Nhiều thách thức chờ đón nền kinh tế Ai Cập trong năm 2025

21:27' - 26/12/2024
BNEWS Bất chấp các gói hỗ trợ tài chính và vay ưu đãi trong năm nay, tương lai kinh tế của Ai Cập vẫn không chắc chắn và thách thức tiếp tục bao phủ nền kinh tế của đất nước kim tự tháp trong năm 2025.
Báo The National News của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vừa đăng bài viết đánh giá rằng các khoản nợ lớn của Ai Cập, cùng với những diễn biến địa chính trị phức tạp và khó đoán định trong khu vực, sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức lớn đối với nền kinh tế của đất nước kim tự tháp trong năm tới. Nội dung như sau:

Giới phân tích cho rằng bất chấp các gói hỗ trợ tài chính và vay ưu đãi được “rót” đến trong năm 2024, tương lai kinh tế của Ai Cập bước sang năm 2025 vẫn đối mặt với sự không chắc chắn. Khoản vay ưu đãi 1 tỷ euro (1,04 tỷ USD) mà Ủy ban châu Âu (EC) vừa mới giải ngân để hỗ trợ cho nền kinh tế Ai Cập theo hiệp định "Đối tác Chiến lược và Toàn diện" giữa Ai Cập và Liên minh châu Âu (EU) sẽ không thể đủ cho nhu cầu tài chính khổng lồ của quốc gia Bắc Phi này trong năm tài chính 2024-2025.

Trong một tuyên bố ngày 22/12, EU khẳng định số tiền trên được kỳ vọng sẽ giúp Ai Cập trang trải một phần nhu cầu tài chính cho năm tài chính 2024-2025 và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như hỗ trợ các chương trình cải cách kinh tế và tài khóa mà Cairo đang triển khai, để nhận được những gói tín dụng ưu đãi theo yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Tuy nhiên, với khoản nợ nước ngoài phải trả hơn 60 tỷ USD trong năm tài chính hiện nay, nhu cầu tài chính của Ai Cập vượt xa khoản giải ngân mới nhất của EU. Về nghĩa vụ nợ trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 7/2024 và kết thúc vào cuối tháng 6/2025, Ai Cập đã trả 14,7 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm tài chính, trong khi khoản nợ đến hạn 15 tỷ USD phải thanh toán trong quý tiếp theo. Ai Cập sẽ phải thanh toán khoản trả nợ đến hạn lớn nhất trị giá 20,59 tỷ USD vào quý thứ ba của năm tài chính 2024-2025 (tức quý I/2025). Một khoản nợ khác trị giá 10,5 tỷ USD cũng cần phải được thanh toán vào quý thứ tư của năm tài chính 2024-2025 (tức quý II/2025).

 

Nhà phân tích tài chính Mohamed Ragab tại Dubai (UAE) nhận xét: "Khoản giải ngân 1 tỷ euro của EU sẽ không có tác động đáng kể đến gánh nặng nợ, hóa đơn nhập khẩu và chi tiêu ngày càng lớn của Ai Cập, song EU là một đối tác có giá trị ngay cả khi khối này không cung cấp khoản tiền lớn như của UAE. Việc EU thông qua gói hỗ trợ tài chính và vay ưu đãi trị giá 7,4 tỷ euro (8 tỷ USD) cho Ai Cập sẽ mở ra cho Cairo nhiều lựa chọn tài chính khác, chưa kể đến sự hợp tác ngày càng gia tăng giữa các doanh nghiệp châu Âu và khu vực tư nhân của Ai Cập".

Ai Cập đã nâng cấp quan hệ với EU lên "Đối tác Chiến lược và Toàn diện" vào tháng 3/2024 trong khuôn khổ chuyến thăm Cairo của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen. Nhân dịp này, một thỏa thuận cũng đã được ký kết, theo đó EU cam kết cung cấp gói hỗ trợ tài chính và vay ưu đãi trị giá 7,4 tỷ euro cho Ai Cập vào cuối năm 2027. Số tiền này bao gồm 5 tỷ euro hỗ trợ kinh tế vĩ mô và 1,84 tỷ euro được phân bổ cho "các khoản đầu tư bổ sung" cho Ai Cập.

Thỏa thuận hỗ trợ tài chính cũng bao gồm 600 triệu euro tài trợ, trong đó có 200 triệu euro giúp Cairo thực hiện kế hoạch "quản lý di cư". Theo thỏa thuận này, di cư là một lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa EU và Ai Cập. EU đã tiếp tục hợp tác với các nước ở Bắc Phi để giúp quản lý dòng người di cư bất hợp pháp tràn vào châu Âu từ châu Phi và thế giới Arab.

Bên cạnh thỏa thuận hỗ trợ tài chính với EU, Ai Cập cũng đã ký kết một thỏa thuận hỗ trợ tài chính khác với IMF, theo đó Cairo sẽ nhận được khoản vay ưu đãi trị giá 8 tỷ USD từ định chế tài chính đa phương quốc tế này trong vòng 4 năm. Được ký chưa đầy một tháng sau khi một tập đoàn của UAE mua 130 triệu m2 bờ biển Địa Trung Hải của Ai Cập với giá 35 tỷ USD, thỏa thuận với IMF cũng đòi hỏi Ai Cập phải thực hiện các cải cách kinh tế nghiêm ngặt, bao gồm thả nổi đồng bảng Ai Cập cũng như cắt giảm đáng kể trợ giá lương thực và năng lượng.

Một trong những trở ngại lớn nhất đối với nỗ lực cải thiện nền kinh tế của Ai Cập là tình trạng gián đoạn hoạt động vận tải biển qua kênh đào Suez - một trong những nguồn thu ngoại tệ quan trọng nhất của đất nước kim tự tháp. Xung đột tại Dải Gaza đã khiến lực lượng Houthi ở Yemen không ngừng tấn công các tàu thương mại di chuyển qua Biển Đỏ, một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất của thế giới.

Theo các quan chức Chính phủ Ai Cập, doanh thu của kênh đào đã giảm 60% trong năm qua. Nhà phân tích Ragab cho rằng nếu tình hình địa chính trị diễn biến tiêu cực hơn, những khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế Ai Cập cũng sẽ ngày càng gia tăng. Ông Ragab nói thêm: "Việc Ai Cập đạt được các thỏa thuận tài chính khác nhau trong năm nay đã giúp nước này tránh được thảm họa kinh tế. Thỏa thuận của EU rất giống với thỏa thuận của IMF. Cả hai thỏa thuận đều cung cấp các khoản giải ngân nhỏ, nhưng lợi ích nằm ở động thái thông qua những khoản hỗ trợ từ EU và IMF".

Chuyên gia Ragab nhấn mạnh thỏa thuận triển khai đại dự án Ras El Hekma thực sự là yếu tố quan trọng trong năm 2024, giúp tình hình kinh tế Ai Cập được cải thiện rất nhiều. Hồi tháng 2/2024, Ai Cập và UAE đã ký một thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá 35 tỷ USD để phát triển khu vực Ras El-Hekma nằm ven bờ Địa Trung Hải của Ai Cập. Đây là khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong lịch sử được rót vào nền kinh tế Ai Cập.

Với diện tích hơn 170 km2, khu vực Ras Al-Hekma sẽ được phát triển thành một trung tâm đô thị, kinh doanh và du lịch quy mô lớn, với sân bay và cảng biển riêng. Đại dự án này được kỳ vọng sẽ mang lại các dòng vốn đầu tư trị giá hàng trăm tỷ USD và tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động Ai Cập, trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang đối mặt với nhiều tác động bất lợi từ các cuộc khủng hoảng chính trị và an ninh trong khu vực.

Nhờ thỏa thuận Ras El Hekma, nợ nước ngoài của Ai Cập đã giảm từ 168 tỷ USD ghi nhận vào tháng 12/2023 xuống còn 152 tỷ USD hiện nay, trong khi dự trữ ngoại hối tăng 11 tỷ USD lên 46,95 tỷ USD vào cuối tháng 11/2024. Theo Bộ trưởng Tài chính Ai Cập Ahmed Kouchouk, tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này cũng giảm từ 96% vào tháng 6/2023 xuống 89,6% vào tháng 6/2024 trước khi giảm xuống còn 85% vào tháng 6/2025.

Tuy nhiên, bất chấp các chỉ số khả quan này, Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 10/2024 dự báo thâm hụt ngân sách của Ai Cập sẽ tăng từ 3,6% GDP năm 2024 lên 7% GDP vào năm 2025, chủ yếu là do các khoản thanh toán lãi suất gia tăng. WB cho rằng thâm hụt ngân sách của Ai Cập dự kiến sẽ giảm vào năm 2026.

Trong trường hợp không có một dòng tiền mặt khác như khoản đầu tư 35 tỷ USD từ thỏa thuận Ras El Hekma, WB dự đoán các khoản nợ đến hạn cũng như những khoản thanh toán đến hạn cho các công ty dầu mỏ quốc tế có thể gây áp lực lên dự trữ ngoại hối của Ai Cập. WB khuyến nghị Ai Cập nên tập trung thúc đẩy các hoạt động của khu vực tư nhân.

Theo đánh giá của giới phân tích, bất chấp các gói hỗ trợ tài chính và vay ưu đãi trong năm nay, tương lai kinh tế của Ai Cập vẫn không chắc chắn. Các khoản nợ lớn của nước này, cùng với những diễn biến địa chính trị phức tạp và khó đoán định trong khu vực, sẽ tiếp tục đặt ra nhiều thách thức lớn đối với nền kinh tế của đất nước kim tự tháp trong năm 2025.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục