Nhìn lại các dự án chống ngập tại Tp. Hồ Chí Minh

11:27' - 17/01/2021
BNEWS Tính từ năm 2016 đến nay, Tp. Hồ Chí Minh đã đầu tư và giao cho các quận, huyện thực hiện tổng cộng 633 hạng mục công trình với tổng chiều dài trên 230 km, kinh phí ước khoảng 5.300 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Tp.Hồ Chí Minh đã tập trung nguồn lực để triển khai các dự án chống ngập theo Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng khu vực Tp. Hồ Chí Minh; trong đó, một số dự án đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả ngăn triều cường, mưa lũ, chống ngập úng.

Đây là một trong những kết quả nổi bật được UBND Tp. Hồ Chí Minh nêu trong báo cáo kết quả kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 của Tp. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020.

Cụ thể, trong giai đoạn này, Tp. Hồ Chí Minh đã đưa vào hoạt động Dự án công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn (Nam - Bắc rạch Tra); Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; Dự án 5 cống ngăn triều trên địa bàn quận Thủ Đức; Dự án cống Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Dự án nâng cấp công trình thủy lợi An Phú - Phú Mỹ Hưng và Dự án đê bao sông Sài Gòn từ cầu Bến Súc đến rạch Thai Thai, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi.

Ngoài ra, một số dự án chống ngập theo quy hoạch đang triển khai thi công, thành phố thường xuyên chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công, hoàn thành đưa vào sử dụng như Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Tp. Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng; hai dự án đê bao ngăn lũ bờ tả ven sông Sài Gòn thuộc địa bàn quận Thủ Đức, quận 2; bốn dự án đê bao bờ hữu ven sông Sài Gòn thuộc địa bàn huyện Củ Chi.

Cùng với các dự án, công trình chống ngập trên, Tp. Hồ Chí Minh cũng quan tâm chú trọng đến đầu tư hệ thống đê bao, bờ bao nội đồng.

Tính từ năm 2016 đến nay, Tp. Hồ Chí Minh đã đầu tư và giao cho các quận, huyện thực hiện tổng cộng 633 hạng mục công trình với tổng chiều dài trên 230 km, kinh phí ước khoảng 5.300 tỷ đồng.

Đến nay, các địa phương đã hoàn thành đưa vào sử dụng 440 công trình, đạt tỷ lệ 69,51%. Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, các công trình được đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả bảo vệ cho khoảng 274.771 hộ dân và phục vụ khoảng 18.346 ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các huyện ngoại thành và quận ven nội thành, giúp ổn định đời sống, sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân.

Ngoài ra, tại 35 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố cũng đang được triển khai thực hiện 28 dự án kè phòng, chống sạt lở, bảo vệ khu dân cư từ nguồn vốn ngân sách thành phố với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.

Nhằm phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn, UBND Tp.Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục tập trung quản lý, đầu tư, duy tu, đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng xây dựng các dự án, công trình trọng điểm về phòng, chống thiên tai, ngập lụt, sạt lở, thủy lợi để bảo vệ dân cư và ổn định sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời nâng cao khả năng tiêu thoát nước, quản lý chặt chẽ, hạn chế việc san lấp kênh, rạch, ao, hồ, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án chống ngập đô thị tại thành phố.

Tp. Hồ Chí Minh cũng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm tiếp nhận, xử lý thông tin kịp thời, hỗ trợ ra quyết định phục vụ việc chỉ đạo, chỉ huy ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, viễn thám, GIS… trong phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai.

Tp. Hồ Chí Minh tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học công nghệ, chia sẻ thông tin dữ liệu, kinh nghiệm. Thành phố huy động mọi nguồn lực tài chính cho phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; thực hiện xã hội hóa, phát huy tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục