Nhiều vướng mắc khi triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam

18:24' - 28/02/2023
BNEWS Ngày 28/2, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã làm việc với UBND tỉnh Phú Yên và các địa phương liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Ngày 28/2, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên và các đơn vị, địa phương liên quan nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Qua hai tháng triển khai thực hiện dự án tại tỉnh Phú Yên, những khó khăn lớn nhất đó là việc giải phóng mặt bằng và cung cấp vật liệu xây dựng phục vụ cho dự án.

* Mặt bằng "xôi đỗ" nên khó thi công

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) đi qua địa phận tỉnh Phú Yên gồm hai dự án thành phần là Quy Nhơn - Chí Thạnh và Chí Thạnh - Vân Phong với tổng chiều dài 90,2km. Đến nay các địa phương đã bàn giao mặt bằng được 629/727ha, tương đương 73,5/90,2km đạt 81,5%. Tuy nhiên phạm vi mặt bằng đã bàn giao không liên tục nên các nhà thầu mới chỉ tổ chức thi công được 35,24/90,2km đạt 39,1%.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 85 (chủ đầu tư dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh) cho biết: Gói thầu 12-XL địa phương đã bàn giao 18,2/22,1km nhưng các nhà thầu mới tiếp cận thi công được khoảng 12,8km. Tương tự gói thầu 13-XL đã bàn giao được 15,63/19,97km nhưng mới tổ chức thi công được khoảng 5km. Các vị trí còn lại chưa thi công do mặt bằng nhận được không liên tục. Phần lớn diện tích mặt bằng đã bàn giao là đất nông nghiệp trên cơ sở vận động, tuyên truyền (chưa hoàn thành việc chi trả tiền đền bù) nên các hộ dân chưa thu hoạch hoa màu, lâm sản. Bên cạnh đó, các vị trí đường công vụ vận chuyển thiết bị vật tư tiếp cận từ quốc lộ, tỉnh lộ để thi công bị vướng nhà dân nên rất khó khăn.
Tại dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong (do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư), các địa phương đã bàn giao 39,7/48,05km đạt 82,6%. Thế nhưng thực tế nhà thầu mới tiếp cận để thi công được khoảng 17,44/48,05km, đạt khoảng 36,3%. Bên cạnh đó, công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật phức tạp (nhất là hệ thống điện cao thế), khả năng khó đáp ứng tiến độ hoàn thành vào 30/6/2023.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, giải phóng mặt bằng trong giai đoạn hiện nay là khâu trọng yếu nhưng tại tinh Phú Yên đang thực hiện rất chậm nên cần phải khẩn trương tháo gỡ. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên phải đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng theo theo kế hoạch đề ra. Đặc biệt, chủ đầu tư, các đơn vị thi công và chính quyền địa phương cần phải phối hợp chặt chẽ để giải phóng mặt bằng và bàn giao thi công những vị trí đường găng tiến độ, đường công vụ, những vị trí đào - đắp được đồng bộ; các vị trí thi công xung yếu như: cầu, cửa hầm, khu vực nền đất yếu cũng cần được bàn giao mặt bằng để sớm thi công nhằm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật.
Liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, các địa phương phải khẩn trương xây dựng các khu tái định cư và hoàn thành trước tháng 6/2023. Vị trí tái định cư phải ở những nơi thuận lợi, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phải được quy hoạch và xây dựng tốt hơn nơi ở cũ để người dân yên tâm đến nơi ở mới và sớm bàn giao mặt bằng…

* Nguồn vật liệu thiếu, giá cao

Để phục vụ xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam, tỉnh Phú Yên đã cung cấp thông tin 41 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, gồm 28 mỏ trong quy hoạch (12 mỏ cát/405,77ha; 10 mỏ đất/234ha; 06 mỏ đá/30,84ha). Ngoài ra, có 13 mỏ đã đươc cấp phép khai thác đang còn hiệu lực (6 mỏ cát/19ha; 2 mỏ đất/4,57ha; 5 mỏ đá /29,34ha). Tuy nhiên các chủ đầu tư và đơn vị thi công đều phản ánh về tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu.
Theo Ban Quản lý dự án 7, hiện nay công suất 4 mỏ cát đang khai thác chỉ là 40.000m3/năm, trong khi đó khối lượng cần để sử dụng cho dự án rất lớn (nhu cầu 1,36 triệu m3). Với công suất như vậy nếu có tăng công suất tối đa cũng không đáp ứng theo yêu cầu tiến độ dự án. Đặc biệt đối với hạng mục xử lý nền đất yếu (đường găng của dự án) sẽ được triển khai trong năm 2023 với khối lượng cát khoảng 800.000m3.
Đối với các gói thầu thuộc dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thành, các mỏ vật liệu được quy hoạch đều là đất lâm nghiệp hoặc đất lúa. Vậy nên khi thu hồi để khai thác cần phải thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên chấp thuận. Thủ tục này mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ khai thác đất phục vụ dự án.
Bên cạnh việc thiếu vật liệu, tại tỉnh Phú Yên giá bán cát, đất, đá đều cao hơn so với một số địa phương lân cận. Các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án gặp vướng mắc về cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất.
Ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên thừa nhận, giá bán vật liệu xây dựng thông thường hiện nay ở mức cao, trong đó trữ lượng không thiếu. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã cho thành lập đoàn thanh tra về giá vật liệu xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh. Đối với mặt hàng này, Nhà nước không quản lý về giá nhưng doanh nghiệp phải thực hiện bán đúng giá đã niêm yết. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đang kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết một số khó khăn trong việc nâng công suất khai thác các mỏ hiện hữu và cấp phép khai thác các mỏ mới.
Để đáp ứng được nguồn vật liệu thi công dự án và đảm bảo không tăng chi phí xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng lưu ý, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia và chỉ định thầu vậy nên giá không thể "đội" lên.

Giá các vật liệu xây dựng tại Phú Yên tăng cao có nhiều nguyên nhân, nhưng địa phương phải hỗ trợ chủ đầu tư kiểm soát được việc này. Chính quyền cần làm "trọng tài" để doanh nghiệp có mỏ vật liệu xây dựng và đơn vị thi công cùng thống nhất giá bán đúng theo niêm yết. Nếu có tình trạng bán giá cao không đúng theo quy định thì phải cương quyết xử lý.

Bộ Giao thông Vận tải sẽ có kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường để tháo gỡ những khó khăn về nguồn cung vật liệu xây dựng cho dự án không chỉ riêng ở Phú Yên mà đối với cả nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục