Nhiều ý kiến khác nhau về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi)

15:47' - 16/06/2017
BNEWS Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 16/6, đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi).

Băn khoăn về đầu mối quản lý nợ công

Vấn đề vẫn còn có những ý kiến khác nhau tiếp tục được thảo luận tại phiên làm việc, đó là đầu mối quản lý nợ công. Điều 19 Dự thảo luật quy định theo hướng Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; Điều 20 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, làm đầu mối vận động, ký kết hiệp định khung; Điều 21 giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình làm rõ các vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

Nhiều ý kiến tán thành với nội dung dự thảo Luật, nhằm đảm bảo ổn định trong tổ chức, hoạt động và không phải điều chỉnh các Luật có liên quan. Đồng thời đề nghị Chính phủ bổ sung quy định nhằm xác lập rõ hơn về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan theo hướng cụ thể, chặt chẽ, hiệu quả; xác định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, quy định rõ quy trình phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quản lý nợ công.

Các đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), Hoàng Thanh Tùng cho rằng việc Chính phủ giữ nguyên việc phân công nhiệm vụ cho các cơ quan nêu trên là có cơ sở. Đại biểu Cường nhìn nhận thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã làm tốt nhiệm vụ chủ trì đàm phán hiệp định vay ODA với Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các nhà tài trợ đánh giá cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA của Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước là đại diện chính thức của Việt Nam tại WB và ADB đã hơn 40 năm. Việc giao cơ quan đại diện chính là cơ quan chủ trì đàm phán ký kết ODA tại các tổ chức này sẽ bảo đảm thuận lợi trong hoạt động đồng thời bảo đảm tính chuyên nghiệp, kế thừa, bảo đảm ổn định bộ máy của hệ thống ngân hàng và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm thống nhất của hệ thống pháp luật.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) cho rằng trong bối cảnh các nguồn viện trợ, cho vay từ nước ngoài ngày càng giảm, để tránh xáo trộn các mối quan hệ quốc tế, chưa nên thay đổi các đầu mối chủ trì đàm phán, ký kết hiệp định từ các nhà tài trợ. Việc thống nhất cơ quan đầu mối quản lý có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn vướng mắc.

Song, cũng có ý kiến cho rằng nên quy định theo hướng chỉ giao một cơ quan là đầu mối thống nhất theo sự phân công của Chính phủ để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nợ công, trong đó bao gồm cả chức năng quản lý nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, làm đầu mối thống nhất vận động, đàm phán hiệp định khung, hiệp định vay, phân bổ, sử dụng vốn, trả nợ vay...

Thực tế là sự phối hợp chưa bao giờ thông suốt, bức tranh nợ công phải lắp ghép từ nhiều mảnh nên không hoàn chỉnh, không kịp thời; ODA chưa bao giờ kiểm soát được, luôn vượt dự toán, đẩy bội chi, nợ công lên cao, ngoài dự kiến; chưa gắn được trách nhiệm vay, phân bổ với trách nhiệm cân đối nguồn để trả nợ, trách nhiệm khi xảy ra lãng phí, thất thoát, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhận định, khi đưa ra quan điểm đưa về một đầu mối để thống nhất quản lý nợ công.

Lý giải của đại biểu cho thấy, một đầu mối sẽ tốt hơn, thuận lợi hơn ba đầu mối vì gắn được trách nhiệm vay, trách nhiệm phân bổ, trách nhiệm sử dụng với trách nhiệm cân đối nguồn và trách nhiệm trong thất thoát, lãng phí; giảm được biên chế, tăng tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức; tăng niềm tin và giảm phiền hà cho người cho vay và sẽ nhanh chóng có được bức tranh tổng thể về nợ trong nước, nợ ngoài nước, nợ dài hạn, nợ ngắn hạn thay vì phải ghép nhiều mảnh ghép như hiện nay, phục vụ tốt hơn cho công tác phân tích nợ, giảm rủi ro của nợ, đồng thời đánh giá được tổng thể nhu cầu vay, giảm các đầu mối tài chính trung gian từ đó giảm chi phí vay.

Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật cần có quy định cụ thể để quản lý nợ công tốt hơn, nhiệm vụ chính hiện nay là dồn nguồn lực giải quyết thực chất các bất cập đã được xác định trong sử dụng vốn vay ưu đãi, tạo chuyển biến về chất trong quản lý vốn ODA nói riêng và quản lý nợ công nói chung, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Phạm vi nợ công

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, để quản lý chặt chẽ và hiệu quả nợ công, Luật phải giải quyết được gốc rễ ba vấn đề: xác định phạm vi nợ công phù hợp; xác định tổ chức bộ máy, đầu mối quản lý nợ công hợp lý nhất, hiệu quả nhất; nhận diện được rủi ro nợ công (rủi ro trực tiếp và cả rủi ro tiềm ẩn) và xác định công cụ, biện pháp quản lý, xử lý rủi ro; đặc biệt là phải đảm bảo tinh thần của Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị là "đảm bảo dự phòng cho các rủi ro tiềm ẩn”.

Thống nhất về phạm vi nợ công như dự thảo Luật, song, đại biểu Hoàng Quang Hàm chưa thống nhất với việc Luật không quy định nội dung giám sát các khoản vay, nợ không tính vào nợ công vì khi có rủi ro, Nhà nước hoặc ngân sách nhà nước vẫn phải gánh chịu các khoản nợ này; và không quy định trong Luật này thì quy định trong Luật nào cũng cần phải làm rõ.

Hiện các Luật liên quan không có các quy định để xử lý rủi ro của các khoản nợ này trên nguyên tắc không tăng gánh nặng cho nhà nước, không ảnh hưởng đến an toàn nợ công.

Đại biểu ví dụ khi các đơn vị sự nghiệp công lập không trả được nợ tự vay, tự trả, Nhà nước buộc phải gánh thay để không ảnh hưởng đến các nhiệm vụ nhà nước giao cho các đơn vị này. Đây là các đơn vị của nhà nước và không có quy định các đơn vị này được phá sản, thực tế cũng không thể phá sản được nên nhà nước phải gánh nợ thay.

Đối với doanh nghiệp nhà nước khi không trả được nợ, có thể phá sản nhưng tín nhiệm quốc gia sẽ bị ảnh hưởng, làm tăng chi phí đi vay; người lao động mất việc làm; các khoản nợ không trả được sẽ trở thành nợ xấu của ngân hàng và nợ nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước được tính vào nợ nước ngoài của quốc gia nên cần phải có quy định trong Luật để giám sát.

“Các khoản nợ nói trên, nếu không quy định rõ trong Luật biện pháp giám sát và xử lý rủi ro sẽ phải cân nhắc đưa vào phạm vi nợ công, đặc biệt là nợ tự vay, tự trả của đơn vị sự nghiệp công lập; nợ điều hành nhưng không hoàn trả trong năm ngân sách vì nếu không, khi rủi ro xảy ra nhà nước hoặc ngân sách phải gánh các khoản nợ này”, đại biểu Hàm nói.

Cùng quan điểm giữ nguyên quy định hiện hành về phạm vi nợ công, theo như dự thảo Luật, nhưng đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng cần nghiên cứu thêm các khoản nợ khác mà Chính phủ không bảo lãnh đối với cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối.

Nhà nước có trách nhiệm đối với khoản nợ trong trường hợp doanh nghiệp mất khả năng trả nợ không? Doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, trách nhiệm của nhà nước đến đâu?, đại biểu đặt câu hỏi.

Theo đại biểu, trên danh nghĩa các khoản vay của các doanh nghiệp này là tự vay, tự trả nhưng doanh nghiệp thường nhận được sự hỗ trợ “mềm”, đó là các khoản hỗ trợ của Chính phủ dưới hình thức bổ sung vốn, giãn nợ, xóa nợ… Trên thực tế, chưa có doanh nghiệp nhà nước nào phá sản mà luôn được trợ giúp bằng các phương pháp mềm để xử lý thua lỗ, hoạt động không hiệu quả.

Nguồn hỗ trợ này cuối cùng đều góp phần vào việc tăng chi tiêu ngân sách, ảnh hưởng tới nợ công. Những ví dụ điển hình được đại biểu dẫn ra như nợ của Vinashin với các ngân hàng thương mại, Chính phủ cuối cùng vẫn phải bỏ ra một số tiền để bù đắp, đồng thời chuyển một phần nợ sang Vinalines…

Nợ cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, nợ hoàn thuế giá trị gia tăng, đây là những khoản nợ phải bố trí nguồn ngân sách để trả, nếu không tính vào nợ công, sẽ dẫn đến rủi ro trong quá trình điều hành ngân sách, đại biểu nhìn nhận, đồng thời đề nghị đánh giá lại.

Theo lý giải của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, thông lệ quốc tế, phần lớn các nước, Ngân hàng Trung ương là độc lập, Thống đốc Ngân hàng Trung ương không phải thành viên Chính phủ. Đối với Việt Nam, bên cạnh vai trò Ngân hàng Trung ương như quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối.

Tuy nhiên, với vai trò quản lý Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước không có chức năng huy động vốn cho Chính phủ, do vậy, hoạt động huy động vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không thuộc phạm vi của nợ công./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục