Nhiều thị trường chủ chốt ngóng chờ dữ liệu lạm phát của Mỹ

16:28' - 28/05/2024
BNEWS Giá vàng tại thị trường châu Á gần như đi ngang trong phiên giao dịch 28/5, khi đồng USD suy yếu. Trong khi giá dầu nối dài đà đi lên từ phiên trước đó, nhờ kỳ vọng về nhu cầu nhiên liệu mạnh mẽ.
*Thị trường vàng "án binh bất động" chờ dữ liệu lạm phát của Mỹ

Giá vàng tại thị trường châu Á gần như đi ngang trong phiên giao dịch ngày 28/5, khi đồng USD suy yếu. Trong khi đó, các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ để có thể đưa ra manh mối về thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất.

Cụ thể, chiều phiên này, giá vàng giao ngay duy trì ổn định ở mức 2.349,89 USD/ounce , sau khi tăng khoảng 1% trong phiên trước đó. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,7%, lên mức 2.350,70 USD/ounce.

Ông Kelvin Wong, nhà phân tích thị trường cấp cao khu vực châu ÁThái Bình Dương tại công ty dịch vụ tài chính OANDA cho biết: “Triển vọng đồng USD mạnh lên được hỗ trợ bởi sự thay đổi trong lập trường chính sách tiền tệ của Mỹ, khi Fed bắt đầu tìm kiếm bằng chứng để tăng lãi suất thay vì nới lỏng chính sách tiền tệ có thể là một rủi ro lớn đối với thị trường vàng”. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, vàng giao ngay vẫn thiên về xu hướng tích cực hơn là tiêu cực. Mức giá 2.310 USD/ounce là mức hỗ trợ ngắn hạn quan trọng trong tuần này".

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, dự kiến được công bố vào cuối tuần này (31/5). Biên bản cuộc họp mới nhất của Fed, vừa được công bố vào tuần trước cho thấy Fed sẽ duy trì lãi suất chuẩn ở mức hiện tại nhưng cũng thảo luận về khả năng tăng lãi suất trong thời gian tới.

Xem xét tỷ lệ đặt cược mới đây của các nhà giao dịch cho thấy sự hoài nghi ngày càng tăng rằng Fed sẽ hạ lãi suất nhiều lần trong năm 2024.  theo CME FedWatch Tool, các nhà đầu tư dụ đoán 63% khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 11 tới.

Vàng vốn được coi như một biện pháp phòng ngừa lạm phát, song lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn là tài sản không sinh lời.

Theo nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh), vàng giao ngay có thể phá vỡ ngưỡng kháng cự gần nhất ở mức 2.357 USD/ounce và tăng lên khoảng 2.363 – 2.373 USD/ounce.

Tại Việt Nam, vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 28/5, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 88,50 - 90,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

*Giá dầu nối dài đà tăng

Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên giao dịch ngày 28/5, nối dài đà đi lên từ phiên trước đó, nhờ kỳ vọng về nhu cầu nhiên liệu mạnh mẽ của Mỹ trong mùa Hè này và trước quyết định sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+, tại cuộc họp diễn ra đầu tháng Sáu tới.

Chốt phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7/2024 tăng 6 xu Mỹ, lên 83,16 USD/thùng. Trong khi giá dầu Brent giao tháng 8/2024 tăng 5 xu, lên 82,93 USD/thùng.

Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 7/2024 ở mức 78,80 USD/thùng, tăng 1,08 USD, tương đương 1,39% so với giá đóng cửa cuối tuần trước. Thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Tưởng niệm vào ngày 27/5.

Giá hai loại dầu chủ chốt đã tăng hơn 1% vào phiên giao dịch đầu tuần (ngày 27/5). Giao dịch trầm lắng do đợt nghỉ lễ ở Anh và Mỹ diễn ra sau một tuần ảm đạm, do triển vọng lãi suất ở Mỹ cao hơn trong thời gian dài hơn, cùng với tình trạng lạm phát dai dẳng.

Một số nhà phân tích cho biết kỳ vọng về nhu cầu nhiên liệu mạnh mẽ hơn khi mùa dịch chuyển và kỳ nghỉ Hè ở Mỹ bắt đầu đã hỗ trợ giá dầu. Nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS cho biết, bất chấp quan điểm chung rằng lãi suất tăng có thể dẫn đến tăng trưởng nhu cầu dầu yếu hơn, dữ liệu thực tế cho thấy tăng trưởng nhu cầu dầu nói chung vẫn lành mạnh.

Số ghế được lấp đầy trên các chuyến bay nội địa của Mỹ trong tháng 5/2024 đã tăng 5% so với tháng trước và gần 6% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua mức của năm 2019. Trong khi đó, số ghế được lấp đầy trên các chuyến bay quốc tế trong tháng 5/2024 cũng tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 8% so với cùng kỳ năm 2019.

Mọi sự chú ý đang đổ dồn vào cuộc họp trực tuyến sắp tới của OPEC+. Các nhà giao dịch và giới phân tích dự kiến OPEC+ sẽ giữ nguyên thỏa thuận cắt giảm sản lượng và thúc đẩy giá dầu cao hơn nữa.

*Chứng khoán châu Á hầu hết giảm điểm

Thị trường chứng khoán châu Á dễn biến khá ảm đạm trong phiên giao dịch ngày 28/5, khi các nhà đầu tư tạm nghỉ lấy sức sau đợt phục hồi mạnh mẽ trước đó và thận trọng hơn trước khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát quan trọng vào cuối tuần.

Chứng khoán châu Á ảm đạm. EPA/TTXVN
Với việc Phố Wall và thị trường London (Anh) đóng cửa nghỉ lễ, có rất ít chất xúc tác thúc đẩy hoạt động giao dịch trong phiên này, mặc dù ý kiến từ các quan chức hàng đầu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã củng cố sự lạc quan rằng chi phí đi vay ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ giảm tại cuộc họp tháng 6/2024.

Số liệu thứ Sáu tuần trước cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ tăng lên và kỳ vọng lạm phát giảm xuống đã mang lại cho các nhà giao dịch đủ tự tin để thúc đẩy hy vọng về ít nhất một lần cắt giảm lãi suất của Fed trước tháng 1/2025. Điều đó đã tạo ra một chút áp lực giảm đối với đồng USD. Trong khi đó, đồng yen Nhật Bản lại được hỗ trợ bởi suy đoán ngày càng tăng rằng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ)sẽ tăng lãi suất một lần nữa trong vòng vài tháng tới.

Tuy nhiên, trọng tâm chính đang được chờ đợi là chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ - thước đo lạm phát ưa thích của Fed-  được dự báo sẽ giảm nhẹ trong tháng 4/2024 so với tháng trước đó.

Thông tin này được đưa ra sau khi một số nhà hoạch định chính sách tiền tệ cảnh báo trong những tuần gần đây rằng họ thận trọng về việc cắt giảm lãi suất quá sớm và muốn có thêm dữ liệu chứng minh áp lực lạm phát đang giảm bớt.

 

Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 44,65 điểm (0,11%), xuống 38.855,37 điểm. Trong khi đó, chứng khoán Hàn Quốc gần như đi ngang sau phiên giao dịch biến động ngày 28/5, khi các nhà đầu tư chờ đợi manh mối về quyết định lãi suất của Mỹ. Chốt phiên, chỉ số Kospi giảm nhẹ 0,14 điểm, tương đương 0,01%, đóng cửa ở mức 2.722,85 điểm.

Các thị trường chứng khoán Sydney (Australia), Wellington (New Zealand), Manila (Philippines) và Bangkok (Thái Lan) cũng đồng loạt đỏ sàn.

Không nằm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, hại thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt hạ điểm, sau khi các nhà lãnh đạo nước này khẳng định quyết tâm kiềm chế rủi ro tài chính của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Chỉ số Hang Seng giảm 0,1% xuống 18.814,59 điểm và chỉ số Shanghai Composite giảm 0,5%, xuống 3.109,57 điểm.

Tại thị trường Việt Nam, vào lúc 15 giờ 45 phút ngày 28/5, chỉ số VN - Index tăng 14,05 điểm (1,11%) lên 1.281,73 điểm. Chỉ số HNX - Index tăng 2,75 điểm (1,13%) lên 245,58 điểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục