Nhiều tiềm năng hợp tác thương mại nông sản Việt Nam - Hoa Kỳ

15:01' - 08/07/2020
BNEWS Kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tăng từ 4,37 tỷ USD năm 2011 lên mức 10,56 tỷ USD năm 2019, đạt mức tăng trưởng trung bình 29%/năm.

Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ liên tục phát triển trên nhiều lĩnh vực; trong đó, có hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và thương mại nông sản. Tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực thương mại nông sản giữa hai nước rất lớn, không mang tính cạnh tranh mà là bổ trợ lẫn nhau.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những chia sẻ với phóng viên TTXVN về tiềm năng cũng như giải pháp giúp doanh nghiệp tránh những rủi ro, trở ngại để xâm nhập sâu hơn vào thị trường này. 

 

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về thương mại nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Hoa Kỳ hiện là nước đứng đầu thế giới về sản xuất nông nghiệp hiện đại, trong khi Việt Nam đang trong quá trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn và gắn với nhu cầu thị trường.

Việt Nam có thế mạnh với nhiều sản phẩm đặc trưng của vùng nhiệt đới như hoa quả và có các sản phẩm thủy sản chất lượng cao. Đổi lại thị trường Việt Nam rất tiềm năng cho doanh nghiệp Hoa Kỳ xuất khẩu thiết bị và công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp, vật tư đầu vào cho các ngành trồng trọt và chăn nuôi.

Về thương mại, Hoa Kỳ là đối tác quan trọng đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Hoa Kỳ hiện là thị trường nông lâm thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam. Đổi lại thị trường nông sản Việt Nam cũng rất quan trọng trong chính sách phát triển thị trường của Hoa Kỳ hướng tới mục tiêu phát triển thương mại hài hòa và bền vững giữa hai nước.

Kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tăng từ 4,37 tỷ USD năm 2011 lên mức 10,56 tỷ USD năm 2019, đạt mức tăng trưởng trung bình 29%/năm.

Các mặt hàng chủ đạo của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ gồm: đồ gỗ nội thất, thủy sản, hạt điều, cà phê, hạt tiêu và các mặt hàng rau, hoa, quả và ngũ cốc khác cũng đang có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định.

Các sản phẩm có tỷ lệ xuất khẩu lớn sang Hoa Kỳ là thủy sản chiếm 17,2% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản; hạt điều 31,3%; hạt tiêu 19,8%; mây, tre, đan, cói, thảm 30,3%; gỗ và sản phẩm gỗ 50%.

Các mặt hàng nông lâm thủy sản chính Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ gồm: các sản phẩm sữa, chiếm 12,7% thị phần nhập khẩu sữa của Việt Nam, rau quả chiếm 17,1%, đậu tương chiếm 44,7%, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu chiếm 16,9%.

Để duy trì và phát triển thị trường nông lâm thủy sản sang Hoa Kỳ, các cơ quan kỹ thuật của hai Bộ hợp tác chặt chẽ giải quyết các yêu cầu tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn và chất lượng sản phẩm. Với nỗ lực này, hiện Hoa Kỳ đã cấp phép cho 6 loại quả của Việt Nam tiếp cận thị trường này gồm: thanh long, vải, nhãn, vú sữa, chôm chôm, xoài.

Đồng thời, sau hơn 3 năm nỗ lực hợp tác và hoàn thiện hệ thống sản xuất, chế biến cá tra, ngày 31/10/2019, Hoa Kỳ đã chính thức công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển ngành cá tra bền vững.

Phóng viên:Nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam đang có thế mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đây lại là một trong những thị trường yêu cầu khá khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng. Theo ông, ngành cũng như cộng đồng doanh nghiệp cần có kế hoạch như thế nào để đáp ứng tốt cũng như nâng cao vị thế của nông sản Việt tại thị trường này?

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Hoa Kỳ có nền nông nông nghiệp phát triển và cũng là quốc gia nhập khẩu nông sản đứng đầu thế giới với kim ngạch khoảng 130 tỷ USD/năm; trong đó, các sản phẩm trồng trọt và nông sản nhiệt đới chiếm tới 2/3 giá trị nhập khẩu nông sản.

Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản sang Hoa Kỳ, nhưng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ… mới có thể xâm nhập được thị trường này.

Để xuất khẩu thành công sang thị trường Hoa Kỳ, trước hết các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng, tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng, nắm rõ các quy định, luật lệ và yêu cầu của liên bang cũng như tiểu bang về các vấn đề trên.

Điều quan trọng là doanh nghiệp cần tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện giám sát toàn bộ chuỗi sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm và nâng cao tính minh bạch.

Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của Cơ quan thanh tra Kiểm dịch động thực vật (APHIS), Cơ quan thanh tra An toàn thực phẩm (FSIS), Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) về tiêu chuẩn sản xuất, an toàn thực phẩm, ghi nhãn, đăng ký các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, nguồn gốc xuất xứ…

Các doanh nghiệp cũng phải lưu giữ đầy đủ hồ sơ quá trình sản xuất, chế biến để truy xuất thông tin và phục vụ các đợt thẩm tra tại chỗ của các cơ quan chức năng Hoa Kỳ. 

Thị trường Hoa Kỳ có dung lượng lớn nhưng chi phí tuân thủ các quy định rất cao nếu xuất khẩu với số lượng nhỏ lẻ sẽ không đảm bảo lợi nhuận. Các doanh nghiệp cần xây dựng quy mô sản xuất đủ lớn, đầu tư vào khâu chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng và đáp ứng các đơn hàng từ phía Hoa Kỳ.

Thực tế cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta đều ở quy mô vừa và nhỏ tiềm lực còn hạn chế, trong khi đó hoạt động sản xuất quy mô lớn, kho vận logistics cho nông sản xuất khẩu đòi hỏi nguồn lực lớn về tài chính và kỹ thuật. Do đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết sản xuất nhằm nâng cao tính cạnh tranh về giá của sản phẩm.

Đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp là khối các cơ quan nhà nước, hiệp hội ngành hàng. Các cơ quan chức năng cần có quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu gắn liền với hỗ trợ chế biến sau thu hoạch, có các chính sách cụ thể ưu đãi đối với hệ thống logistics trong lĩnh vực bảo quản, chế biến, vận chuyển nông sản, cung cấp và giải đáp kịp thời các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật để các hiệp hội và doanh nghiệp chủ động chuẩn bị kế hoạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Phóng viên: Nhiều loại nông lâm thủy sản Việt Nam đã và đang bị Hoa Kỳ đánh thuế chống bán phá giá, điều tra gian lận thương mại… Theo ông, các doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh như thế nào để tránh rơi vào tình trạng trên?

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Quan hệ kinh tế, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ những năm gần đây đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, tích cực, mang lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân hai nước, đặc biệt đối với thương mại sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ còn gặp nhiều rủi ro và trở ngại, cụ thể một số mặt hàng thủy sản chủ lực của ta xuất sang Hoa Kỳ dường như không được đối xử công bằng và liên tục phải trải qua các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp từ đầu những năm 2000 đến nay.

Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ thương mại giữa hai nước cũng như việc làm, thu nhập của hàng triệu nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam.

Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan chức năng của Việt Nam một mặt đã phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội và doanh nghiệp liên quan cung cấp thông tin và đề nghị phía Hoa Kỳ giải quyết trên cơ sở tuân thủ các quy định của WTO đảm bảo công bằng cho các bên và bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

Mặt khác, để tránh bị vướng vào các cuộc điều tra nhất là về gian lận thương mại, các doanh nghiệp cần nghiên cứu và tuân thủ các quy định về nguồn gốc xuất xứ, các yêu cầu về an toàn thực phẩm, khai báo thông tin, ghi nhãn của phía Hoa Kỳ.

Doanh nghiệp cũng cần chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương để nắm bắt thông tin cần thiết và thực hiện các hoạt động chứng nhận đối với hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu

Doanh nghiệp cung cấp thông tin cho các cơ quan thẩm quyền của Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc kiểm tra dữ liệu, xác minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; đồng thời thiết lập các kênh thông tin chia sẻ thông qua các hiệp hội ngành hàng và phối hợp tích cực với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến các rào cản thương mại và kỹ thuật.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục