Bên lề Quốc hội: Gắn trách nhiệm và quy định rõ đầu mối quản lý nợ công

12:35' - 16/06/2017
BNEWS Theo nhiều đại biểu, thời gian qua nợ công tăng rất nhanh, quản lý nợ công còn nhiều bất cập, trong khi việc gắn trách nhiệm trả nợ đối với đơn vị vay chưa rõ....

Ngày 16/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về Luật Quản lý nợ công sửa đổi. Theo nhiều đại biểu, thời gian qua nợ công tăng rất nhanh, việc quản lý nợ công còn nhiều bất cập, gây thất thoát lãng phí ngân sách, trong khi đó, việc gắn trách nhiệm trả nợ đối với đơn vị vay chưa rõ ràng... Bên hành lang Quốc hội, phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến của các đại biểu để làm rõ vấn đề này.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Thanh phố Hà Nội): Quy định rõ đầu mối quản lý nợ công

Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Tôi hoàn toàn đồng ý với mục tiêu của sửa đổi Luật lần này là phải gắn trách nhiệm trả nợ của các cơ quan trong quản lý nợ công.
Về dự thảo Luật sửa đổi lần này tôi cho rằng, việc đề xuất giữ nguyên quy định về đầu mối quản lý nợ công phân chia tách rời cho 3 cơ quan là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước như Luật Quản lý nợ công năm 2009 có ưu điểm là phát huy được thế mạnh của mỗi cơ quan trong việc huy động các nguồn vốn vay.
Điều này phù hợp với mục tiêu cần tăng nhanh nguồn vốn vay cho đầu tư phát triển. Chính vì vậy, quy mô vốn vay và nợ công trong giai đoạn 2011-2015 của nước ta tăng rất nhanh.
Tuy nhiên việc phân chia như trên không gắn kết giữa hoạt động đi vay, sử dụng vốn vay với khả năng trả nợ.
Điều đó, không chỉ gây nguy cơ vượt trần nợ công mà nguy hại hơn là thời hạn và tiến độ trả nợ gốc và lãi không được phân bổ đều, không phù hợp với thu chi ngân sách, thặng dư xuất nhập khẩu và khả năng trả nợ của nền kinh tế, tạo ra áp lực trả nợ dồn vào từng cao điểm như giai đoạn hiện nay.
Do đó, với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ nợ công, gắn trách nhiệm giữa vay nợ và trả nợ thì cách phân chia tách rời như trên là không còn phù hợp.
Bên cạnh đó, việc quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nợ công là không rõ ràng. Tôi cho rằng, phải quy định rõ các cơ quan đi vay về cho vay lại hoặc bảo lãnh vay phải chịu trách nhiệm trả nợ thay nếu người vay không trả được nợ.
Ngoài ra, cần giao nhiệm vụ cho ngân hàng là người quản lý vốn vay để cho vay lại và cũng là người chịu trách nhiệm bảo lãnh cho người đi vay.
Nếu người vay lại hoặc người được bảo lãnh không trả được nợ thì ngân hàng phải dùng quỹ dự phòng rủi ro để trả nợ thay. Đây chính là một nghiệp vụ thông thường phổ biến đúng chức năng của ngân hàng vẫn thực hiện.

Riêng khoản vay của chính quyền địa phương phải giao cho Bộ Tài chính quản lý. Bởi nếu chính quyền địa phương không trả được các khoản vay thì ngân hàng không thể thu nợ, nhưng Bộ Tài chính có thể thu hồi, khi thực hiện giải ngân vốn đầu tư công hàng năm cho địa phương.
Đối với các khoản vay để Chính phủ đầu tư trực tiếp theo phương thức cấp phát thì nguồn trả nợ vốn vay phải lấy từ ngân sách nhà nước.
Do vậy, việc quản lý các khoản vốn vay này phải do cơ quan quản lý ngân sách thực hiện để cân đối giữa nhu cầu giải ngân vốn đầu tư với khả năng trả nợ từ cơ cấu chi ngân sách.
Tôi cho rằng, Luật cần quy định cho Bộ Tài chính là đầu mối quản lý nợ công thông qua kế hoạch vay và trả nợ công. Dựa vào kế hoạch vay và trả nợ sẽ xác định được nhu cầu vay nợ hàng năm cả về quy mô vốn vay, thời hạn vay, tiến độ trả nợ gốc và lãi.
Trên cơ sở kế hoạch nhu cầu vốn vay, Chính phủ phân chia nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính tiến hành đàm phán, ký kết vay vốn với các bên cung cấp vốn phù hợp với chức năng, trách nhiệm, nhiệm vụ và các quan hệ đối tác của các cơ quan này.
Đồng thời, giao nhiệm vụ quản lý vốn vay bao gồm cả trách nhiệm trả nợ vốn vay thuộc phạm vi quản lý.
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản lý và trách nhiệm trả nợ đối với vốn vay cấp phát của Chính phủ và vốn cho chính quyền địa phương vay lại. Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý, trả nợ đối với vốn vay về cho vay lại và bảo lãnh vay vốn (trừ khoản vay lại của chính quyền địa phương).
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh ): Sửa đổi cho đồng bộ với các Luật khác hiện hành

Đại biểu Trần Hoàng Ngân.Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Luật Quản lý nợ công đã được ban hành từ năm 2009 và có hiệu lực từ đầu 2010. Trong hơn 6 năm qua, nợ công tăng rất nhanh; cụ thể năm 2010 nợ công chỉ khoảng 50% GDP nhưng đến cuối 2015 đã là 62,8% GDP (mỗi năm tăng khoảng 300.000 tỷ đồng).
Nguyên nhân là do bội chi ngân sách tăng, luôn vượt mức dự toán. Bình quân bội chi ngân sách trong 5 năm qua mỗi năm chiếm 5,8% GDP. Bên cạnh đó, vốn vay ODA đáp ứng cho nhu cầu đầu tư, kết cấu hạ tầng cơ sở như giao thông, cảng, sân bay cũng rất lớn nên vay nợ nhiều.
Vì vậy, trong 5 năm qua, bình quân nợ công tăng 14,8%. Bên cạnh đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm trung hạn và xác định trần nợ công là 65% GDP, đến cuối năm 2020.
Như vậy, dư địa để cho Chính phủ thực hiện trong giai đoạn này là rất ít, từ 62,8% lên 65% (tức là tăng lên khoảng 2,2% GDP), trong khi đó, 5 năm qua đã tăng tới 12,8%.
Điều đó cho thấy việc quản lý chặt chẽ nợ công cần phải được quan tâm nhiều hơn. Do đó, Luật lần này cần phải sửa đổi để hoàn thiện.
Tuy nhiên, việc nợ công tăng không chỉ do Luật hiện hành còn bất cập mà quan trọng hơn là do chi tiêu công, đầu tư công quá lớn mà không đem lại hiệu quả tương thích.
Cụ thể, khoản chỉ thường xuyên mỗi năm trước đây chỉ là 50-55% tổng chi, nhưng đến cuối năm 2015 đã là 68-69% tổng chi. Tức là chi tiêu thường xuyên cũng vượt mức và đầu tư phát triển còn nhiều lãng phí.
Việc kiểm soát quản lý nợ công không chỉ trông chờ vào Luật Quản lý nợ công mà phải đồng bộ vơi các Luật hiện hành. Ví dụ như Luật Quản lý ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng vốn...
Do đó, cần phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, sáp nhập, giải thể, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; đặc biệt tập trung nhanh việc phá sản các doanh nghiệp nhà nước yếu kém. Đó mới là giải pháp căn cơ, kiểm soát an toàn nợ công hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục