảm bảo phát triển hiệu quả, ổn định và bền vững, đồng thời tận dụng cơ hội tạo ra các bước phát triển đột phá.

       

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục